Các dịch bệnh mùa hè gia tăng, nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 21-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022.

Tại điểm cầu Bộ Y tế,  Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn, lãnh đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị bệnh viện tuyến tỉnh.

 Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả giám sát dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và đề xuất giải pháp phòng-chống dịch; tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết, chân tay miệng, bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; tình hình tiếp nhận, cung ứng vắc xin phòng Covid-19; tiến độ tiêm phòng Covid-19, đặc biệt tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em; công tác đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tại một số tỉnh, thành phố, tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng ca mắc, trung bình 1 ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 900 ca mắc Covid-19 mới, riêng ngày 20-7, số ca mắc tăng lên gần 1.200 ca. Theo đó, tại phía Bắc, đến hết tháng 1-2022, chủng Omicron chiếm 70% ca mắc, chủng Delta 30%. Từ tháng 2 và 3 trở đi, chủng Omicron tăng dần, chiếm 91-95%. Từ tháng 5 trở đi, chỉ còn chủng Omicron ở miền Bắc. Từ tháng 6, các biến chủng phụ của Omicron là BA.5 xuất hiện với 3 trường hợp ở Hà Nội. Tháng 7-2022, miền Bắc phát hiện 6 trường hợp biến thể phụ BA.5, các ca ghi nhận ở Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương. Như vậy, Omicron hiện nay đã chiếm hoàn toàn ca mắc ở miền Bắc.

Tại hội nghị, đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông tin Covid-19 đã giảm nhưng những tuần gần đây bắt đầu tăng lại. Những tuần trước, khu vực phía Nam tăng tỷ lệ nhiễm biến chủng BA.4 và BA.5 và đã ghi nhận ca mắc biến chủng BA.2.12.1. BA.4, BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với các biến chủng cũ. BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch gấp 8 lần so với biến chủng BA.2.

Theo Bộ Y tế, hiện một số người dân sau khi đã tiêm các mũi cơ bản và đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch, không tiêm các mũi vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại, mũi tiêm bổ sung; không tiêm vắc xin cho trẻ em, không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch. Bên cạnh đó, các dịch bệnh mùa hè, nhất là các bệnh lây truyền qua vét tơ, qua đường tiêu hóa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy do vi rút Rota… có chiều hướng gia tăng, nguy cơ xảy ra dịch chồng dịch. Ngoài ra, thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm nhập viện có xu hướng gia tăng và phần lớn là nhiễm cúm A nhưng không phải cúm chủng độc lực cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận các ca nhiễm cúm gia cầm độc lực cao như cúm A H5N1, H7N9 và H5N8.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng-chống dịch, nêu các kiến nghị, đề xuất giải pháp trong phòng-chống dịch. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Hiện nay, ngoài dịch Covid-19, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng… có chiều hướng gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch.Vì vậy các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động và tăng cường các giải pháp trong công tác phòng-chống dịch, không lơ là, chủ quan. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, nhất là đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu, đồng thuận việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt là vận động người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4); người từ 12 đến dưới 18 tuổi đi tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Nghiện rượu - tan vỡ mái ấm, rối loạn tâm thần

Nghiện rượu - tan vỡ mái ấm, rối loạn tâm thần

(GLO)- Tại Bệnh viện Tâm thần kinh Pleiku, nhiều bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Điều đáng nói, sau thời gian điều trị khỏi bệnh về nhà, họ lại tái nghiện rượu, khiến gia đình xung đột, người thân xa lánh, mái ấm đổ vỡ...

Thuốc Femancia

Gia Lai: Cảnh báo về thuốc Femancia và hai sản phẩm thực phẩm không còn hiệu lực lưu hành

(GLO)- Sở Y tế vừa ban hành văn bản thông báo thu hồi toàn bộ thuốc Femancia, số đăng ký VD-27929-17, do vi phạm mức độ 2 theo quy định của Bộ Y tế. Đây là loại thuốc có dạng viên nang cứng, chứa sắt nguyên tố (dưới dạng sắt fumarat) và acid folic, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Me Di Sun sản xuất.

Người bị gan nhiễm mỡ nên uống gì?

Người bị gan nhiễm mỡ nên uống gì?

(GLO)- Gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý phổ biến do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn, lựa chọn đồ uống phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện chức năng gan. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý y tế cho công chức 77 xã, phường phía Tây tỉnh Gia Lai

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý y tế cho công chức 77 xã, phường phía Tây tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 23-7, tại phường Pleiku, Sở Y tế tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực y tế của 77 xã, phường khu vực phía Tây tỉnh. Trước đó, công chức cấp xã của 58 xã, phường khu vực phía Đông tỉnh đã được bồi dưỡng lĩnh vực này.

Các cơ sở y tế phải chủ động kế hoạch mua sắm đầy đủ thuốc, nhất là thuốc cấp cứu, phòng dịch, chế phẩm máu và thuốc tiền mê giảm đau. Ảnh: Thảo Khuy

Chủ động đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ khám, chữa bệnh

(GLO)- Trước nguy cơ thiếu hụt thuốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh (Covid-19, sốt xuất huyết...), chiến sự tại một số khu vực trên thế giới cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ nước ngoài, Sở Y tế vừa yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động đảm bảo nguồn thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

null