"Câu" nhà lầu từ cá bò gù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Nam Trung bộ có một làng câu cá bò gù (cá ngừ đại dương) được ngư dân đánh giá lớn nhất Đông Nam Á. Dân biển ví rằng, những thợ câu cá bò gù ở làng Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) ra biển là “câu” nhà lầu, biệt phủ và cuộc sống vương giả. Trở lại nơi đây trong những ngày cuối năm 2018, chúng tôi bị choáng ngợp bởi vẻ hào nhoáng, sung túc của làng.
 
Thợ câu thôn Thiện Chánh 2 bán cá bò gù câu được ở vùng biển Hoàng Sa
Trúng vận đỏ
Thợ câu cá bò gù có tiếng Nguyễn Thanh Xê (55 tuổi, thôn Thiện Chánh 2), kể rằng: “Thiện Chánh có truyền thống hàng trăm năm về nghề câu. Trước đây, chúng tôi chủ yếu câu giàn, kéo trục ròng rọc. Mỗi tàu ra biển với 1.000 lưỡi câu, chuyên săn cá nhám (còn gọi là cá mập cáo) - loài cá mà người ta mệnh danh là “chúa biển” hay “cọp biển”. Về sau, nhận thấy nghề này bấp bênh và nguy hiểm nên lớp trẻ không còn theo đuổi nữa”.
Nghề câu “cọp” lụi dần lại là cơ hội để thợ câu Thiện Chánh đổi cuộc đi săn, bén duyên với cá bò gù. Câu chuyện bắt đầu từ con tàu nhỏ của ngư dân Nguyễn Thanh Hồng (57 tuổi, sống ở cuối thôn Thiện Chánh 2 này). Ông Hồng nhớ lại, chuyến biển đó cách đây khoảng 20 năm, khi con tàu của ông đang vượt biển đi săn “cọp biển”. Đêm xuống, các thợ câu bắt đầu thả neo, hạ cần, nhập cuộc câu đêm. Cả ngàn lưỡi câu to như đầu đũa thả vào lòng biển. Mồi câu là những con mực xà, cá nhỏ, thịt… Đêm ấy, con tàu của lão ngư Nguyễn Thanh Hồng “đâm” trúng vận đỏ. Nó không chỉ thay đổi cuộc đời ông mà còn thay đổi cả làng của ông.
“Đêm đó, tàu tôi bắt trúng một đàn cá lớn. Ban đầu chẳng biết là cá gì. Chỉ thấy chúng nổi lên như một xóm cồn, khuấy động cả vùng biển. Những con cá hung sức, nặng hàng tạ, táp vào mặt biển đôm đốp. Ước tính phải hàng chục ngàn con cá ở dưới biển… Một số con cắn câu của chúng tôi. Nhưng, đó không phải cá nhám, mà là cá bò gù. Thời điểm ấy, ở các làng biển Phú Yên, người ta đã ăn loài cá bò gù này rồi. Nhưng đây lại là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hiếm như vậy. Sau chuyến ấy, tàu tôi trúng đậm nên kêu gọi làng xóm cùng đổi nghề, chuyển sang câu cá bò gù. Nghề câu bò gù ở Thiện Chánh 2 bắt đầu manh nha và phát triển rực rỡ đến hôm nay”, ông Hồng kể lại.
Nghề vua ở biển
Khi ngành thủy sản phát triển, phương tiện, trang thiết bị đánh bắt dần hiện đại. Nghề câu cá bò gù bước vào thời hoàng kim, trở thành nghề vua ở biển. Khoảng 10 năm trước, đếm hết làng biển Thiện Chánh, chỉ trên dưới 100 con tàu câu cá bò gù. Nhưng 5 năm sau đó, con số ấy đã đội lên 1.000 tàu, trở thành ngôi làng câu cá bò gù lớn nhất Đông Nam Á. Lão ngư Nguyễn Thanh Xê dẫn chứng: “Trước đây, chúng tôi đi biển cũng hay gặp các ngư dân của Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Brunei… mới biết nước bạn không biết câu cá bò gù như mình. Ngư dân ở nước họ đánh bắt rất hạn chế. Nói trắng ra là họ không giỏi bằng mình được. Có người nói, Thiện Chánh 2 là ngôi làng câu cá bò gù lớn nhất Đông Nam Á không phải là không có cơ sở”.
Tàu câu cá bò gù được trang bị khá đơn giản. Trong đó, cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa. Thường thì tàu câu cá bò gù ra biển với 8 - 14 ngư dân, mỗi chuyến từ 20 - 24 ngày. Những ngày đầu, họ rong ruổi đi tìm đàn cá. Những thợ câu tiền bối ở Thiện Chánh có thể “ngửi” được mùi của đàn cá bò gù đang đi ăn dưới biển. Nhiều chủ tàu còn sử dụng nguồn tin từ những con tàu đánh lưới. Những tàu này phát hiện ra đàn cá bò gù sẽ gọi cho các thợ câu Thiện Chánh 2 đến, rồi cả hai làm giá ngay tại biển. Sau đó, các thợ câu cá bò gù bắt đầu dàn trận, nhập cuộc săn đêm. Thường thì, thợ câu Thiện Chánh 2 đi săn quanh năm, chia ra làm 2 đợt: Từ tháng 4 đến tháng 8, câu ở vùng biển Trường Sa; tháng 8 đến tháng 4 năm sau (vụ chính), câu ở vùng biển Hoàng Sa.
Ông Xê nói tiếp: “Giá cá bò gù thời điểm này đang ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Về bến là có mấy thương lái tranh nhau mua ngay tại cảng. Mỗi con cá bò gù nặng từ 30 - 50kg. Có nhiều chủ tàu Thiện Chánh 2 câu được cá bò gù khủng, nặng đến 3,5 tạ. Cách đây vài trăng biển, có chủ tàu ở Thiện Chánh 2 câu được mẻ cá bán gần 1 tỷ đồng”.
 
Ngư dân trẻ với niềm vui câu được cá bò gù
Câu cá xây biệt phủ
Bây giờ, rảo quanh làng biển Thiện Chánh 2, khắp nơi là nhà lầu, biệt phủ hàng chục tỷ đồng mọc san sát nhau. Hỏi thì người dân cho biết đều là nhà, biệt phủ của thợ câu cá bò gù. Có những thợ câu bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc làm chủ cả đội tàu câu cá bò gù từ 8 - 10 chiếc, với hàng trăm lao động. Ngư dân Nguyễn Thanh Xê nói: “Nhờ việc ra biển câu cá bò gù mà mấy năm nay thợ câu Thiện Chánh 2 trở nên giàu có, xây dựng nhà lầu, biệt thự nhiều hơn”.
Lớp ngư phủ như các ông Xê, ông Hồng đã bắt đầu nghỉ biển từ 2 năm nay. Bây giờ họ là chủ quản lý của nhiều con tàu. Một số thì chuyển nhượng lại cho con, một số thì thuê người hành nghề. Ngoài là thợ câu cá bò gù, ông Hồng kiêm luôn chức Trưởng thôn Thiện Chánh 2 này. Theo ông Hồng, làng biển Thiện Chánh bây giờ đã tách ra làm 3 thôn. Trong đó, nghề câu cá bò gù phát triển mạnh nhất ở thôn Thiện Chánh 2 với 700 hộ. Những thợ câu bò gù giàu có nhất phải kể đến các ông Trần Văn Sơn (42 tuổi); Huỳnh Nầy (62 tuổi); Lê Sô (47 tuổi)… với tài sản lên đến hàng chục, thậm chí gần trăm tỷ đồng.
“Nghề câu cá bò gù không những làm thay đổi đời sống của người dân mà còn tạo điều kiện kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển; tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Bây giờ, khắp làng biển Thiện Chánh có rất nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản, xưởng tàu; nghề cơ khí, mộc, hàng quán, dịch vụ, chợ búa… đua nhau phát triển”, ông Hồng nói.
Song cũng như bao làng biển khác, Thiện Chánh đang đứng trước mối lo “quá tải”. Bởi lượng tàu đóng ngày một nhiều, lên đến hàng ngàn chiếc. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên đến mức báo động, nảy sinh nhiều hệ lụy. Ông Hồng lo lắng: “Chưa nói đến các hệ lụy trong bờ, ngoài biển cũng đang xảy ra tranh chấp nảy lửa. Nhiều tàu cá khác tỉnh hễ cứ gặp nhau là gây hấn, tranh giành vùng biển. Nghề khai thác thủy hải sản phát triển quá nóng, con cá sinh sôi không kịp. Biển không có “ngày nghỉ”, dần dần nguồn lợi sẽ suy kiệt. Nghề vua này cũng sẽ lụi tàn nếu không có hướng khai thác bền vững…”.
Ngọc Oai (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.