Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù trong mùa hoa chi pâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên, phóng viên được chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù - đỉnh núi cao thứ 7 của Việt Nam tại giải leo núi bước chân trên mây. Đỉnh Tà Chì Nhù với bạt ngàn sắc tím hồng của hoa chi pâu và cả một sườn núi rêu xanh, du khách như lạc vào vùng tiên cảnh giữa núi rừng Tây Bắc.

Vẻ đẹp loài hoa mang tên “không biết”

Tháng 10 - mùa săn mây đỉnh núi trên cánh rừng Tây Bắc, trong đó có đỉnh Tà Chì Nhù, nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù đạt độ cao 2.979 m so với mực nước biển và là ngọn núi đứng thứ 7 trong số các ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Theo chân các porter địa phương từ khu Mỏ Chì, chúng tôi đã vượt qua những chặng đường núi dốc, cheo leo và trơn trượt, đi từ đỉnh núi này tới đỉnh núi khác trong gần 7 tiếng cũng tới được đỉnh Tà Chí Nhù.

Trên đường đi, qua những đoạn “sống lưng khủng long” là biển mây tuyệt đẹp bồng bềnh trôi giữa bạt ngàn đá núi. Ai đi qua cũng phải dừng lại và trầm trồ thưởng thức bức tranh thiên nhiên đấy, người chụp ảnh, người quay clip và đặc biệt, khi ở giữa khung cảnh thiên nhiên ấy cất lên tiếng khèn của chàng trai người Mông, cả không gian rộng lớn bỗng trở nên đẹp và ảo diệu giữa trời và đất.

Hoa chi pâu khoe sắc giữa đại ngàn gió núi.

Hoa chi pâu khoe sắc giữa đại ngàn gió núi.

“Lần đầu tôi đi leo núi, tham gia trải nghiệm, cung đường leo rất vất vả, khó đi nhưng cảnh sắc quá tuyệt vời, như dân phượt hay nói với nhau “nhân phẩm” tuyệt đỉnh mới săn được mây và chúng tôi trên hành trình lên đỉnh Tà Chì Nhù đã gặp được biển mây như thế. Đặc biệt, giữa mây ngàn gió núi vang vọng tiếng khèn Mông của các bạn porter đã đã mang lại cảm xúc thật tuyệt, bao mệt nhọc như tan biến đối với du khách khi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù”, bạn Hương Giang (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Lên tới đỉnh núi, người đi nhanh thì đi hết hơn 2 tiếng, còn với những người đi trải nghiệm, lần đầu leo núi thì phải 4-6 tiếng mới chạm đỉnh Tà Chì Nhù. Khi lên tới đỉnh, ai cũng hét lên thật to “tôi đã chinh phục được đỉnh Tà Chì Nhù” - chinh phục được ngọn núi cao thứ 7 Việt Nam cũng là chinh phục chính bản thân mình. Cảm giác chùn chân, mỏi gối, mệt mỏi tan biến, chỉ còn lại nụ cười, niềm phấn khích khi đã hoàn thành chặng đường chinh phục đỉnh núi cao nhất tỉnh Yên Bái. Đó cũng là những cảm xúc của mỗi người khi chinh phục chính bản thân mình và thử sức sự nỗ lực và độ dẻo dai cũng như tinh thần đồng đội trong nhóm leo núi. Ai lên tới đỉnh cũng cố gắng ghi lại những bức hình quý giá, lưu giữ những khoảnh khắc bản thân mình đã vượt qua đầy tự hào.

Trên đỉnh núi, đứng giữa núi rừng bao la, gió lộng thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Bên sườn núi, từ đỉnh xuống là cả vạt hoa chi pâu đang khoe sắc nở rộ. Poster Giàng A Pủa, nhà ở xã Xà Hồ, cho biết, với những người Mông đi núi từ trong bụng mẹ nên những cung đường lên núi đều nắm rõ, cung đường từ chân núi chỗ Mỏ Chì lên tới đỉnh khoảng hơn 10 km, nhưng đường đi dốc và liên tục nên du khách leo khá vất vả. Chỗ nào có cảnh đẹp, chụp ảnh đẹp đều chỉ để du khách có những bức ảnh đẹp nhất. Trên đỉnh núi, vào sáng sớm, du khách đón bình minh và hòa mình vào biển hoa chi pâu. Hoa mọc khắp các các triền núi, từ núi này sang núi khác trên cung đường đi xuống lán ở độ cao 2.400m. Thời tiết đẹp, mây bồng bềnh trôi và biển hoa tím trắng pha sắc hồng là những khoảnh khắc tuyệt đẹp đối với mỗi người khi đặt chân tới đây.

Chia sẻ về loài hoa này, Giàng A Pủa cho biết, khi Pủa và người dân ở đây lên núi thì đã có loài hoa này, hoa nở đẹp nhất vào tháng 10, 11 hằng năm trên khắp các dải đồi, triền núi ở Tà Chì Nhù. Mấy năm nay, du khách leo đỉnh Tà Chì Nhù rất nhiều, nhất là vào mùa hoa, họ tới trải nghiệm và đi cùng với đó cũng tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân ở đây. Ví dụ như vào ngày cuối tuần, các em nhỏ bán nước dọc đường đi và trên đỉnh núi, hay những porter dẫn đường, nấu ăn, ở lán trại đều tạo ra thu nhập cho người dân bản.

Ông Vàng A Trống, ở Tà Xùa cho biết, dãy Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai) cũng có hoa chi pâu nhưng số lượng ít, không bằng đỉnh Tà Chì Nhù. Đường đi xuống núi là biển hoa chi pâu với những nụ nhỏ li ti, có màu tím pha trắng bao phủ cả vạt núi. Trong dịp này, sắc tím lịm của loài hoa dại rực cả một góc trời. Cùng với đó còn có đàn “ngựa trời” thẩn thơ gặm cỏ giữa lưng chừng trời, bên những triền núi hoa chi pâu phủ tràn như bất tận. Vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ nãy đã hấp dẫn nhiều du khách và nhiếp ảnh gia tới đây. Và, cũng như những chia sẻ của các du khách khi đặt chân lên đỉnh Tà Chì Nhù vẫn không quên lời nhắc nhở nhẹ nhàng của các porter trước khi lên núi rằng, “đừng mang về thứ gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”, mỗi du khách sự tôn trọng tự nhiên, bảo vệ, gìn giữ môi sinh trong sự hòa hợp, phát triển bền vững. Trạm Tấu đang phát triển du lịch theo hướng ấy, “nhưng tôi đã trót mang về từ Tà Chì Nhù nhiều hơn những tấm ảnh về một lưng trời tím, tôi đã mang về rất nhiều suy nghiệm không chỉ trong giây phút đứng trên điểm cao 2.979m, giơ bàn tay vớt mây đón gió, chạm vào một cảnh giới khác trong giấc mơ có thật giữa cuộc đời. Chi pâu tím - miền cổ tích ngự ngang trời Tà Chì Nhù mây trắng vẫn ở nơi đây, sẵn lòng nâng những bước chân người”, nhà báo Dương Tử của Tạp chí Văn nghệ quân đội chia sẻ.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Trong hành trình leo núi, ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chia sẻ với chúng tôi về những dự định ấp ủ, mong muốn du lịch sẽ mang lại đời sống khấm khá hơn cho người dân vùng núi.

Trạm Tấu vốn là một huyện nghèo của tỉnh Yên Bái, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, do vậy, phát triển du lịch được huyện đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, du lịch trải nghiệm và khám phá, du lịch mạo hiểm như: Chinh phục đỉnh Tà Xùa, thác nước Tà Xùa (xã Bản Công); Tà Chì Nhù (xã Xà Hồ); thác Đề Chơ (xã Làng Nhì)... được triển khai và nhận được sự quan tâm của du khách, lượng khách đến với Trạm Tấu ngày một tăng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với địa phương. Theo ông Khang A Chua, khi du lịch phát triển, dân bản ở các xã sẽ có việc làm, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thường xuyên gặp gỡ người dân để tuyên truyền pháp luật.

Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thường xuyên gặp gỡ người dân để tuyên truyền pháp luật.

Đơn cử như bản Cu Vai ở xã Xà Hồ, cách thị trấn Trạm Tấu chừng hơn 20 km, là một bản làng của người Mông hiện ra giữa núi rừng hùng vĩ cũng đang đổi thay nhờ phát triển du lịch. Bản Cu Vai có hơn 20 hộ người Mông, một số hộ đã bắt tay vào làm du lịch, đón khách ở lại để trải nghiệm. Khi khách du lịch đến đông, người trong bản đã cùng nhau xây dựng mô hình bản du lịch để tiếp tục chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan môi trường xung quanh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đội ngũ hướng dẫn du khách đến các điểm tham quan xung quanh Cu Vai. Ông Mùa A Vư - chủ một homes[1]tay ở Cu Vai cho biết, khi thấy du khách vượt núi, băng qua những cung đường khó khăn để đến với bản làng, gia đình đã đầu tư xây dựng, sửa sang lại nhà cửa để làm homestay để du khách có chỗ nghỉ ngơi cùng dân bản, du khách thường nghỉ lại 1-2 ngày để trải nghiệm cuộc sống với người dân, đi ngắm cảnh núi rừng, ruộng bậc thang dưới thung lũng rồi di chuyển tới các điểm khác. Khi có khách, gia đình có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, cũng như điểm đến cũng được quảng bá tốt hơn tới cộng đồng những người thích du lịch.

Với du lịch mạo hiểm, khám phá, leo núi, khi có khách đi núi cần porter, những hộ dân trong xóm đều có thể đáp ứng và dẫn đường cho du khách. Là người dân địa phương nhưng Giàng A Chua ở Xà Hồ rất nhanh nhẹn và đã cùng bà con trong bản làm lán nghỉ trên núi để phục vụ nhu cầu nghỉ lại của khách leo núi. Ngoài ra, bạn cũng là đội trưởng đội porter chuyên đưa khách đi núi. Nhận biết việc phải trau dồi kiến thức chuyên môn nên khi huyện tổ chức lớp hướng dẫn viên tại điểm thì bạn đã tham gia và đã được cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm để phục vụ cho công việc của mình.

Ông Vàng A Trống, ở Tà Xùa, cho biết, mỗi chuyến đi 2 ngày 1 đêm lên núi, porter được trả ít nhất 1 triệu đồng. Khi khách đến đông thì người dân trong xã sẽ có nhiều việc, các hộ gia tăng sản xuất, trồng rau, chăn nuôi cũng cung cấp đồ ăn cho du khách, tạo thêm việc làm và thu nhập. Chúng tôi mong có nhiều người đến với Trạm Tấu hơn nữa, lan tỏa hình ảnh đẹp của vùng núi đến với du khách gần xa.

Đến nay, du lịch đến với Trạm Tấu đã phần nào thay đổi đời sống của người dân nơi này. Những em bé cũng có thể tham gia dịch vụ du lịch bằng việc bán những chai nước ngọt, hướng dẫn, chỉ đường cho du khách. “Chúng tôi sẽ nhất định giữ bản sắc của đất và người Trạm Tấu, theo đúng tinh thần “Trạm Tấu - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng”, nhất định không để du khách phải hối tiếc khi đến đây", ông Khang A Chua nói.

Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Hợp tác xã du lịch Cường Hải cho biết, khi bắt tay vào làm du lịch, người dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và thấy được du lịch mang lại hiệu quả kinh tế. Bà con rất phấn khởi khi có được thu nhập tốt hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Việt Hưng, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt chia sẻ, trong mấy năm gần đây, đi săn mây các đỉnh núi cao vùng Tây Bắc, nhất là leo đỉnh Tà Chì Nhù vào tháng 10, 11; Tà Xùa vào tháng 4 hằng năm đã thu hút nhiều du khách. Những trải nghiệm đối với du khách khi đến với Trạm Tấu ngày một tốt hơn, ngay cả người dân tham gia vào làm du lịch như porter cũng được hướng dẫn, đào tạo để phục vụ khách ngày một chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn đối với du khách khi đến với vùng đất này. Theo ông Hưng, một điều đáng mừng là khi du lịch phát triển, một số gia đình đồng bào địa phương đã định hướng cho con em đi học về du lịch để làm và phát triển du lịch địa phương. Hiện đã có một số bạn làm porter đã có bằng, trung cấp, cao đẳng hoặc đại học về du lịch ngành hướng dẫn viên, buồng phòng, bếp...

“Khi đi leo núi, các porter không chỉ là người mang vác đồ, mà còn là người dẫn đường, hiểu được từng cung đường, địa danh, từng ngọn núi, họ còn kể lại những câu chuyện về văn hóa vùng núi này để du khách hiểu hơn về cuộc sống, con người nơi đây, mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt nhất có thể”, ông Hưng nói.

Du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của huyện Trạm Tấu, với kỳ vọng mang lại sinh kế bền vững cho người dân, ông Khang A Chua cho biết, huyện đã tập huấn, nâng cao nhận thức, tư duy cho người dân để phát triển du lịch. Cùng với đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong phát triển du lịch; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP, đồng thời, tổ chức các dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của huyện.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Lò Trung Kiên, Trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết, du lịch phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc cũng được nâng lên, thu nhập khá hơn góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Đi cùng với sự phát triển du lịch, du khách đến Trạm Tấu ngày một tăng, Công an huyện Trạm Tấu luôn đảm bảo tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, quản lý tốt các cơ sở lưu trú, công tác phòng cháy chữa cháy, môi trường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, để du lịch phát triển bền vững, an toàn, du khách có trải nghiệm và ấn tượng tốt đối với Trạm Tấu. Cùng với đó, lực lượng công an xã còn phối hợp với các lực lượng chức năng giúp người dân hiểu rõ hơn về phát triển du lịch gắn với sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định an ninh, trật tự tại cơ sở. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công an huyện Trạm Tấu đã tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.