Cắm chốt cùng lính biên phòng: Nơi nắng như nung, gió như rang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, các chiến sĩ biên phòng vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả
Giữa cái nắng tháng 5 oi bức nơi miền biên viễn, chúng tôi đến với chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), nằm ngay dưới chân núi.
"Xông hơi" suốt ngày
Căn lán chừng 20 m2, gian chính được ghép lại từ những khung sắt, lợp mái tôn, gian phụ được bao phủ bằng một tấm bạt cỡ lớn. Từng đợt gió Lào mang hơi nóng hắt sang, phả vào lán trại khiến các chiến sĩ biên phòng ở đây lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi, như đang xông hơi. Bữa cơm trưa khá đạm bạc với 3 món: thịt kho, cá kho, canh rau rừng.
Thượng úy Phạm Đức Nghĩa, Trưởng chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê, nói rằng biên giới mùa này đang vào mưa giông. Có khi đang nắng, trời bỗng sụp tối, mưa trút xuống căn lán nhỏ khiến việc ăn ở càng trở nên khó khăn bội phần. Căn lán tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ nhưng thượng úy Nghĩa nói rằng nó vững chãi hơn nhiều so với lán cũ.
Đại úy Hiên Thầy - thành viên chốt kiểm soát - kể năm ngoái, thiên tai hoành hành, chốt gác bị sạt lở uy hiếp, buộc phải di dời. Tìm được mặt bằng để dựng chốt là điều không hề đơn giản. Vị trí lán mới này cách điểm cũ chừng hơn trăm mét.
 
Các chiến sĩ biên phòng tại chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê trên đường tuần tra Ảnh: Quang Huy
Các chiến sĩ biên phòng tại chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê trên đường tuần tra Ảnh: Quang Huy
Sống giữa rừng, hiểm nguy, vất vả luôn chực chờ đối với các chiến sĩ biên phòng. "Đợt mưa lũ năm ngoái, nếu không may mắn, e rằng nhiều chiến sĩ tại chốt kiểm soát số 3 La Dêê khó bảo toàn tính mạng. Đầu giờ chiều phát hiện có dấu hiệu sạt lở, vừa kịp rời đi thì đến tối lán trại đã bị đất vùi lấp hoàn toàn" - đại úy Hiên Thầy kể.
Trung tá Zơrâm Thức - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang - nói đặc điểm của người lính biên phòng là phải quanh năm "ăn lán, ngủ rừng". Sống ở chốn rừng thiêng nước độc, anh em đều xác định tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. "Chúng tôi luôn động viên nhau rằng trong hành trang của người lính không có khó khăn, mà chỉ có tinh thần vượt qua tất cả. Tinh thần đó được vận dụng trong mọi tình huống. Vì thế, người lính không cho phép mình gục ngã, phải nỗ lực từng ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao" - trung tá Zơrâm Thức bày tỏ.
 
Chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê nằm giữa rừng, được dựng khá tạm bợ Ảnh: QUANG HUY
Chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê nằm giữa rừng, được dựng khá tạm bợ Ảnh: QUANG HUY
Vượt qua gian khổ
Chốt số 1 Cha Lo là 1 trong 3 chốt trọng điểm của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đóng cạnh con suối nằm heo hút giữa rừng sâu của dãy Giăng Màn, cách cửa khẩu chừng 2 km đường rừng. Chốt được thành lập hơn 1 năm nay khi dịch bùng phát. Trước đây, chốt được dựng tạm bợ bởi mấy tấm bạt, bên trong là vài tấm ván kê cao cùng chiếc chiếu đơn làm giường ngủ nên hễ có mưa, các chiến sĩ phải dùng vài chiếc áo cũ để che tạm.
Đến khi những tấm bạt đã ngả màu, thấy cuộc sống anh em giữa núi rừng vất vả, thiếu thốn và phải đối mặt với hiểm nguy như rắn rết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã gia cố bằng những tấm tôn xung quanh giúp các chiến sĩ yên tâm bám chốt để làm nhiệm vụ.
 
Chốt Số 1 bản Cha Lo đóng giữa rừng sâu. Ảnh: Hoàng Phúc
Chốt Số 1 bản Cha Lo đóng giữa rừng sâu. Ảnh: Hoàng Phúc
 
Phóng viên Hoàng Phúc (giữa) cùng cán bộ chiến sĩ tại chốt Cha Lo thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo
Phóng viên Hoàng Phúc (giữa) cùng cán bộ chiến sĩ tại chốt Cha Lo thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo
 
Bữa cơm đạm bạc giữa rừng của các chiến sĩ tại Chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê Ảnh: QUANG HUY
Bữa cơm đạm bạc giữa rừng của các chiến sĩ tại Chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê Ảnh: QUANG HUY
 
Lực lượng liên ngành bám chốt kiểm dịch ở cửa khẩu Hồng Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế)Ảnh: Quang Nhật
Lực lượng liên ngành bám chốt kiểm dịch ở cửa khẩu Hồng Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế)Ảnh: Quang Nhật
Nhưng những tấm tôn đơn sơ cũng không đủ sức chống đỡ sự quăng quật của những trận mưa rừng và làm dịu đi những cơn gió Lào bỏng rát. Bên trong chốt chỉ đủ cho 5-6 cán bộ, chiến sĩ ngả lưng cùng tấm ván kê các đồ dùng thiết yếu. Dù thiếu thốn trăm bề nhưng các chiến sĩ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi biên cương.
Trung tá Nguyễn Công Hữu - cán bộ tăng cường cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo - tâm sự do điều kiện đi lại khó khăn, hơn 1 tháng trước, ngoài bám chốt, tuần tra canh giữ biên giới, các anh em trong chốt đã chủ động xới mảnh đất trống giữa khe rừng để trồng rau, nuôi gà nhằm cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cho biết từ khi dịch bùng phát, đơn vị thành lập 5 chốt phòng chống dịch Covid-19 nhưng hiện giờ duy trì 3 chốt và 1 tổ tuần tra cơ động đóng tại các khu vực trọng yếu, đường mòn, khe suối và chốt trên Quốc lộ 12A, mỗi chốt có 4 cán bộ, chiến sĩ hoạt động suốt ngày đêm.
Hầu hết các chốt đều nằm ở những nơi hẻo lánh, xa dân cư, không điện, không sóng điện thoại, việc ăn uống của những người lính cũng rất kham khổ. "Có những đợt trời mưa gió kéo dài, vài ngày sau mới ra được ngoài mua lương thực, thực phẩm, những lúc đó, các chiến sĩ biên phòng lại phải ăn lương khô, mì gói và thường tìm thêm măng, rau rừng để cải thiện bữa ăn" - thượng tá Phan Thanh Bổng cho biết. 
Sát cánh trên vùng biên
Thời gian này, huyện miền núi biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn có những cơn mưa giông nặng hạt, kéo dài làm cho một số lán trại của chốt liên ngành kiểm dịch Covid-19 trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị sập. Mới đây, chốt giám sát dịch tễ ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới được dựng tạm giáp biên giới Việt - Lào bị sập lán trại do mưa lớn, phải dựng lều dã chiến để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi biết tin mưa rừng làm sập lán trại của chốt kiểm soát y tế liên ngành và các thành viên sớm khắc phục khó khăn, tiếp tục làm nhiệm vụ, lãnh đạo huyện A Lưới đã đến động viên, quyết định đầu tư 100 triệu đồng để làm 2 căn nhà lắp ghép kiên cố. Sau khi sứ mệnh chống dịch hoàn thành, 2 căn nhà này sẽ được dùng làm trạm kiểm soát lâm sản, góp phần bảo vệ rừng.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có tuyến biên giới dài 89,2 km, tiếp giáp giữa huyện A Lưới với 2 tỉnh Salavan, Sê Kông của nước bạn Lào, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết trên tuyến biên giới này đang duy trì 19 tổ cố định và 17 tổ lưu động với các chiến sĩ biên phòng làm nòng cốt phối hợp với lực lượng quân sự vừa mới được tăng cường và công an, dân quân, y tế, Đoàn Thanh niên để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Q.Nhật
Hoàng Phúc - Quang Huy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.