Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hoàn thành 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cắt dần chuyến bay tới nước có dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trò chuyện với Dân Việt trong ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết về công việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay Long Thành và kế hoạch kiểm soát dịch Covid-19 thông qua các chuyến bay từ vùng dịch Covid-19.
Ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, PV Dân Việt đã có buổi phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về những khó khăn, thách thức với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển giao thông trong năm 20201.
Lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT và những người đang công tác trong ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gửi lời cảm ơn tới báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt năm qua đã dành sự quan tâm tới ngành giao thông. 
"Nhân dịp đầu xuân 2021, tôi chúc các đồng chí cùng với gia đình một năm mới luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi lời chúc đến BBT và toàn thể các cán bộ, nhân viên, phóng viên báo Nông thôn Ngày nay.
Thưa Bộ trưởng! Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn khi đại dịch Covid-19 lan rộng, mưa bão, lũ lụt đã tác động rất lớn tới ngành giao thông vận tải, ông có đánh giá như thế nào?
Trong năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung cao độ cho công tác thể chế, trong đó có Luật giao thông đường bộ sửa đổi đã được Bộ kịp thời báo cáo Quốc hội. Cùng với đó, Bộ GTVT phối hợp với các Bộ Công an, Tư Pháp,... làm sao để truyền tải các quy định tới người dân thông qua các Nghị định, Thông tư.
 
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Ngoài ra, Chúng tôi cũng thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các kết luận của Thủ tướng, chúng tôi nhận thấy các nhiệm vụ được Thủ tướng chính phủ giao là đặc biệt quan trọng.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 có dấu ấn rất lớn của Bộ GTVT với vai trò là tham mưu chính cho Thủ tướng các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán, chúng tôi đã xác định đây là dịch rất nguy hiểm, bởi vì thời gian ủ bệnh kéo dài 14 ngày.
Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ngoài việc rà soát người nhập cảnh từ sân bay, ở nhà ga, các phương tiện giao thông, còn phải quản lý người từ nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với đó Bộ GTVT tham mưu dừng các chuyến bay quốc tế tới những vùng có dịch Covid-19 và cắt dần, cắt dần các chuyến bay tới các nước có dịch Covid-19 phối hợp với Bộ Y tế quản lý chặt chẽ người ra vào Việt Nam.
Năm 2021 sẽ hoàn thành 3/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam
Xin Bộ trưởng cho biết, các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia đang triển khai ra sao?
Về 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: Sân bay Long Thành và cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng đã cơ bản hoàn thành công tác khởi công cho giai đoạn 1. Đây là 2 dự án xuyên suốt cả nhiệm kỳ, nhưng thực tế chúng tôi chỉ thực hiện trong 3 năm, 2 năm đầu chúng tôi cung cấp các thông tin, xây dựng các phương án, báo cáo các Uỷ ban Quốc hội.
Tháng 11/2017 Quốc hội mới có Nghị quyết cho phép triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, trong đó, mỗi một dự án là 1 báo cáo đầu tư riêng biệt.
Tương tự, sân bay Long Thành đến thời điểm đó cũng mới có Nghị quyết của Quốc hội tác phần giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Đồng Nai, còn phần xây lắp giao cho Bộ GTVT. Như vậy, rõ ràng 2 dự án trong điểm quốc gia nói là cả nhiệm kỳ nhưng mãi đến đầu 2018 mới thực hiện.
 
Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công đúng tiến độ.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công đúng tiến độ.
Đến năm 2021, Bộ GTVT sẽ kết thúc 3/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Đối với 8 dự án còn lại Quốc hội cũng đã đồng ý cho chuyển 3/8 dự án sang đầu tư công, còn 5 dự án làm theo hình thức PPP.
Hiện, 3 dự án đầu tư công này đã khởi công từ 30/9/2020, đến thời điểm này 13 gói thầu của dự án này đều đã khởi công. Do năm 2020, gặp nhiều khó khăn, Quốc hội cũng đã đồng ý cho kéo dài thời gian 3 dự án đầu tư công này hoàn thành 2022, chúng tôi tin là sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Hiện có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 – Diễn Châu đã được báo cáo tới Uỷ ban Kinh tế Quốc hội để Uỷ ban tham mưu cho Quốc hội xem xét quyết tổ chức đấu thầu lại hoặc Quốc hội quyết định hình thức đầu tư với 2 dự án này.
Tóm tắt lại, năm 2020, Bộ GTVT có những dấu mốc quan trọng đối với cao tốc Bắc Nam đó là giữ đúng tiến độ 3 dự án đã khởi công trước đó và khởi công 3 dự án thành phần chuyển sang đầu tư công, còn 5 dự án còn lại đã cơ bản hoàn thành sẵn sàng khởi công 3 dự án và 2 dự án đang được báo cáo Quốc hội chuyển sang đầu tư công.
Dự án sân bay Long Thành, được đánh giá là sân bay hiện đại nhất Việt Nam và là sân bay nhất - nhì thế giới, mục tiêu của sân bay là cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tháng 11/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê quyệt dự án và chính thức có nhà đầu tư. Theo quyết định này, Tổng công ty Cảng hàng không ACV được giao thực hiện giai đoạn 1. Gói thầu số 1 rà phá bom mìn đối với dự án đã được khởi công vào tháng 1/2021.
 
Cầu Thăng Long, Hà Nội chính thức khánh thành vào đầu tháng 1 sau gần 5 tháng nâng cấp sửa chữa.
Cầu Thăng Long, Hà Nội chính thức khánh thành vào đầu tháng 1 sau gần 5 tháng nâng cấp sửa chữa.
9 nhiệm vụ của ngành GTVT trong năm 2021
Giao thông là huyết mạch của đất nước, năm 2021 ngành GTVT sẽ triển khai những kế hoạch nhiệm vụ gì để tiếp đà tăng trưởng kinh tế?
Dự kiến năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020. Dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng; thực hiện năm ATGT 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT", kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đặt ra 9 nhiệm vụ và các giải pháp gồm: Thứ nhất là tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, các quy hoạch ngành GTVT.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm 2021. Thứ ba, tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng.
Thứ tư, tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải. Đẩy mạnh triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm TNGT từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí và khắc phục ùn tắc giao, ứng phó với bão lũ, thiên tai.
Thứ sáu, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ bảy, tiếp tục củng cố, tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống... Thứ tám, đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành các công trình giao thông. Thứ chín, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Thế Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.