Cạn kiệt mai rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính vì giá trị hấp dẫn mang lại khiến cho sắc vàng của những cánh mai rừng lần lượt không còn khoe sắc trong tự nhiên. Nhiều loại mai rừng quý hiếm giờ đã không còn.
Mai từ rừng về nhà
Không phải ngẫu nhiên mà giới chơi mai đặt cho anh Trần Thanh Hà (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) biệt danh Hà “mai rừng”. Bởi ở khu vực này, không ai khác ngoài anh có được bộ sưu tập mai rừng “khủng” như thế. Anh chỉ có chừng 70 cây nhưng toàn là những cây có giá trị khiến ai cũng phải trầm trồ thán phục. Hơn nữa, anh Hà còn kỳ công săn tìm những cây thế độc, dáng đẹp, thân uốn lượn tự nhiên, gốc sần sùi gắn với tuổi thọ hàng chục năm. Ngoài cây đẹp, thế cong, nhiều tược, loại mai dây 5 cánh sít, hoa nở thành từng chùm dài mà anh đang sở hữu không phải dễ tìm.
Một số cây mai rừng trong vườn được anh Trần Thanh Hà (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) mua lại của người dân đào từ rẫy điều, rẫy cà phê. Ảnh: Minh Nguyễn
Một số cây mai rừng trong vườn được anh Trần Thanh Hà (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) mua lại của người dân đào từ rẫy điều, rẫy cà phê. Ảnh: Minh Nguyễn
Trước khi trở thành thợ săn mai rừng có tiếng, anh Hà cũng chỉ là người chơi mai bình thường, muốn tự mình vào rừng săn tìm những cây ưng ý. Nhưng rồi, chính vẻ đẹp độc đáo của mai rừng đã khiến anh mê mẩn và dấn thân tìm kiếm. Để tránh bỏ sót những cây mai rừng quý hiếm, hoa đẹp, dáng độc, anh đã xây dựng mạng lưới “chân rết” tìm kiếm khắp nơi. Hễ nghe nơi nào có mai rừng là anh tìm đến, thấy cây nào ưng bụng thì dứt khoát tìm mọi cách mua bằng được.
Đưa tay chỉ khắp vườn, anh Hà kể vanh vách tiểu sử từng cây, mua của ai, đào ở khu vực rừng nào. Theo anh tiết lộ, hơn phân nửa số cây này có giá từ 30 triệu đồng trở lên, trong đó có nhiều cây mai rừng có giá “khủng”, có người trả từ 70 đến 85 triệu đồng nhưng chưa được ông chủ vườn gật đầu.
Người thợ săn mai rừng chỉ vào cây mai rừng có tán cành sum suê, cao khoảng 5 m, gốc cây to sần sùi, có đường kính khoảng 25 cm, rồi nói: “Cây này tôi mua lại của một người ở làng Đê (xã Ia Me, huyện Chư Prông) với giá 40 triệu đồng và đã có người trả 85 triệu đồng. Hay cây mai có gốc nổi dài như thế này tôi mua tận rừng và quyết định chốt giá 3,5 triệu đồng. Vào chậu được vài ngày đã có người đến trả 35 triệu đồng”.
Chỉ một cây mai khác có phần gốc nổi u sần sùi, anh Hà cho biết: Đây là cây mai thế trực, cành dày và thấp đều từ gốc đến ngọn, được anh mua lại của một người dân đào từ rừng ở huyện Đức Cơ với giá 12 triệu đồng. Đã có người khách ở thị xã Ayun Pa ngã giá 70 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý.
Vườn của anh Nguyễn Huy (xã Ia Me, huyện Chư Prông) hiện có trên 100 cây mai rừng tự nhiên, có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Khu vườn của anh Nguyễn Huy (xã Ia Me, huyện Chư Prông) hiện có trên 100 cây mai rừng tự nhiên, giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi gốc. Ảnh: Minh Nguyễn
Ngược lại với thâm niên chơi mai của anh Hà, chỉ mới tham gia vào giới chơi mai rừng gần 3 năm nay nhưng gia tài của anh Nguyễn Huy (làng Nớt, xã Ia Me) cũng khá đồ sộ với hơn 100 cây mai rừng tự nhiên. Nhiều cây trong số này thuộc loại cổ thụ, đường kính khoảng 20 cm, cây thì vỏ dày sần sùi, cây thì có thân tạo bọng lũa, là loại mà những người sành chơi mai rừng hay tìm mua.
Chỉ vào cặp mai rừng khủng, anh Huy cho biết đã có người trả 60 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Ý định của anh Huy là chờ cho cây khỏe mạnh sẽ cắt tỉa tạo dáng, khi cây trở thành sản phẩm độc đáo, đảm bảo tỷ lệ sống cao thì anh mới bán, lúc đó sẽ có giá trị cao hơn.
Để có vườn mai rừng bề thế như vậy, 3 anh em Huy tự mình vào rừng tìm, đào bứng gốc, dùng xe máy độ chế vận chuyển từng cây về theo kiểu “làm tận gốc, bán tận ngọn”, lấy công làm lãi. Đối với những cây mai có đế gốc to không vận chuyển được bằng xe máy thì thuê công nông chở về. Việc đào mai rừng từ chỗ “thấy hay hay” bỗng trở thành đam mê của người đàn ông gần 40 tuổi này. Bản thân anh Huy còn mày mò cách chăm sóc, khăn gói xuống Bình Định học hỏi các nghệ nhân trồng mai. Giờ đây, chẳng có cây nào làm khó được anh, cây từ rừng đưa về, qua tay anh xử lý sẽ có tỷ lệ sống trên 90%.
Xa dần những cánh mai rừng
Theo anh Hà, cách đây hơn 10 năm, khi chuyển từ Đak Lak sang Gia Lai sinh sống, anh đã rong ruổi khắp khu vực rừng ở xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông) hay lội tận huyện Krông Nô (tỉnh Đak Nông) và rừng Kon Tum để đào “mót” từng cây mai rừng còn sót lại. Bởi đây là những cây mai rừng mọc chen trong đám cây rừng cổ thụ hoặc các hốc đá hay ở nơi núi cao, vách đá cheo leo rất khó đào, nhiều thợ săn mai không chấp nhận đánh đổi công sức, thời gian nên bỏ lại. Thế nhưng, với anh Hà, những cây như thế thường có giá trị kinh tế cao. Dù phải mất cả ngày, thậm chí 2-3 ngày mới đào xong nhưng anh không nề hà.
Câu chuyện đào mai đang đến độ cao trào, anh Hà bỗng trầm ngâm. Giờ đây, để tìm được cây mai rừng tự nhiên khó như tìm vàng. Người thợ săn mai cho biết: Ngày trước, khu vực từ ngã ba Hùng Hà đến Phú Mỹ được nhiều người biết đến là đồi mai rừng.
“Giờ rừng tự nhiên làm gì còn mai rừng chính gốc nữa. Ban đầu ở đây chỉ có khoảng 5-6 người chơi mai rừng, giờ đã hơn 200 người, trong khi nguồn mai rừng thì đã cạn. Không những vậy, ngay cả những người làm thuê đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí có người ở “thủ phủ” về mai (Bình Định) cũng cố tìm cho mình một gốc mai rừng đưa về quê chơi Tết. Chính vì ưu điểm là hoa thơm 5 cánh, có loại mai dây hoa nở từng chùm rất đẹp; cây khỏe, phát triển tốt, tuổi thọ cao nên thu hút nhiều người săn lùng”-anh Hà chia sẻ.
Anh Trần Thanh Hà bên cạnh cây mại rừng khủng mà anh cho rằng có giá hơn 85 triệu đồng
Anh Trần Thanh Hà bên cạnh cây mai rừng "khủng" mà anh cho rằng có giá hơn 85 triệu đồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Còn đối với thợ săn mai rừng mới nổi như anh Huy, địa bàn hoạt động của anh là những cánh rừng ở nước bạn Campuchia. Bởi cách đây 3 năm, thời điểm anh chập chững vào nghề thì những cánh rừng trải dài từ huyện Chư Prông đến Đức Cơ có đốt đuốc tìm cũng không thấy bóng dáng cây mai rừng nào. Có cây chỉ mới lớn bằng cổ tay đã bị đào bứng đem ra phố bán.
Mặc dù quãng đường từ nhà đến khu vực săn mai mất hơn 250 km cả đi lẫn về nhưng không làm anh em Huy nản chí. Mỗi chuyến đi rừng của họ thường kéo dài từ 3 ngày trở lên, có khi hơn tuần. Nhưng thành quả đổi lại được sau mỗi chuyến đi là những gốc mai rừng to tướng, giá trị cao hơn cả tháng làm nương rẫy. Có khi “trúng mánh”, săn được cây có thế độc, dáng đẹp thì giá rất vô chừng. Chính vì vậy, hơn trăm gốc mai lần lượt được anh em Huy mang từ rừng về vườn, rồi kỳ công cắt tỉa, vào chậu, tạo dáng để tìm được khách hàng ưng ý.
Anh Huy cho biết, mặc dù hoạt động lén lút, vì nếu phát hiện sẽ bị lực lượng chức năng đuổi về, nhưng việc đào mai rừng nặng lắm thì bị tịch thu cây hoặc phạt hành chính nên không làm chùn bước các thợ săn. Chưa kể vào rừng những lúc mưa gió, lo sợ cành cây gãy đổ, nước suối dâng, lũ quét, đường đi lầy lội, dốc cao hay những cây ưng ý chưa kịp đào đã bị người khác hớt tay trên…
Thế nhưng, chính vì giá trị hấp dẫn mang lại khiến cho sắc vàng của những cánh mai rừng lần lượt không còn khoe sắc trong tự nhiên; nhiều loại mai rừng quý hiếm giờ đã không còn. Đáng lo ngại hơn, nếu những chuyến săn mai rừng vẫn còn tiếp diễn, tương lai không xa sẽ vắng bóng mai rừng mỗi độ xuân về…
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.