Cần trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chị bạn than rằng: Mỗi ngày, chị phải mất quá nhiều thời gian cho việc đưa đón con đi học. Có ngày, chị đi 16 lượt chỉ để đưa 2 con (lớp 7, lớp 10) đến trường, đến lớp học thêm và tham gia hoạt động ngoại khóa. Chị đang nghĩ đến việc mua cho đứa con học lớp 10 chiếc xe máy điện hoặc xe tay ga dưới 50 phân khối.

Trong khi chuyện trò, chị cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về việc đề nghị Chính phủ ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50 phân khối.

Chị bạn tôi cho rằng, mua xe và giao xe cho con là giải pháp hữu hiệu đối với nhiều gia đình khi không thể sắp xếp được thời gian đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy. Ở tuổi vị thành niên, các con chưa được học và cấp chứng nhận giấy phép lái xe, chưa nhận thức đầy đủ hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra. Vậy nên, vẫn còn tình trạng học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định về đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu... Việc tổ chức các lớp đào tạo, sát hạch ngắn hạn, cấp chứng chỉ đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đối với độ tuổi từ 16 đến 18 là cần thiết.

Để tăng tính thuyết phục, chị cũng nêu thêm một số lý do về sự cần thiết phải trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho độ tuổi học sinh, nhất là trong bối cảnh lưu lượng xe cộ đông đúc, đường phố ngày càng chật hẹp, thậm chí nhiều giao lộ đã có tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm. Địa hình TP. Pleiku có nhiều dốc, quy hoạch, thiết kế giao thông nhiều hạn chế nên tồn tại không ít bất cập. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chỉ biết luật, hiểu luật mà đòi hỏi phải có kỹ năng xử lý tình huống để đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc cho người khác.

Thực tế, nhiều phụ huynh trước khi giao xe cho con cũng đã dành thời gian để hướng dẫn, thậm chí theo sát con trong chặng đường từ nhà đến trường. Các trường học cũng linh hoạt với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông. Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông và tai nạn do học sinh gây ra, nên có những khóa hướng dẫn, sát hạch cần thiết dành cho các em. Các em cần được trang bị lý thuyết một cách có hệ thống, hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ cũng như phương pháp, kỹ năng lái xe an toàn, cách xử lý các tình huống phát sinh.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.