Bức họa Phật thời Trần trong lòng hang tối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học 2020 vừa qua, một nghiên cứu về bích họa Phật giáo thời Trần đã được công bố.  
Hình ảnh bích họa trong bản tin của Viễn Đông Bác Cổ xưa.
Hình ảnh bích họa trong bản tin của Viễn Đông Bác Cổ xưa.
Hoạt cảnh Phật giáo
Ông Đào Xuân Ngọc, một nhà nghiên cứu tự do tại Hà Nội, đã đeo đuổi việc tìm lại những bức bích họa trong chùa Hang Thiện Kế (xã Thiện Kế, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ nhiều năm. Theo tư liệu từng công bố và giới thiệu trên bản tin của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp vào năm 1942, trong hang có những bức họa liên quan đến Phật giáo. Sau bản tin đó, hầu như không có thông tin gì thêm về những tác phẩm cũng như hang này. Hang Thiện Kế hiện vẫn ở lưng chừng núi, với đền Cậu Thiện ngay cửa hang. Đi sâu vào trong là hệ thống nhóm tượng Phật thuộc Tam bảo và các chư Phật.
Ông Đào Xuân Ngọc và thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cũng là nhà nghiên cứu tự do, cùng muốn tìm lại những bức bích họa Phật giáo đó. Họ tìm gặp Phó giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang Lý Mạnh Thắng. Tháng 6-2020, cả ba hẹn gặp nhau tại chùa hang Thiện Kế nhằm xác định lại vị trí và quy mô bức họa. “Sau khi làm việc với các cụ thủ đền, chúng tôi được dẫn vào trong hang. Lòng hang tối, ẩm thấp, được xây bịt kín bởi tòa nhà hai tầng với hàng chục ngách phòng. Sau khi leo lên hai cầu thang và di chuyển về phía tây của vách hang, chúng tôi đã tìm thấy những hình vẽ đầu tiên của bức họa”-ông Ngọc nhớ lại.
Ông Ngọc cho biết: “Quy mô của bức họa được xác định là tổ hợp những hoạt cảnh Phật giáo được dàn theo trục ngang, vẽ màu trực tiếp vào bề mặt đá. Bức họa trong tình trạng mờ nhạt, bị tô chồng các lớp sơn màu đen, đỏ và bị các thanh dầm đâm xiên, các vách tường đặt rất sát bức họa, do đó rất khó quan sát quy mô tổng thể của các hoạt cảnh”.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi tái phát hiện những dấu tích của bức họa độc đáo này. Những khảo sát ban đầu cho thấy bức họa gồm các hình Phật, Bồ Tát, Thị giả, chư Phật, Phi Thiên, hình mây, cánh sen... được phủ các màu son đỏ trầm, màu nâu, màu vàng”.
Hình ảnh bích họa trong hang hiện nay.
Hình ảnh bích họa trong hang hiện nay.
Mỹ thuật Phật giáo thời Trần
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học 2020 vừa tổ chức tại Hải Phòng cuối tháng 9 vừa qua, các ông Đào Xuân Ngọc, Lý Mạnh Thắng và Nguyễn Anh Tuấn đã công bố nghiên cứu này của họ. Theo đó, tại hang Thiện Kế, họ đã tìm kiếm được ba nhóm tổ hợp hình vẽ.
Ở vị trí chính giữa là hình vẽ miêu tả một nhóm các hình tượng với 9 nhân vật, trọng tâm là hình Bồ Tát ngồi trên bệ hoa sen, hai bên là hai nhân vật đang chắp tay, các nhân vật được phân thành 4 lớp trước sau, phía trên là hai hình phi thiên đối xứng. Nhóm hình vẽ này tương ứng với miêu tả được giới thiệu trên bản tin của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp vào năm 1942.
Nhóm thứ hai là hình vẽ nằm ở vị trí bên trái, hướng tây bắc. Nhóm hình vẽ đặc tả ba hình tượng, ở giữa là hình Phật đang tọa thiền Kiết già trên bệ hoa sen với pháp y hai lớp, tay ấn quyết thiền định. Hai bên Phật là Thị giả.
Nhóm thứ ba ở vị trí bên phải, có cao độ thấp hơn so với hai nhóm hình vẽ còn lại. Đây là nhóm hình khắc và hình vẽ được kết hợp với nhau. Hình khắc có lớp nền khá nông, miêu tả hình thái một tòa điện với diềm mái và bờ dải thể hiện hình lá đề, có đầu hồi, chóp mái. Cũng còn một hình khắc tháp với 7 tầng. Phía xa là hình vẽ người cưỡi ngựa.
Nhóm nghiên cứu căn cứ vào chi tiết diềm mái, hình thái kiến trúc tháp, các hình vẽ Phật, Bồ Tát... và các tư liệu sử học, khảo cổ học thời Trần ở địa phương cũng như vùng lân cận để đưa ra nhận định: “Tổ hợp những hình vẽ và hình khắc trong lòng hang Thiện Kế được thực hiện vào giai đoạn khoảng nửa cuối thời Trần”.
Một mảng tranh tường trong hang hiện nay.
Một mảng tranh tường trong hang hiện nay.
Đưa tác phẩm hiếm có trở lại
Khi được tìm thấy vào năm 1942, các học giả người Pháp đưa ra phỏng đoán: bức họa này có từ thế kỷ 9, đặc điểm tạo hình có những tương đồng với những bức họa ở khu vực Trung Á và Động Phật Đôn Hoàng. Mặc dù vậy, theo quan điểm của nhóm ông Ngọc, tác phẩm có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ 13 - 14. Về điều này, TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học, cho biết: “Trước đây mới chỉ nhắc đến bức họa, còn việc nghiên cứu thì chưa làm được. Hiện nay người ta cũng tìm thấy một số hệ thống bích họa nữa. Phải đặt bích họa này ở trong hệ thống ấy thì mới nghiên cứu được. Về niên đại cũng có nhiều tranh cãi. Ngày trước ông Bezacier - học giả người Pháp cho là thời Lý, nhưng theo những nghiên cứu mới đây thì người ta đặt vấn đề nghiêng sang thời Trần hơn”. TS Trần Anh Dũng cho rằng: “Có rất nhiều vấn đề đặt ra từ sự phát hiện này”.
Nhóm nghiên cứu cũng mong các đơn vị liên quan lên kế hoạch nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và đánh giá những giá trị nổi bật của khu di tích chùa Hang, đền Cậu Thiện. “Từ đó, có thể nhận diện toàn cảnh những giá trị nghệ thuật Phật giáo Đại Việt ở vùng biên viễn miền núi phía bắc. Trong đó, có hệ thống các hình vẽ, hình khắc trong lòng vách chùa Hang Thiện Kế”, ông Ngọc nhận định.
Tiến sĩ Trần Anh Dũng cũng cho rằng các bức tranh đã phải chịu nhiều tác động. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến, có nhiều tác động đến hang và tranh. “Còn xi măng, khoan trát... nữa. Bây giờ phải trả lại giá trị cho nó. Điều quan trọng nhất là phải bảo tồn, vì bích họa như thế này là rất ít. Ở Tuyên Quang, bích họa về Phật giáo chỉ có mỗi tác phẩm này. Mà cả miền núi phía bắc cũng chỉ có duy nhất tác phẩm đó. Đó lại là bức tranh có niên đại rất sớm, so với cả nước cũng là rất sớm”-ông Dũng nói.
Theo NGỮ YÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.