Cao hơn cả núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sống trong vùng rừng núi âm u với những gian nan khó tưởng, nhưng những người lính biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc đã kiên cường gìn giữ biên cương và phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần cao hơn cả núi.
Các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái tuần tra trong băng giá. ẢNH: HÀ LINH
Các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái tuần tra trong băng giá. ẢNH: HÀ LINH
Chúng tôi đến địa đầu Tổ quốc, thăm Đồn biên phòng (BP) Xín Cái, H.Mèo Vạc, nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, vào những ngày cuối tháng 3. Vượt qua những cung đường gian nan, hiểm trở, cảm giác lạ lùng đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến là thời tiết ở đây rất khác thường. Vào thời điểm này, nhiều khu vực trên cả nước đã bước vào mùa nắng nóng, nhưng nơi đây vẫn rét tái tê với không khí âm u, mù mịt và ẩm ướt.
Trời không mưa nhưng nền nhà ướt sũng nước như ngoài sân, bởi sương mù. Vách tường, cây cối, đồ vật đều bốc mùi rêu mốc. Quần áo mặc trên người bỗng dưng cũng ẩm ướt, gây cảm giác cực kỳ khó chịu. Chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến một trạng thái thời tiết như vậy mà các ngày cao điểm nồm ẩm của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cũng không kinh khủng đến thế. Càng ngạc nhiên hơn khi một chiến sĩ nói: “Ở đây quanh năm thời tiết như thế này. Quần áo chúng tôi phơi cả mấy tháng không khô”...
Xuyên đêm băng rừng, vượt núi
Đồn BP Xín Cái quản lý đoạn biên giới dài gần 24 km, thuộc 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng, H.Mèo Vạc. Nơi đây có rất nhiều đường mòn, lối mở nên người dân thường xuyên xuất nhập cảnh trái phép.
Tôi và 1 nhân viên y tế, 2 chiến sĩ công an xác định cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, nếu có người nhiễm dịch thì chúng tôi kiểu gì cũng dính. Nhưng chúng tôi động viên nhau: Anh em mình dính dịch chứ không để bên ngoài bị dính!
Thượng úy Lê Huy Đức, cán bộ quân y Đồn biên phòng Xín Cái 
Thiếu tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn BP Xín Cái, cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đồn đã thành lập 6 tổ chốt chặn, 3 tổ tuần tra dọc đường biên giới. Hơn 1 năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tại đây đã phát hiện, ngăn chặn khoảng 8.000 người nhập cảnh trái phép và đưa vào khu cách ly tập trung. Đây cũng là một trong những đồn BP phát hiện số người nhập cảnh trái phép nhiều nhất cả nước.
Để phát hiện người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam, các chiến sĩ BP phải căng mình tuần tra kiểm soát, thậm chí cả truy đuổi đối tượng trên những cung đường hiểm trở. Thiếu tá Đặng Hải Như, Phó đồn trưởng Đồn BP Xín Cái, chia sẻ: “Chúng tôi phải làm việc xuyên đêm vì người dân về rải rác, không có giờ nào cố định. Công việc kiểm soát đường biên càng nguy hiểm khi có những đối tượng cố tình trốn tránh. Có lần tôi trực chỉ huy, anh em phát hiện đoàn 13 người về Việt Nam, trong đó chỉ đưa được 5 người vào khu cách ly, còn 8 người trốn thoát. Chúng tôi phải dùng biện pháp nghiệp vụ truy đuổi, cả đêm băng rừng, vượt núi, để sớm ngăn chặn nguy cơ họ có thể mang dịch vào sâu trong nước”.
Để phòng dịch, có tới 5 chiến sĩ của đơn vị đã phải hoãn việc lập gia đình, bám biên suốt hơn 1 năm qua. Đặc biệt, thiếu tá Như cho biết đây là khu vực trước đó còn là điểm nóng về tình trạng bắt cóc và buôn bán người. Vì thế, lực lượng BP đã bám biên, vào bản nắm bắt tình hình triệt phá các đường dây và giải cứu được rất nhiều phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc hoặc lừa bán sang bên kia biên giới.
 
Ngoài việc gìn giữ biên cương, các chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái còn thường xuyên giúp dân tăng gia sản xuất
Ngoài việc gìn giữ biên cương, các chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái còn thường xuyên giúp dân tăng gia sản xuất
Tuần tra trong băng giá
Chúng tôi đến thăm một chốt kiểm soát dịch Covid-19 đóng ở thôn Sí Pìn Chư của xã Thượng Phùng, nơi đã phát hiện, thu dung hơn 4.000 người trong đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Thiếu tá Diệp Khánh Nam, Chốt trưởng chốt kiểm soát, cho biết để thực hiện nhiệm vụ, anh em trong tổ đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là về thời tiết. “Ở đây hầu như phần lớn là mùa đông với 7 - 8 tháng thời tiết khắc nghiệt. Băng giá năm nào cũng xuất hiện, có năm xuống đến -4 độ C. Khi sang hạ thì lại mưa sầm sập, có khi sạt cả nửa quả núi xuống. Dịp tháng 1 vừa qua, băng tuyết phủ trắng sườn đồi, nhưng chúng tôi vẫn luân phiên tuần tra trong băng giá. Trời lạnh buốt, quần áo thì phơi cả tháng không khô. Chúng tôi cũng đã được tặng tủ sấy nhưng khu vực này lại chưa có điện...”, thiếu tá Nam chia sẻ.
Dù không khí ẩm ướt nhưng ở đây lại thiếu nước sinh hoạt do địa hình núi đá, không đào được giếng. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác, hằng ngày các chiến sĩ thay phiên nhau đến các khe suối, xách từng can nước về để sinh hoạt. Không chỉ thiếu nước, có thời điểm họ còn thiếu cả đồ ăn, thức uống. “Đồ ăn thì chúng tôi phải ra tận huyện cách xa mấy chục cây số để mua về, dự trữ nhờ ở tủ lạnh nhà dân, vì rau có thể tự trồng, nhưng thịt cá thì không có”, thiếu tá Nam tâm sự.
Thiếu tá Nam nhớ lại: “Có lần tôi cùng đồng đội đi tuần tra cả ngày trong rừng sâu. Một chiến sĩ khát quá, cúi xuống một vũng nước ven đường uống và bị con tặc (giống con đỉa ở xuôi) chui vào đường hô hấp. Sau đó, cứ thấy mũi đổ máu, đi khám ở y tế huyện cũng không phát hiện được bệnh gì, vì con tặc bé lắm, chỉ bằng đầu tăm. Mãi rồi một cán bộ quân y lấy đèn pin soi vào thì thấy nó nằm trong mũi và đã lớn bằng đầu đũa”.
Đó là chưa kể ở đây có trên 98% người dân tộc Mông nên vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, như người chết vẫn bị treo trong nhà hay phơi nắng ở ngã ba đường... Các anh phải đi vận động bà con vô cùng gian nan. Nhưng vượt qua tất cả, thiếu tá Nam và đồng đội đã gắn bó bền chặt với mảnh đất này. “Tôi đã quen rồi, chỉ mong góp sức mình để đẩy lùi dịch bệnh và giúp bà con ngày một tiến bộ hơn”, thiếu tá Nam bộc bạch.
 
Người nhập cảnh trái phép được phát hiện, đưa vào khu cách ly tập trung
Người nhập cảnh trái phép được phát hiện, đưa vào khu cách ly tập trung
Kiên cường thực thi nhiệm vụ
Phục vụ khu cách ly những người nhập cảnh trái phép cũng là một nỗ lực phi thường của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Chúng tôi gặp thượng úy Lê Huy Đức, một cán bộ quân y của Đồn BP Xín Cái, là người tham gia phục vụ tới gần 5.000 trong khoảng 8.000 người dân nhập cảnh trái phép từ đầu năm 2020 đến nay. “Khu cách ly có rất nhiều áp lực, bởi có những đêm chúng tôi tiếp nhận hàng trăm công dân. Họ thường trốn về vào ban đêm nên cả đêm chúng tôi không ngủ. Thời gian cao điểm, có khi suốt mấy tháng trời không ngủ”, anh Đức kể và cho biết thêm: “Nhiều người nhận thức không đầy đủ nên họ rất sợ cách ly. Có nhiều trường hợp quấy rối, không tuân thủ các quy định đặt ra”.
Khu cách ly có lúc lên tới mấy trăm người nên thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là phương tiện chống dịch, có thời điểm không đủ khẩu trang, nước sát khuẩn... Vì vậy, nguy cơ bị lây nhiễm nếu có ca mắc Covid-19 là rất cao. Thế nhưng anh Đức và đồng đội vẫn kiên cường làm nhiệm vụ. “Tôi và 1 nhân viên y tế, 2 chiến sĩ công an xác định cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, nếu có người nhiễm dịch thì chúng tôi kiểu gì cũng dính. Nhưng chúng tôi động viên nhau: Anh em mình dính dịch chứ không để bên ngoài bị dính!”, anh kể.
Nghe tâm sự của các cán bộ, chiến sĩ BP nơi địa đầu Tổ quốc, tôi chợt liên tưởng đến những người lính kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa với tinh thần “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. Nay đã là thời bình, nhưng ở nơi này, để giữ bình yên cho đất nước, lòng quyết tâm của các anh cũng cao hơn cả núi.
Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.