Chạm vào thiên nhiên Bù Gia Mập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thay vì ra biển hay lên cao nguyên để tránh cái nóng oi bức, thì việc tìm đến những cánh rừng xanh mát lại là lựa chọn hợp lý.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (vườn) là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam Bộ. Không thể đi hết hơn 25.600 ha của vườn, nhưng mỗi ngày được chạm chân tới từng cánh rừng xanh mát, từng thác nước hùng vĩ, chạm tay ôm vào cột mốc đường biên và ngắm cảnh vật nơi dòng sông phân ranh biên giới, cảm nhận không chỉ là sự giải nhiệt.

Ngắm di sản của rừng

Hà Văn Kiên - nhân viên Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn - Ban Quản lý vườn làm hướng dẫn viên cho chúng tôi trong suốt lịch trình trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên ở đây. Kiên nói điểm đặc biệt đầu tiên của rừng Bù Gia Mập phải nhìn ngắm là 39 cây di sản đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận.

Vị trí của 39 cây di sản gồm quần thể 37 cây săng lẻ (tuổi đời 200 - 400 năm) tại khoảnh 6, Tiểu khu 21 trong phân khu hành chính - dịch vụ của vườn, thuộc xã Bù Gia Mập; một cây sộp (hơn 350 năm) tại khoảnh 4 và một cây tung (450 năm) tại khoảnh 3 thuộc Tiểu khu 27 trong phân khu phục hồi sinh thái vườn thuộc xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Du khách chụp ảnh tại cột mốc 62 (2) bên bờ sông Đăk Huýt

Du khách chụp ảnh tại cột mốc 62 (2) bên bờ sông Đăk Huýt

Mặc dù từng cây di sản được gắn mã QR, chỉ cần đưa điện thoại lên quét là khách có thể tìm hiểu thông tin đầy đủ về tên, tuổi cây, nhưng Kiên vẫn say sưa thuyết minh như thể muốn chia sẻ tình yêu rừng của mình với khách.

Quần thể 37 cây săng lẻ (bằng lăng ổi) được đánh số để dễ tra cứu lý lịch, quản lý từng cây. Mỗi cây mỗi dáng, ai mải mê chụp ảnh là dễ lạc lối trong rừng nên tuy nhóm chỉ 4 người nhưng Kiên cứ phải điểm danh liên tục. Cây săng lẻ số 2 gốc vạm vỡ, lên cao khoảng 4 - 5 m thì thân tẻ thành hai nhánh lớn trông như chàng lực sĩ dang tay ngước nhìn trời xanh. Cây săng lẻ số 15 trụ chân tròn đều vững chãi với vòng ôm gốc gần 5 m, như khoe sức mạnh của tuổi đời 295 năm, đỡ thân cao 35 m.

Khá khen những người yêu rừng nhìn ra dáng quấn quít của cây và gắn tấm biển "Cây bằng lăng tình yêu" khiến các cặp đôi nhìn thấy cây này, lập tức dừng lại để chộp ngay bức ảnh kỷ niệm.

Giữ bình yên cho rừng

Nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo cháy rất cao. Vườn cũng không ngoại lệ.

Ra khỏi cánh rừng quần thể cây di sản, xe chúng tôi chạy trên đường giữa các tiểu khu rừng tiếp giáp với vùng đệm ở xã Bù Gia Mập và xã Đăk Ơ. Bất chợt nhìn thấy lửa cháy thành hàng ở phía xa, chúng tôi hốt hoảng ngỡ mình đi qua vùng cháy rừng. Anh Kiên trấn an rằng đó là lửa đốt lá khô do nhân viên kiểm lâm cùng người dân nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng thực hiện để tạo những đường băng cản lửa, phòng chống cháy rừng vào mùa khô. Kiên giải thích: Vườn có diện tích cây lồ ô rất lớn, mà loài cây này rất dễ cháy vào mùa khô. Trong khi nhiều tiểu khu giáp ranh khu vực vườn cao su, vườn điều của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan sang rừng rất cao do người dân thường đốt dọn vườn vào mùa khô.

Quần thể cây di sản

Quần thể cây di sản

Quan sát cách tạo đường băng cản lửa, chúng tôi thấy người dân gom lá khô vào những chỗ thoáng ở bìa rừng giáp ranh với vườn cây của người dân, rồi đốt cho đến tàn tro để tạo khoảng không ngăn nguồn bắt lửa. Việc đốt lá khô không phải đốt cho nhanh, mà gom từng cụm lá vừa đủ để kiểm soát tầm cao ngọn lửa, không cho cháy xém hay làm hỏng nhánh cây rừng ở tầng thấp.

Anh Kiên nói mỗi ngày làm công việc tạo đường băng cản lửa, nhân viên kiểm lâm, các đội nhận khoán bảo vệ rừng khá vất vả, có khi mọi người phải mang cơm trưa theo ăn tại chỗ. Hạnh phúc của họ là không để xảy ra vụ cháy rừng nào trong suốt mùa khô.

Trong mắt chúng tôi, những dãy ánh sáng đường băng cản lửa đẹp làm sao! Đẹp hình ảnh từng cụm lửa tỏa khói lên chạm vào ánh nắng chiều bật thành những mảng sáng xuyên ngang đường thật huyền diệu. Đẹp hình ảnh những người không ngại khó, kiên nhẫn giữ bình yên cho rừng.

Đến lúc này chúng tôi hiểu thêm lý do Ban Quản lý không cho khách tự do vào rừng mà không có hướng dẫn viên để bảo đảm quan sát, nhắc nhở khách tuân thủ những quy định về an toàn phòng cháy rừng.

Dâng trào cảm xúc

Hôm sau, chúng tôi tham quan vùng biên giới dọc theo sông Đăk Huýt, nằm trong một cánh rừng nguyên sinh của vườn.

Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ, Phó trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng 783 đóng trên xã Đăk Ơ, hướng dẫn chúng tôi đến cột mốc 62 (2), qua những khúc quanh đường rừng thật đẹp. Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, có 3 huyện biên giới là Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, cắm 28 cột mốc chính và 173 cột mốc phụ. Tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập dài 63,319 km, tiếp giáp huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri của Campuchia, phân giới với 2 cột mốc chính và 38 cột mốc phụ, 5 đồn biên phòng quản lý bảo vệ. Đồn Biên phòng 783 quản lý bảo vệ 15,896 km đường biên giới gồm 2 cột mốc chính và 7 cột mốc phụ.

Khách tham quan khu cứu hộ động vật hoang dã

Khách tham quan khu cứu hộ động vật hoang dã

Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ cho biết đường biên giới trong phạm vi Đồn Biên phòng 783 quản lý bảo vệ đều được phân định trên sông Đăk Huýt. Trên tuyến biên giới đường sông, cột mốc nằm trên bờ sông lãnh thổ hai nước. Cột mốc cắm trên lãnh thổ Việt Nam được đánh thêm số 2 trong ngoặc; cột mốc phía bờ sông lãnh thổ Campuchia đánh thêm số 1 trong ngoặc.

Cột mốc 62 (2) được xây dựng năm 2007, hoàn thành vào tháng 3-2009. Trung tá Sỹ nói khu vực biên giới nằm trên địa hình đồi dốc, nhiều sông suối, nên việc đi lại xây dựng các cột mốc hết sức khó khăn. Khó nhất là tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập, phần lớn vị trí mốc phụ nằm trên bờ sông Đăk Huýt. Hồi đó chưa có đường bộ xuyên rừng, việc vận chuyển vật liệu xây dựng đều qua đường sông. Hiện khi đi tuần tra một số cột mốc phụ, cán bộ, chiến sĩ vẫn phải băng rừng, lội sông suối khá vất vả.

Lực lượng bộ đội biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, mà còn kết hợp cùng vườn làm công tác bảo vệ rừng, đặc biệt tiếp những đoàn khách đến tham quan như muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, giúp người dân nhận biết phạm vi lãnh thổ. Nghe những lời thuyết minh rõ ràng, đầy cảm xúc của người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, khi chụp những bức ảnh kỷ niệm bên cột mốc 62 (2), chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng thấy nơi mình đặt chân đến.

Nuôi dưỡng tình yêu với rừng

Ngày cuối, anh Kiên đưa chúng tôi đến khu cứu hộ động vật hoang dã của vườn. Nơi đây đang chăm sóc nhiều động vật sau khi được giải cứu, huấn luyện cho chúng các kỹ năng sinh tồn ngoài môi trường hoang dã trước khi thả về rừng. Nhiều con vật bị thương hoặc đã mất khả năng sinh sống ngoài tự nhiên, được nuôi vĩnh viễn ở đây.

Anh Kiên cho chúng tôi một tiết học sinh vật khá thú vị, nhiều hiểu biết về từng loài hoang dã. Chẳng hạn khỉ đuôi dài không những leo trèo giỏi mà bơi lặn cũng giỏi. Chồn gấu ban ngày ngủ, ban đêm ăn. Tê tê ăn mối và kiến vàng. Vượn đen má vàng rất chung tình, khi một con trong cặp bố mẹ mất thì con còn lại chăm sóc các con, không tìm bạn tình khác.

Đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng

Đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng

Công việc của các nhân viên ở khu cứu hộ này bận rộn cả ngày, từ dọn rửa chuồng thú; hái rau, trái cây, nấu cơm và thức ăn cho thú ăn; đi tìm các loại thức ăn đặc biệt cho các con vật như ổ mối, ổ kiến vàng; trồng một số loại rau, trái cây để có nguồn thức ăn thường xuyên cho thú nuôi tại đây.

Thấy một ngôi nhà gỗ xinh xinh trong khu vực cứu hộ, tôi hỏi có phải nhà nghỉ cho khách du lịch không. Anh Kiên bảo đó là ngôi nhà chung dành cho các tình nguyện viên tham gia chăm sóc động vật hoang dã. Thì ra, vườn có hoạt động cho đăng ký làm tình nguyện viên. Công việc chính của họ là chăm sóc các loài động vật hoang dã đã được cứu hộ theo hướng dẫn của nhân viên vườn. Các bạn chỉ cần lo chi phí đi tới Bù Gia Mập và tự lo ăn uống trong thời gian ở tại đây, không phải chi trả khoản phí nào khác cho vườn.

Anh Kiên cho biết nhiều tình nguyện viên sau một tuần trải nghiệm công việc đã cảm ơn các nhân viên vườn truyền cho họ tình yêu đối với rừng và những động vật sống trong môi trường tự nhiên. Có những tình nguyện viên còn may mắn được cùng tham gia thả các cá thể động vật sau cứu hộ về môi trường tự nhiên, họ càng thấy việc làm của mình ý nghĩa.

Tiếc là ngày chúng tôi đến đây thì một đội tình nguyện viên vừa mới rời đi sau một tuần tham gia làm việc, nên không có dịp tiếp xúc, nghe các bạn kể cảm xúc như thế nào. Nếu sắp xếp được một tuần đến đây, đăng ký làm tình nguyện viên, có lẽ sẽ thêm nhiều tình yêu với đời sống thiên nhiên.

Lúc sửa soạn đi rừng, ai cũng cầm theo quạt bởi thời tiết khá nóng, nhưng đi dưới những tán cây cao trong rừng, không một ai đổ mồ hôi. Bóng nắng xuyên qua kẽ lá trên tầng cây cao đủ tạo ánh sáng đẹp cho những bức ảnh, nên nón chỉ để tạo dáng, có lúc chúng tôi bỏ nón để cảm nhận làn gió nhẹ dễ chịu trong rừng.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.