"Căn cứ niềm tin" dưới chân núi Phượng Hoàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) là xã đầu tiên trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới. Ít ai có thể hình dung, giữa bùng nhùng dây thép gai của ấp chiến lược và sự kìm kẹp hà khắc của Mỹ-ngụy, đây lại là vùng căn cứ vững chắc của cách mạng và là một trong những địa phương được giải phóng từ rất sớm (1972). Bước ra từ đống tro tàn của chiến tranh, xã Ia Dom bắt tay vào công cuộc giảm nghèo bằng việc xây dựng một “căn cứ niềm tin” vững chắc trong lòng dân.
Cuộc gặp gỡ sau gần thế kỷ
Xin được kể câu chuyện về một cán bộ Biên phòng trước đây từng là “thầy giáo quân hàm xanh” và người phụ nữ tuổi trung niên là cựu học viên trong lớp xóa mù chữ do đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tổ chức để thấy được sự tương phản giữa 2 “bức tranh” Ia Dom xưa và nay.
 Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp người dân xã Ia Dom làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thái Kim Nga
Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp người dân xã Ia Dom làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thái Kim Nga
Ngày ấy, Trung tá Vũ Văn Hoằng (hiện là cán bộ tăng cường, đại biểu HĐND xã Ia Dom) còn trẻ lắm. Mới 25 tuổi, anh được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh lựa chọn đưa xuống địa bàn tổ chức lớp xóa mù chữ cho bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng cần nói thêm, từ năm 1990 trở về trước, các làng Mook Đen (lúc bấy giờ chưa tách làng), Mook Trê, Mook Trang của xã Ia Dom đều nằm trong “vùng trắng mênh mông” về giáo dục trên tuyến biên giới của tỉnh. Cơ sở hạ tầng và nhân lực phục vụ công tác giáo dục hầu như chưa có, người lớn trong làng “rủ nhau”... mù chữ, trong khi trẻ em phải đi xa mới đến được trường lớp nên nguy cơ thất học luôn cận kề. Để mở được một lớp xóa mù chữ, anh Vũ Văn Hoằng và các đồng đội phải rà soát từng đối tượng, sau đó trực tiếp gặp gỡ động viên họ tham gia lớp học. Lớp ít học viên thì không hoàn thành nhiệm vụ, còn đông quá cũng khổ cho giáo viên vì... không đủ tiền để mua cho mỗi người một quyển sách, cây bút, tập vở. Điều kiện kinh tế của bà con lúc bấy giờ rất khó khăn nên ai cũng có chung một suy nghĩ “thiếu con chữ vẫn sống được nhưng không thể thiếu lương thực”. Chị Rơ Mah H'Luyn (làng Mook Đen) là một trong hàng trăm con người như thế!
Gặp lại người thầy giáo năm xưa, chị Rơ Mah H'Luyn bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, mình đã bước qua tuổi 15 rồi. Mặc dù là con nuôi của già làng nhưng cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc thì làm sao nghĩ đến chuyện học hành. Ban đầu, được thầy Hoằng, thầy Dương (cán bộ tăng cường xã Ia O, huyện Ia Grai) vận động đến lớp, mình thấy ngượng lắm nhưng vẫn cố tham gia. Lớp của mình dao động từ 15 đến 20 học viên, toàn là người lớn tuổi, ngày đi làm rẫy, tối đến lại thắp đèn dầu cùng với cán bộ Biên phòng dán mắt vào từng con chữ. Cứ như thế học trong 2 năm là biết đọc, biết viết và được công nhận hoàn thành xóa mù chữ... Với mình, 2 năm học ngắn ngủi đó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời, vì mình đã biết tính toán làm ăn để xây dựng cuộc sống phát triển như ngày hôm nay”.
Theo chia sẻ của chị Rơ Mah H'Luyn, trong lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh mở ra ngày ấy có chị Rơ Chăm Blú sau đó theo học đến Trung cấp Sư phạm và nhiều người hiện có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển. Riêng gia đình chị có 3 ha cao su, 6 ha điều, mỗi năm trừ các khoản chi phí còn thu về gần 300 triệu đồng. Gần 1/4 thế kỷ đi qua, giờ đây chị H'Luyn đang có một mái ấm gia đình hạnh phúc trên vùng nông thôn mới phát triển bền vững. Cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò vùng biên, tóc đã “phơn phớt màu sương” gợi nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên về một quãng đường dài vượt khó. Họ là những chứng nhân, là thực thể chính chung sức chung lòng góp phần tạo nên một diện mạo nông thôn mới phát triển bền vững trên vùng căn cứ cách mạng.
Dấu ấn người lính "Quân hàm xanh"

Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom: “Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh và huyện thì đóng góp của Bộ đội Biên phòng là rất lớn. Bất kể lĩnh vực nào cũng có dấu ấn đậm nét của những người lính mang “quân hàm xanh”, từ quốc phòng-an ninh, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Bội đội Biên phòng thực sự là nguồn lực để chúng tôi tập hợp sức mạnh toàn dân trên con đường phát triển”.

Là cửa ngõ quan trọng bậc nhất nằm trong vùng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, xã Ia Dom có rất nhiều lợi thế để phát triển. Trong số đó không thể không nói đến những đóng góp của người lính Biên phòng. Sau gần 40 năm đồng hành với buôn làng biên giới kể từ ngày giải phóng, Bộ đội Biên phòng tỉnh được cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn là đơn vị đỡ đầu cho xã Ia Dom trong xây dựng nông thôn mới. Đây có thể xem là bệ phóng quan trọng để “cánh chim Phượng Hoàng” cất cánh trên bầu trời biên giới. Bởi lẽ, chỉ sau hơn 3 năm (2012-2015), với sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm của chính quyền địa phương các cấp và Bộ đội Biên phòng tỉnh, 8/8 thôn, làng trong xã đã có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm kiên cố, hiện đại. Các nhu cầu về văn hóa, thương mại-dịch vụ, cảnh quan môi trường, y tế, giáo dục của người dân được đáp ứng. Riêng về kinh tế, từ một xã đặc biệt khó khăn với trên 20% hộ nghèo (năm 2010), đến nay, Ia Dom chỉ còn khoảng 9% hộ nghèo trên tổng số 1.776 hộ của toàn xã.
Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom-cho biết: Đóng góp của Bộ đội Biên phòng không chỉ đến từ sự hỗ trợ đầu tư hàng tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh, tạo sinh kế trong phát triển kinh tế hay làm nhà ở cho người nghèo mà trên tất cả, mỗi việc làm của người lính là một “hạng mục” để cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nên “căn cứ niềm tin” trong nhân dân. Ví như mô hình “Bếp ăn tình thương” hay chương trình “Nâng bước em tới trường” trong giáo dục, quy mô nhỏ mà sức lan tỏa lại rộng khắp trên cả địa bàn biên giới. Rồi những lúc bà con gặp thiên tai, hoạn nạn, người đầu tiên họ nhớ đến đó là Bộ đội Biên phòng, bởi bước chân của người lính “quân hàm xanh” dường như đã đi vào hơi thở cuộc sống nơi buôn làng biên giới.
Ảnh: Thái Kim Nga
Thầy giáo “quân hàm xanh” Vũ Văn Hoằng và học trò cũ Rơ Mah H’Luyn. Ảnh: Thái Kim Nga
Phải chăng đây là bức thông điệp để nhắn nhủ người cán bộ cơ sở rằng, giá trị của mỗi việc làm tốt chẳng bao giờ bị phai mờ. Câu chuyện của người thầy giáo “quân hàm xanh” Vũ Văn Hoằng và cô học trò lớn tuổi Rơ Mah H'Luyn mà chúng tôi đã kể ở phần trên là minh chứng sống động nhất. Và với những gì đã trải nghiệm, chúng tôi dám khẳng định rằng, nếu có một “cuộc họp lớp” dành cho thầy và trò ngày xưa ấy, chắc chắn sẽ có nhiều, rất nhiều giọt nước mắt tri ân. Cũng tại địa bàn này có trường hợp của bà Rơ Mah HLúp (làng Mook Đen 2)-người con nuôi đầu tiên của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế  Lệ Thanh. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng mỗi lần gặp gỡ chiến sĩ Biên phòng là bà lại tay bắt mặt mừng, vừa kể chuyện vừa khóc. Người phụ nữ đơn thân này nói rằng, cuộc đời bà gắn chặt với Đồn Biên phòng nên sau này khi “về với đất” chắc chắn bà sẽ ấm thân hơn trong vòng tay người lính.
Sức lan tỏa của những việc làm mang đầy tính nhân văn của lính Biên phòng không chỉ làm thổn thức trái tim các chủ nhân vùng biên giới mà còn lay động tâm hồn của những con người chọn Ia Dom làm quê hương thứ hai của mình. Xin được trích đoạn thơ mộc mạc của một giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (xã Ia Dom) dành tặng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhân Ngày hội Biên phòng toàn dân: “Giúp dân bản mưu sinh cuộc sống/Chăm sản xuất nhân giống bò, heo/Đường về con chữ cùng lo/Bếp ăn, học bổng bao trò ấm êm...”.
Thái Kim Nga

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.