Chảy về với phố hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đọc sách “Người tình” (tiểu thuyết L’Amant của Marguerite Duras, Pháp), xem phim “Người tình” và lang thang nơi thành phố êm đềm bên bờ sông Tiền, tôi còn nhận ra một Sa Đéc (Đồng Tháp) khác. Nơi đó, có dòng sông nhỏ thôi, chảy trong phố hoa.
 
Hoa kiểng tập kết bên bờ sông Sa Đéc chờ thuyền đến bốc.
Hoa kiểng tập kết bên bờ sông Sa Đéc chờ thuyền đến bốc.
Dòng sông của hoa
Sông Sa Đéc là một lát cắt ngang dải đất nằm giữa sông Tiền, sông Hậu. Dòng chảy như một món quà tặng cho những tàu thuyền đi trên sông Tiền lại muốn chuyển làn về sông Hậu và ngược lại. Sông Sa Đéc như một tuyến đường bù vào tuyến đường bộ mà ngày trước chưa có nhiều phương tiện vận tải đường bộ cũng như giao thông chưa phát triển như ngày hôm nay.
Nếu tính theo thuận chiều dòng chảy, sông Sa Đéc bắt đầu từ bến phà Vàm Cống (Lấp Vò, Đồng Tháp), khởi nguồn của con sông này, cũng là khởi nguồn của tuyến đường ĐT852B. Từ đây, sông chảy gần như song song với lộ. Qua cầu Vĩnh Thạnh cùng huyện, sông và lộ ĐT852B rời xa nhau. Sông về với làng hoa và chảy song song với lộ ĐT852B rồi đổ vào sông Tiền.
Sông cùng tên với thành phố, thành phố nổi tiếng về nghề trồng hoa. Những vườn hoa Sa Đéc thường nằm ở phường 3 của thành phố, đó là doi đất hẹp, một bên là sông Sa Đéc, một bên là sông Tiền. Giữa hai dòng chảy không những bồi lắng phù sa mà còn tạo ra độ ẩm trù phú, mát mẻ như một tiểu Đà Lạt.
Làng hoa Tân Quy Đông nằm bên dòng Sa Đéc nơi có những con thuyền cập bến bán trấu, tro, xơ dừa và vận chuyển những chậu hoa kiểng về nhiều vùng khác. “Hoa đó sẽ đi đâu?”. Tôi buông câu hỏi, chị Huỳnh Thị Lệ, một trong những chủ nhà vườn ở đây bắt lời: “Hoa đó về Cần Thơ, Long Xuyên hoặc về các thành phố, thị xã gần đây. Hoa kiểng đi xa, lên Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh đều được xe tải về đây bốc”.
Có một lần dự lễ hội hoa Đà Lạt, tôi ngỡ ngàng khi biết rằng có nhiều hoa phải mang từ Sa Đéc lên. Sa Đéc không phải là thành phố ngàn hoa như Đà Lạt nhưng Sa Đéc sẽ bù thêm chỗ thiếu để Đà Lạt thành một ngàn hoa.
Có con thuyền cập bên đường Lê Lợi cũng là bờ sông Sa Đéc, anh Nguyễn Tấn Long, một thương hồ trên sông và cũng là một lái buôn hoa kiểng Sa Đéc đi muôn nơi. Anh Long kể, anh từng đem hoa kiểng Sa Đéc đi dự hội chợ hoa kiểng TP Thủ Dầu Một (Bình Dương, năm 2014), hội chợ hoa xuân ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố. Anh Long cho hay: “Những năm gần đây, nhiều hội chợ hoa cần rất nhiều nguồn hoa khác nhau. Hoa từ Sa Đéc như không thể thiếu trong mỗi một hội chợ. Đi để giới thiệu hoa, bán hoa nhưng đi cũng là cách học hỏi và cũng là niềm tự hào vì mỗi một vùng miền trồng hoa luôn có những điều khác biệt ở kinh nghiệm và kỹ năng nó là bí quyết”.
Những tháng ngày thấp điểm này, hoa không thể đi xa nên anh Long chỉ cho thuyền chạy quanh mấy thành phố ven sông Tiền, sông Hậu. Anh Long cho biết: “Nhờ sông Sa Đéc mà tôi dễ dàng khi lên Long Xuyên, khi xuống Cần Thơ, khi qua Cao Lãnh, lúc về Vĩnh Long, Mỹ Tho... Thời điểm này, bông kiểng chỉ bỏ mối cho các cửa hàng. Kiếm đủ ăn, đủ tiêu. Tính chuyện chi cũng chờ dịp xuân về, Tết đến”.
Đi từ sông Tiền qua sông Hậu hoặc ngược lại, thả hồn trên dòng Sa Đéc với cảm nghĩ, dòng nước dù đã về đến đồng bằng mênh mông rồi, hiền hòa rồi nhưng bản tính thích dịch chuyển của nước, nên dòng Sa Đéc được sinh ra như vậy.
 
Xuồng chở lu trên dòng Sa Đéc.
Xuồng chở lu trên dòng Sa Đéc.
Hoán đổi những sắc mầu
Phù sa bồi lắng tốt cho lúa màu cây trái, nhưng với làng nghề trồng bông kiểng trên dòng Sa Đéc lại ít cần đến phù sa. Chị Huỳnh Thị Lệ cho hay: “Trấu, mùn rơm ướt, xơ dừa có độ xốp nhẹ trên giàn, khi bốc vác vận chuyển cũng không nặng. Khi mưa ướt, nó không vữa tràn trôi chảy khỏi giỏ bông”.
Sông Sa Đéc cũng như nhiều dòng sông miền Tây, trong những ngày này đang là mùa nước nổi. Chỉ khoảng tầm một tháng nữa, khi nước đã hao hụt trên dòng chảy, nhiều đại lý, nhà vườn đưa hoa ra mé bờ sông Sa Đéc cho những thuyền buôn hoa cặp bến, bốc hoa. Khi đó, bờ sông như một sự hoán đổi sắc mầu, biến dòng sông từ sự tẻ nhạt lẫn trong nhiều dòng sông khác. Bỗng phút chốc đó là dòng Sa Đéc mà ai đi chơi, đi du lịch qua đây cũng có thể nhận ra mình đang đi trong khung trời nào. Sông Sa Đéc chảy qua thành phố Sa Đéc, điểm khác biệt với nhiều sông, nhiều đô thị khác ở chỗ hoa kiểng theo thuyền “chảy” trên sông.
Sự hình thành một thương hiệu thành phố hoa trong lòng miền Tây phải kể đến làng Tân Quy Đông (Sa Đéc). Đây là một ngôi làng hình thành trên vùng đất thấp, đất ngập, đất hẹp, một bên là sông Tiền, một bên là sông Sa Đéc - mỗi khi lũ về, triều cường lên, nước ngập tràn xóa nhòa bờ bãi. Theo đó, năm xưa, người dân tính chuyện thâm canh trên ụ, trên sàn, trên giàn treo cao bằng luồng, tre, lồ ô, cây cọc các loại. Trong cái khó có sự nghĩ ngợi khác thường và làng hoa ra đời như vậy.
Làng hoa Tân Quy Đông nhân rộng sang làng hoa Tân Quy Tây, làng hoa Sa Đéc với các thương hiệu nhà vườn: hoa kiểng Hải Triều, Chà Là, Vườn Hồng… và các khu du lịch hoa.
Hơn 100 năm qua, người dân vùng đất hẹp bên bờ sông Sa Đéc chọn hoa làm sinh kế và mỗi năm lại tạo ra, trồng được hoa mới, kiểng đẹp cung cấp cho nhiều vùng miền. Mỗi khi đi chợ hoa, bạn nên hỏi hoa kiểng đó xuất xứ ở đâu, khi mua bán xong rồi, bạn nán ở lại hỏi người bán, ít nhiều có câu trả lời hoa đó từ Sa Đéc. Còn gặp người bán hét giá quá trời trên mây, họ nói đó là hoa Đà Lạt, hoa Hà Nội...
Anh Long, một người đưa hoa Sa Đéc đi nhiều chợ khác nhau, phân trần: “Đôi khi cũng nghe người bán hàng bên cạnh họ nói không đúng xuất xứ bông, kiểng. Mình nghe cũng có chút chạnh lòng. Thôi thì thương trường mà, chợ mà, mình làm sao đủ sức để nhắc nhở người bán”.
Một chiều, đứng trên cây cầu Sắt Quay bắc qua dòng Sa Đéc nối trung tâm thành phố Sa Đéc qua phường 3, nhìn những cặp vợ chồng đưa nhau đi chợ bằng thuyền. Vợ ngồi mũi thuyền, chồng đứng bẻ lái nhẹ nhàng, êm đềm yêu thương. Thấy mà nghĩ, mà nhớ đến tiểu thuyết “Người tình” của nhà văn Marguerite Duras. Bà đã có một thuở ấu thơ ở đây, bà có thể đã từng đi qua con sông này nhưng rồi chuyến phà dài rộng qua dòng sông Tiền của một thiếu nữ tuổi 15 đầy vương vấn nội tâm và trong tiểu thuyết bà nhắc nhiều đến chuyến phà Sa Đéc. Cuốn tiểu thuyết giàu chất điện ảnh đã được chuyển thể thành phim.
Sông Sa Đéc ngày trước là một tuyến đường thủy trung chuyển lúa gạo thực phẩm, hoa kiểng giữa hai dòng sông lớn: sông Tiền - sông Hậu. Đến hôm nay, dẫu đã có nhiều tuyến đường bộ, nhiều phương tiện thuận lợi nhưng dòng Sa Đéc vẫn là một tuyến đường thủy - một con sông đẹp bởi thuyền hoa trong lòng miền Tây mênh mang.
Sông Sa Đéc có chiều dài 51km và có các chợ lớn họp bên bờ sông: Vàm Cống, Lấp Vò, Vĩnh Thạnh, Vàm Định, Tân Dương, Sa Đéc. Dọc dòng sông Sa Đéc chúng ta cũng sẽ thấy được đôi bờ dân cư với nhiều nhóm tôn giáo khác nhau: chùa của đạo Phật, nhà thờ của đạo Thiên Chúa và thánh thất của đạo Cao Đài. Đến TP Sa Đéc không những chiêm ngưỡng các làng hoa mà nên thưởng thức những món ăn nổi tiếng ở đây là hủ tiếu Sa Đéc, bánh tầm bì, cơm tấm, kem Xiêm. Món kem Xiêm là món giải khát được biến thể từ món kem của Thailand, tuy nhiên thành phần làm kem có khác so nguyên bản. Bạn đến đây ngắm hoa và thưởng thức món này. Và nhớ ăn hủ tiếu Sa Đéc - đây có thể coi là món hủ tiếu ngon nhất miền Tây.
Theo Bài và ảnh: VŨ SƠN (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.