Cha đẻ giải pháp tế bào T đến Việt Nam nói về triển vọng chữa ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo GS Bruce Levine, nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu liệu pháp gen ung thư của ĐH Pennsylvania, (Mỹ), chúng ta đang ở kỷ nguyên có thể sửa chữa được lỗi gen hoặc hướng dẫn tế bào miễn dịch giết tế bào ung thư.
Cố gắng tìm cách giảm chi phí điều trị ung thư
Đến Việt Nam làm việc nhân tuần lễ khoa học VinFuture, GS Bruce Levine, nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu liệu pháp gen ung thư, đã có cuộc trao đổi với báo chí về triển vọng điều trị ung thư ở Mỹ cũng như khả năng ứng dụng các liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất tại Việt Nam.
 
GS Levine trao đổi với báo chí Việt Nam về những triển vọng trong nghiên cứu chữa bệnh ung thư. Ảnh: Quý Hiên
GS Levine trao đổi với báo chí Việt Nam về những triển vọng trong nghiên cứu chữa bệnh ung thư. Ảnh: Quý Hiên
GS Levine hiện là Giám đốc sáng lập của Cơ sở sản xuất vắc xin và tế bào lâm sàng (CVPF) thuộc Khoa Bệnh học và Phòng thí nghiệm Y học và Trung tâm Ung thư Abramson, Trường Y khoa Perelman, ĐH Pennsylvania (UPenn).
Theo GS Levine, trên thế giới có 6 liệu pháp miễn dịch được phê duyệt để điều trị các loại ung thư máu. Ở Mỹ, Nhật, châu Âu có khoảng hơn 20.000 bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra còn liệu pháp gen được ứng dụng để chữa các bệnh khác như thiếu máu hồng cầu liềm, tan máu bẩm sinh (thalassemia).
Hiện tại, ông và các đồng nghiệp thực hiện nhiều nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị ung thư nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm cách để làm giảm chi phí, nhằm mang đến cơ hội cho nhiều bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị mới.
Một trong những giải pháp để giảm chi phí điều trị là tăng khả năng tự động hóa. Trung và dài hạn thì cần tạo ra liệu pháp trực tiếp trong cơ thể với tác nhân từ các tế bào miễn dịch tự thân. “Tôi cũng đang hợp tác với một công ty Ấn Độ, UPenn cũng đang hợp tác với các bệnh viện ở Costa Rica, để làm giảm giá thành của liệu pháp miễn dịch. Thông qua việc hợp tác giữa UPenn và Bệnh viện Vinmec, tôi rất hy vọng có thể có những hoạt động hợp tác sâu rộng hơn với Vinmec”, GS Levine.
GS Levine khẳng định: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên có thể sửa chữa được lỗi gen hoặc hướng dẫn tế bào miễn dịch giết tế bào ung thư”.
Bệnh nhân cần có đủ thông tin về các phương pháp mới
Trước câu hỏi, khi nào liệu pháp miễn dịch có thể được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, GS Levine trả lời:
“Như các bạn đã biết, 100 năm trước đây, khi có sự xuất hiện của xe ô tô. Lúc đó chúng ta không có trạm sửa xe hay các dịch vụ sửa chữa xe ô tô.
Liệu pháp miễn dịch là công nghệ mới, vì thế, muốn công nghệ này phát triển thì chúng ta cần có chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng, chấp nhận tế bào cũng là một trong các phương pháp điều trị; tổ chức đào tạo các cán bộ y tế hiểu và biết cách sử dụng tế bào như một liệu pháp điều trị hiệu quả.
Nhìn chung, liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị rất thú vị. Đây là phương pháp có thể chữa trị một lần và hiệu quả điều trị kéo dài. Phương pháp này cũng có hiệu quả khác với các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện tại”.
 
GS Levine (giữa) với các nhà khoa học Việt Nam bên hành lang tọa đàm liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Ảnh: Quý Hiên
GS Levine (giữa) với các nhà khoa học Việt Nam bên hành lang tọa đàm liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Ảnh: Quý Hiên
GS Levine cho biết, hiện nay, kể cả ở Mỹ, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân chấp nhận sử dụng liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư. Những bệnh nhân khi chấp nhận sử dụng liệu pháp miễn dịch đều là những người bệnh đã không đạt được hiệu quả điều trị của các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác.
Một phần lý do là bệnh nhân ở những nơi ít thông tin hoặc là bác sĩ của họ cũng chưa muốn giới thiệu phương pháp này với bệnh nhân vì vấn đề chi phí và tác dụng phụ của phương pháp. Cũng chính vì thế mà ông rất vui mừng khi được tham gia tọa đàm liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư do VinFuture tổ chức. Bởi đó cũng là cơ hội để liệu pháp miễn dịch này được giới thiệu đến y giới và giúp bệnh nhân có nhiều thông tin hơn về phương pháp điều trị mới.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch đều đạt hiệu quả. Khi được đề nghị đánh giá về sự phát triển của liệu pháp miễn dịch tại Việt Nam, GS Levine nói: “Trong chuyến công tác với Bệnh viện Vinmec, tôi thấy Việt Nam cũng đang trên con đường xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ y tế và giáo dục thông tin cho người bệnh. Ở Việt Nam cũng đã có việc cấy tế bào gốc và liệu pháp miễn dịch cũng tương tự như vậy, cũng là liệu pháp miễn dịch. Việt Nam đã có hệ thống rồi, thì cơ hội phát triển sẽ tốt hơn”.
Cơ hội cho con người thay đổi số mệnh
Tại tọa đàm liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư do VinFuture tổ chức tại Hà Nội chiều qua, 20.12, GS Brucce Levine được mời giới thiệu về giải pháp tế bào T chữa bệnh ung thư mà ông đã nghiên cứu.
 
GS Brucce Levine giới thiệu về giải pháp tế bào T chữa bệnh ung thư. Ảnh: QH
GS Brucce Levine giới thiệu về giải pháp tế bào T chữa bệnh ung thư. Ảnh: QH
Theo GS Levine, tế bào CAR T sẽ chọc thủng lỗ tế bào ung thư và làm tế bào ung thư nổ tung. Để sản xuất được tế bào CAR T, ta lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, cô lập tế bào mong muốn, đưa virus bất hoạt, không gây hại cơ thể vào, rồi nuôi cấy ngoài cơ thể trong 9 - 10 ngày, sau đó thu hoạch và đưa vào bảo quản.
Ca bệnh điển hình được giới thiệu trong việc nghiên cứu tế bào T là bé Emily. Tháng 4.2010, bé Emily bị ung thư, được điều trị hóa trị với lượng hóa chất có thể giết chết người trưởng thành. Chỉ 1/3 trẻ em hóa trị có thể sống sót. Nhưng Emily đã may mắn sống sót, nhưng gan, thận tổn thương nặng. Chúng tôi tiếp nhận và đưa tế bào T cell vào. Trong 23 ngày, tế bào T đã diệt sạch hoàn toàn tế bào ung thư. Emily nay đã học cấp 3, và có 10 năm sống mà không có tế bào ung thư.
GS Levine chia sẻ thêm: “Năm 2023 ta sẽ thấy có sự cải tiến đáng kể của vài ba liệu pháp, đó là điều trị bằng T cell và liệu pháp sử dụng virus. Các nhà khoa học ở Đức đang tiến hành một số nghiên cứu mạnh về tế bào T, đặc biệt là một số trường hợp điều trị ung thư ở nữ giới.
Tất nhiên chúng ta có thách thức nhất định, ví dụ như phân tách giữa tế bào ung thư mục tiêu với tế bào thường, liều lượng sử dụng thuốc, hiệu lực thuốc theo thời gian. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là thời điểm thú vị, vài năm tới sẽ có thêm một số công trình được công bố”.
GS Molly Shoichet, ĐH Toronto, Canada, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nhận định với các giải pháp như tế bào T cho ta niềm hy vọng về cơ hội chữa được khỏi bệnh ung thư, bệnh nhân ung thư có thể dùng chính tế bào của mình để thay đổi số mệnh.
Tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư vẫn gia tăng không ngừng, nhưng công cuộc nghiên cứu chữa bệnh ung thư của các nhà khoa học vẫn đang có thêm nhiều hứa hẹn.
Theo Quý Hiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm