(GLO)- Giữa cao nguyên nắng gió, ngôi làng ngư phủ như lọt thỏm giữa thung lũng Ayun. Ở đó, từ nhiều đời nay, cuộc mưu sinh của cư dân trong làng đều gắn bó với sóng nước. Cơm gạo, áo quần, con chữ của lũ nhỏ cứ thế dập dềnh theo con thuyền độc mộc mỗi buổi sớm mai.
|
Từ sáng tinh mơ, người dân làng Dlâm (xã Ayun, huyện Chư Sê) đã đi gỡ cá. Ảnh: V.N |
Làng ngư phủ trên cao nguyên
4 giờ 30 phút, khi lũ trẻ con vẫn còn say sưa trong giấc ngủ, những người đàn ông khỏe mạnh, rắn chắc của làng Dlâm (xã Ayun, huyện Chư Sê) bắt đầu lục đục thức dậy, khoác vội tấm áo dài tay để ra bến thuyền cạnh lòng hồ Ayun Hạ. Làng có 60 hộ, hầu như hộ nào cũng tham gia nghề chài lưới. Đám người phụ nữ cũng tất tả nhóm bếp, nấu cơm chuẩn bị cho một ngày bận rộn. Ngọn lửa bùng lên giữa không gian se lạnh, khói tỏa ngun ngút qua từng mái nhà sàn báo hiệu một ngày mới bừng thức giữa thung sâu. Nơi bến thuyền, trời vẫn còn nhá nhem. Mùa khô, nước cạn, bến thuyền lùi xa cách làng chừng hơn 500 m sau những rặng mai dương cao ngang đầu người. Men theo những lối mòn giữa lòng hồ, băng qua những thảm cỏ xanh còn phảng phất sương, bến thuyền hiện ra với hàng chục con thuyền độc mộc đang nằm tĩnh lặng.
Ông Siu Blak kéo chiếc thuyền gỗ đã ngả màu xám xịt ra giữa dòng, gác 2 mái chèo sang mạn thuyền rồi dùng chân đạp nhịp nhàng để con thuyền lướt đi trên mặt nước. Mùa nước cạn, những gốc cây chìm sâu hàng chục năm lộ ra lởm chởm, chi chít như những chiếc đinh khổng lồ trồi lên từ đáy hồ. Nhưng với những đôi chân điêu luyện, con thuyền rẽ nước nhẹ tênh len lỏi qua các gốc cây đến nơi đặt lưới.
|
Niềm vui của ngư dân khi đánh bắt được cá thác lác “khủng”. Ảnh: V.N |
Ông Blak cho biết, ngay từ khi còn chập chững, ông đã được cha đưa lên thuyền đi đánh cá trên sông Ayun. Từ ngày theo cách mạng, cha ông được cán bộ cách mạng chỉ dạy cách thức đánh cá rồi trở thành một trong những ngư dân lành nghề nhất vùng bởi biết đan lưới, giăng câu, làm lưỡi câu. Nối nghiệp cha, hơn 30 năm theo từng con nước lên xuống, ông Blak hiểu rõ quy luật sinh trưởng của từng đàn cá. Ông kể rằng, những ngày nắng nóng oi bức, cá thiếu khí thở buộc phải ngoi lên tầng trên mặt nước. Đây chính là thời điểm ngư dân bội thu. Hàng ngày, người làng Dlâm vẫn đi làm rẫy. Xế chiều, họ lại chèo thuyền đi giăng lưới để đợi thu hoạch buổi sớm mai. Lúc nông nhàn, dân làng dành thời gian giăng lưới… đuổi. Vừa giăng lưới xong, ngư dân sẽ dùng cây dài đập thật mạnh xuống mặt nước để đuổi cá chạy mắc vào chiếc lưới bén đã đợi sẵn.
Trù phú Ayun Hạ
Con thuyền nhè nhẹ lướt đi giữa mặt hồ không gợn sóng, lấp loáng trên mặt nước là màu đỏ mận của mặt trời đang dần nhú lên tỏa ánh ngày xuống lòng hồ. Đó là lúc các ngư dân làng Dlâm đến “ngư trường” của mình. Giữa lòng hồ mênh mông, hàng chục ngư dân chân đạp mái chèo, tay lần theo từng mắt lưới thu chiến lợi phẩm. Với việc sử dụng lưới bén, hầu hết cá dính lưới đều là rô phi, thác lác, cá dài, cá mè dinh… Thi thoảng, những chú cá lăng lỡ ngoi lên mặt nước kiếm ăn cũng bị mắc lưới. Cá hồ Ayun Hạ rất to, thịt dai và ngon hơn loại cá cùng loại ở những khu vực khác. Những ngày nước cạn, ngư dân khấp khởi mở cờ trong bụng bởi lượng cá thu được nhiều hơn ngày nước lớn.
|
Hồ Ayun Hạ trù phú mang lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân. Ảnh: V.N |
Vừa thoăn thoắt gỡ cá khỏi lưới, anh Đinh Nhon hồ hởi: “Mấy hôm nay, nước rút dần, cá cũng theo dòng nước mà tập trung hết vào khu vực này. Người ít cũng được 10 kg, người nhiều thì 20-30 kg, mỗi buổi sáng sớm đi gỡ lưới cũng được 200-300 ngàn đồng mang về cho vợ mua gạo, mắm. Năm nay, mì trên rẫy hư nhiều, giá lại rẻ, không thu được bao nhiêu. Vì vậy, nhà mình chỉ trông vào số tiền kiếm được từ việc đánh bắt cá thôi”. Gỡ hết 8 tấm lưới, anh Nhon xuôi thuyền về bến, nơi có các tiểu thương đợi sẵn. Với 24 kg cá rô phi, mè dinh và thác lác, anh Nhon đã có gần 300 ngàn đồng lận lưng. Nhà nghèo lại đông con, người đàn ông có vóc dáng lực điền ấy đành phải bươn chải với sông nước Ayun Hạ để nuôi gia đình 5 miệng ăn. Bởi thế, với những người như anh Nhon, hồ Ayun Hạ trù phú chính là “nồi cơm” của cả gia đình.
Những ngày được nghỉ học, em Đinh Tun cũng tranh thủ chèo thuyền thả lưới khi cha mẹ lên rẫy. Cậu học trò nhỏ chèo thuyền, giăng lưới thành thạo không khác gì một ngư phủ thực thụ. Dẫu không được nhiều như người lớn nhưng trong một buổi sáng Tun cũng mang về hơn 5 kg cá rô phi. “Chỗ này em sẽ đem bán lấy tiền đưa cho mẹ, còn một ít em để dành mua kẹo. Từ nhỏ, bọn em đã biết bơi rồi nên không sợ lắm. Với lại, em cũng không chèo thuyền đi xa mà chỉ ở gần bờ thôi”-Tun chuyện trò.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ Ông Nguyễn Đức Cường-Chủ tịch UBND xã Ayun: “Hầu như thu nhập của người dân làng Dlâm đều phụ thuộc vào việc đánh bắt cá ở lòng hồ Ayun Hạ. Khu vực lòng hồ có tiềm năng rất lớn về du lịch bởi khung cảnh đẹp, thơ mộng. Tôi hy vọng một ngày nào đó nơi đây sẽ trở thành một điểm đến thu hút đông đảo du khách, góp phần cải thiện đời sống của bà con”. |
Bầu không khí rộn ràng, lao xao nơi chợ cá như át đi cái nắng oi ả. Người làng khoe với nhau những con cá nặng đến vài ký còn tươi roi rói quẫy đuôi nơi mạn thuyền. Ở chợ cá, các tiểu thương đã đợi sẵn với những thùng xốp sẵn sàng vận chuyển đi khắp các nơi. Anh Nguyễn Văn Hiệp cho hay: “Mỗi ngày chúng tôi thu mua của người dân làng Dlâm khoảng 2 tạ cá, sau đó chuyển đi huyện Chư Sê rồi các thương lái khác sẽ phân phối đi TP. Pleiku và có khi là cả TP. Hồ Chí Minh. Các thị trường rất ưa thích cá hồ Ayun Hạ vì đây là cá tự nhiên, thịt thơm ngon. Đặc biệt, món chả cá thác lác hồ Ayun Hạ từ lâu đã trở thành đặc sản”.
Những ngày này, khi nước rút, một phần đáy hồ vốn ngập nước lộ ra đón nắng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những khu vực hồ trơ đáy đã xanh rì cỏ tươi. Ngắm nhìn vùng đất bằng phẳng như thảo nguyên mênh mông ấy, tất thảy những người chứng kiến đều không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, bình dị. Chẳng thế mà mỗi năm cứ đến mùa nước cạn, người dân ở các nơi lại đổ về xã Ayun thưởng ngoạn, tận hưởng khoảng thời gian ngắn ngủi khi dòng nước rút đi nhường chỗ cho đồng cỏ. Anh Ksor Hưng (xã Dun, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Năm nào đến mùa nước cạn mình cũng đưa gia đình xuống đây chơi. Khi đi mang theo một tấm lưới để kéo cá, kéo tôm nên tụi nhỏ thích lắm. Mấy người lớn thì mang theo cần câu, có khi mang theo lều bạt, nước uống ở lại qua đêm trên đồng cỏ. Làm vất vả cả năm rồi nên lâu lâu đi chơi một chuyến cũng cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn nhiều”.
Chiều đến, khi cái nắng đã dịu nhẹ, bờ hồ đón nhận từng cơn gió mát rười rượi thổi lên từ mặt nước. Thả mình trong cơn gió mơn man ấy, lòng người cũng dịu lại, như vừa trút đi nỗi âu lo, mệt nhọc để đón nhận luồng sinh khí đầy hứng khởi giữa bao la sông nước, đất trời.
LÊ VĂN NGỌC