Cà răng: Cái đẹp khổ đau một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1985, UBND xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) chưa có trụ sở nên mấy cán bộ tăng cường chúng tôi thường tá túc nhà ông Rơ Châm Dú ở làng Dit. Năm đó, ông Dú khoảng 65 tuổi nhưng tóc chỉ bạc lác đác, làn da màu đồng hun săn chắc tưởng dao chém cũng không đứt. Thời chống Mỹ, ông từng tham gia du kích nên nói được tiếng phổ thông khá chuẩn. Đặc biệt, ông vui tính, hay cười và mỗi nụ cười nở ra như vành trăng khuyết trông thật ngộ. Nhìn kỹ, tôi mới biết ông đã cà răng. “Theo lệ tục ông bà mình ngày xưa ấy mà. Cà răng đau đớn lắm, nhưng không làm thì con gái nó chê không muốn bắt làm chồng; mai mốt chết ông bà không cho xuống ở “làng ma”-ông Dú nói.
Đã ngót năm chục mùa rẫy nhưng mỗi lần nhớ về tục lệ ác nghiệt đó, ông Dú vẫn còn thoáng rùng mình: “Lúc đó, mình mới được 15 mùa rẫy nhưng cũng ra dáng thanh niên rồi, vậy là đến lúc phải cà răng. Chọn ngày lúa ngoài rẫy đang lúc đơm bông chờ chín, “bà già” bắt một con gà sang làng Le mời ông “thợ” cà răng. Lễ cà răng xưa thường được tiến hành vào những tháng nông nhàn như thế để có nhiều người cùng làm, động viên lẫn nhau. Mình nằm ngửa, miệng ngậm một thanh gỗ mềm, đầu gối lên đùi ông “thợ” cà răng. Phụ giúp ông còn có 3 người bạn. Họ lo việc giữ chân tay và kể những chuyện vui cốt để người cà răng quên đi đau đớn. Đấy là mình có gan và có sức. Gặp người nhát và ốm, có khi người ta cho uống rượu thật say để không còn biết gì nữa… Nói “có gan” cho vui, chứ chỉ vài nhát cà, mình đã vùng vẫy, la hét. Rồi có cảm giác như ai cầm từng bó mũi dao nhọn đâm thấu lên óc; mồ hôi lẫn máu ướt đầm khuôn ngực, mình choáng váng xỉu đi…
Có lẽ phải đến nửa đêm hôm đó mình mới tỉnh dậy. Sờ lên mặt, giật mình thấy nó sưng cứng như ai đeo vào cái mặt nạ. Mấy ngày đầu chỉ nuốt nước cơm mà cũng buốt không chịu nổi. Phải đến 7, 8 ngày sau thì mặt mới bớt sưng dần… Chờ cho hết sưng thì tiến hành nhuộm răng. Thuốc nhuộm là nhựa cây rang được đốt lên rồi đem chà vào răng, cứ sau mỗi bữa ăn bôi một lần. Sau khoảng một tháng, hàm răng sẽ trở nên đen bóng và hết buốt. Nhựa cây rang không chỉ làm cho răng bền chắc mà còn là thứ thuốc ngăn nhiễm trùng, ngừa sâu răng…”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không chỉ người Jrai hay Bahnar, hầu hết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và dọc Trường Sơn xưa đều có lệ tục này. Thuở ấy, con gái, con trai vào tuổi 14, 15 nếu không cà răng thì không được coi là “người đẹp”. “Cái răng, cái tóc là góc con người” nhưng quan niệm của mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Có dân tộc phải cà bằng cả hàm răng mới là “người đẹp”. Với người Tây Nguyên thì “cái góc” ấy phải là răng cửa (6 chiếc) được mài cụt. Không được coi là “người đẹp” thì chẳng những bị dân làng chê cười, không bắt được vợ được chồng mà khi chết ông bà sẽ không nhận về ở “làng ma”.
Thấy rõ cà răng là thứ lệ tục gây đớn đau và nguy hiểm, ngay trong kháng chiến chống Pháp, các đội vũ trang tuyên truyền, cán bộ của ta vào làng, bên cạnh việc giác ngộ cách mạng đều kết hợp vận động đồng bào bỏ tục cà răng. Tuy vậy, việc từ bỏ một tập tục đã ăn sâu bao đời, lại nằm trong ý thức tâm linh là không dễ. Thế nên thời kháng chiến chống Pháp và cả trong kháng chiến chống Mỹ, một số cán bộ của ta cũng phải “cà răng căng tai”, đóng khố, học tiếng, hóa thân thành người bản địa để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông Dú nói rằng, cũng phải 1-2 năm sau giải phóng, tục cà răng mới dứt hẳn ở nhiều nơi.
Nụ cười “vành trăng khuyết”-cái đẹp một thời cũng khổ đau là vậy…                                                              
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.