Cánh tay của Yàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rau dớn là loài cây hoang dại mọc ở những nơi có độ ẩm ướt cao như bờ suối, bờ khe, dưới tán rừng thấp. Rau dớn thuộc họ quyết, nhỏ hơn cây dương xỉ, cành dài, lá nhỏ xòa ra xung quanh; là nguồn sống gắn với kinh tế khai thác tự nhiên, là biểu tượng văn hóa của nhiều tộc người ở vùng đất Tây Nguyên. Đồng bào Jrai gọi ngọn rau dớn là Duk k’tonh, mang biểu tượng cánh tay của Yàng.
Rau dớn mọc ven khe suối xen lẫn với các loại cây cỏ khác. Có nơi, rau dớn mọc thành vạt, thành đám dưới những tán cây rừng râm mát. Đồng bào miền núi khi đi rẫy đi nương thường tranh thủ hái rau dớn và một số loại rau củ quả rừng khác cho vào gùi mang về để chế biến món ăn cho gia đình. Khi hái, người ta không chỉ chọn những cành lá hình vòi voi mà còn hái thêm cành non đã mọc lá để chế biến thành các món ăn thích hợp.
Biểu tượng rau dớn ở bộ giá đỡ treo quả bầu trên cây nêu của dân tộc Jrai. Ảnh: Tấn Vịnh
Biểu tượng rau dớn ở bộ giá đỡ treo quả bầu trên cây nêu của dân tộc Jrai. Ảnh: Tấn Vịnh
Rau dớn là món ăn phổ biến trong bữa cơm của người miền núi. Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, nộm. Trong đó, món xào là phổ biến và ngon nhất. Người ta hái rau dớn về tuyển chọn phần tươi non, rửa sạch bùn đất, bụi bám, sau đó trụng sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Dầu thực vật như dầu phộng là loại thích hợp nhất để xào rau dớn. Người ta giã giập củ tỏi cho vào chảo dầu, khi mùi thơm bốc lên thì cho số rau dớn này vào đảo đều vài phút và bắc xuống nêm đường, bột ngọt, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phộng rang giã nhỏ là có món ăn giàu chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon với màu xanh mướt, vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, vị chua chát... Rau dớn luộc vừa chín chấm với nước cá, nước thịt cũng là món khoái khẩu. Theo các thầy thuốc, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng và giúp dễ ngủ, ngủ sâu, giúp cơ thể khỏe mạnh. Rau dớn là món ăn lành, cùng với các loại rau củ quả khác có thể giúp đồng bào miền núi trước đây chống chọi với cơn đói trong mùa giáp hạt hay mùa màng thất bát. Đối với nhiều tộc người, rau dớn là “vua” của các loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách trong các lễ hội. Mỗi lần tổ chức lễ hội của gia đình hay cộng đồng, người ta tranh thủ vào rừng hái rau dớn để chế biến thức ăn. Người ta hái đến đâu ăn đến đó, đảm bảo rau luôn tươi xanh, chất lượng. Đồng bào dân tộc thiểu số còn lấy rau dớn trụng qua nước muối làm nhân bánh tét để bánh có màu xanh non điểm xuyết trong lát bánh nấu bằng nếp hương trắng ngần, trông rất đẹp mắt.
Biểu tượng rau dớn trên nóc nhà rông dân tộc Jrai. Ảnh: Tấn Vịnh
Biểu tượng rau dớn trên nóc nhà rông dân tộc Jrai. Ảnh: Tấn Vịnh
Vì gắn bó với cuộc sống mưu sinh của đồng bào dân tộc thiểu số nên rau dớn là đối tượng được miêu tả, khắc họa trong kiến trúc và nghệ thuật tạo hình. Biểu tượng rau dớn được thể hiện trên cây nêu, nơi cầu thang, hai bên cửa ra vào nhà ở, cột chính ở phòng khách nhà dài Ê Đê, trên mái nhà mồ. Đặc biệt, biểu tượng cây rau dớn được bố trí trên nóc nhà mồ, nhà rông dân tộc Bahnar, Jrai. Mô típ này luôn chiếm vị trí đối xứng hai bên nóc nhà rông, người Jrai gọi là cheng chep rông. Mỗi khi uống rượu cần trong lễ hội, đồng bào Jrai thường lấy cây đặt ngang lên miệng ché để đo định mức, lượng rượu trong ché, gọi là Kang pei. Nó là cây gỗ nhỏ, hơi cong, hai đầu uốn lại biểu đạt ý nghĩa là ngọn rau dớn. Trong kiến trúc nhà mồ Cơ Tu, nét độc đáo nhất thể hiện ở những cây kèo, vừa có công năng tạo khung sườn kết cấu nhà mồ, vừa là nơi thể hiện các tác phẩm điêu khắc gỗ chủ lực. Nếu cặp kèo trước tạc hình hai đầu trâu thì cặp kèo sau tạo hình hai cây rau dớn uốn hình vòi voi. Trong kiến trúc nhà dài Ê Đê, cây rau dớn được khắc chung với đề tài khác thành bức phù điêu nơi cầu thang, cột nhà, xà nhà. Hoa văn rau dớn cũng rất dễ dàng tìm thấy trên trang phục khố, áo, váy, tấm đắp của dân tộc Jrai, Ê Đê, gọi là vei k’tonh. Rau dớn là biểu tượng cho sự đầy đủ, ấm no, may mắn-những mơ ước mà đồng bào luôn hướng tới. Đồng bào Bắc Tây Nguyên xem nhà rông là “trái tim” của buôn làng và ngọn rau dớn “Duk k’tonh” mập mạp vươn cao, đầy sức sống chính là cánh tay của Yàng kết nối giữa con người với thần linh, chở che, mang lại cuộc sống ấm no, may mắn, bình an.
Trước đây, rau dớn chỉ dành cho người nghèo. Hiện nay, nó trở thành món đặc sản của các nhà hàng phục vụ khách du lịch, khách VIP. Người Kinh sinh sống ở các vùng trung du, bán sơn địa cũng bắt đầu quan tâm đến loại rau này. Nó là nguồn rau giúp đồng bào miền núi có nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Những biểu hiện của nền kinh tế hái lượm, tàn dư của chế độ nguyên thủy vẫn còn phản ánh đậm nét trong văn hóa nghệ thuật các dân tộc, trong đó cây rau dớn là chi tiết, biểu tượng sinh động, góp phần làm phong phú những giá trị văn hóa truyền thống các tộc người ở Trường Sơn-Tây Nguyên.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.