Đó là tình trạng đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn bất cập, sai phạm; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển...
Huyện Chư Prông tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phượng Hồng |
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có lúc, có nơi chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm...
Chỉ rõ những bất cập, hạn chế để thấy rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là cần thiết nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả và bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó, một số nội dung được giữ nguyên, một số được sửa đổi, bổ sung và bổ sung mới nhằm giải quyết các vấn đề bất cập, hạn chế đặt ra từ thực tiễn để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và đảm bảo lợi ích chung của toàn dân.
Luật gia Nguyễn Quang Quý (Chi hội Luật gia Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh) khẳng định: Sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết. So với Luật Đất đai hiện hành thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, bao quát nhiều vấn đề về chính sách đất đai. Cụ thể, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xác định giá đất theo cơ chế thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai; hoàn thiện các quy định có liên quan đến thị trường bất động sản...
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định khung giá đất được nhiều người dân tán thành và phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản”-ông Quý cho hay.
Cũng theo Luật gia Nguyễn Quang Quý, việc sửa đổi Luật Đất đai là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân chứ không vì cá nhân hay nhóm lợi ích như các phần tử cơ hội chính trị, thế lực phản động đang rêu rao. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điều, khoản quan tâm đến nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số như “có chính sách giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh”.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về vấn đề đất đai là: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được triển khai dưới nhiều hình thức như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua văn bản, qua cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng... Nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến đối với toàn bộ dự thảo Luật, từ bố cục, nội dung cho đến kỹ thuật trình bày.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải thông tin: Mặt trận các cấp trong tỉnh đã nhận được 700 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, những điều khoản áp dụng của dự thảo Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng cho tặng đất đai, giá đất, tranh chấp đất đai, cơ chế thực hiện dự án, đấu thầu, đấu giá, phát triển quỹ đất, phân cấp trong thẩm định giá… nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành. Để tránh tình trạng phân lô, bán nền, đề nghị bổ sung quy định cụ thể diện tích đất bao nhiêu thì được tách thửa. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; sửa đổi, bổ sung thời điểm xác định giá đất phù hợp với từng khu vực, từng thời điểm...
Đại biểu xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) tham gia ý kiến đóng góp tại hội nghị lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phượng Hồng |
Thông qua các hội nghị chuyên đề, sinh hoạt chi hội, tổ hội, hàng ngàn hội viên, nông dân trong tỉnh đã tham gia góp ý vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất nông nghiệp; thu hồi đất, trưng dụng đất...
Ông Đinh Sơnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tơ Ver (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) góp ý về việc nâng hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp lên 5 ha để tạo điều kiện cho người dân sản xuất ổn định, phát huy hiệu quả thay vì giới hạn không quá 2 ha như điểm b khoản 1 Điều 170 dự thảo Luật.
Tương tự, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng đã triển khai cho cán bộ, hội viên góp ý sâu một số quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.
Gần 52 ngàn lượt ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau hơn 2 tháng triển khai, trong đó có 447 ý kiến góp ý, còn lại cơ bản thống nhất với dự thảo cho thấy tâm huyết, trách nhiệm và sự đồng thuận của Nhân dân đối với dự thảo luật quan trọng này. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới cũng như mong mỏi của Nhân dân trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua.