"Biến di sản thành tài sản"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỉnh Gia Lai vừa đón nhận 3 danh hiệu, bằng xếp hạng: Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO vinh danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt; Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia. 3 “viên ngọc” cùng lúc đính vào chiếc “vương miện” của vùng đất Bắc Tây Nguyên là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực bảo tồn của địa phương trong những năm qua. Nhưng câu hỏi đặt ra là phải làm gì để chúng tiếp tục tỏa sáng?
Không hề quá lời khi gọi đây là 3 “viên ngọc”. Khi đánh giá về Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 11 trong mạng lưới sinh quyển Việt Nam, ông Christian Manhart-Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam không tiếc lời ca ngợi: “Kon Hà Nừng có sự trù phú, đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng cao nguyên độc đáo, cảnh sắc tuyệt mỹ. Bên cạnh bề dày văn hóa và tập quán truyền thống, những yếu tố trên chính là tiềm năng lớn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và giáo dục về môi trường. Đây chính là điều mà UNESCO hết sức trân trọng”. Trong khi đó, nhận định về giá trị văn hóa-lịch sử của Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và Di tích Rộc Tưng-Gò Đá, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng: Hệ thống di tích khảo cổ vùng An Khê cùng với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo chính là di sản vô giá mà tổ tiên đã để lại cho người dân An Khê nói riêng, Gia Lai nói chung.
Trong buổi làm việc với hệ thống chính trị của tỉnh vào sáng 22-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Xét về 3 yếu tố của nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) thì Gia Lai đều có thế mạnh, có khả năng phát triển nhanh và bền vững. “Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để phát huy tối đa các yếu tố này, biến truyền thống thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản. Phải lấy nội lực làm cơ bản, là chiến lược lâu dài. Đồng thời, thu hút nguồn lực bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển”-Thủ tướng chỉ đạo.
Thực tế đã minh chứng rõ nét, trong bất kỳ thành tựu nào, nội lực luôn là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định. Hiểu rõ điều này nên dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai kế hoạch, bước đi phù hợp để phát huy giá trị di sản. Nói về kế hoạch kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào cao nguyên Kon Hà Nừng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan nhấn mạnh: Đây là mục tiêu quan trọng nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. Hiện các vùng lõi như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã có các dự án đầu tư công được phê duyệt để bảo vệ, bảo tồn. Sau khi Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng được thành lập và đi vào hoạt động, Sở sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tất nhiên không thể thiếu mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu hệ thống thác ghềnh đa dạng, mang vẻ đẹp hùng vỹ. Ảnh tài liệu
Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu hệ thống thác ghềnh đa dạng, mang vẻ đẹp hùng vỹ. Ảnh tư liệu
Liên quan đến mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và Di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước thông tin: “Thị xã tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh quy hoạch chi tiết 2 di tích trên. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chuyến khảo sát (famtrip); tăng cường quảng bá, tuyên truyền nhằm xây dựng thương hiệu và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”. Tương tự, để nhanh nhạy nắm bắt cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến du khách, nhất là các điểm đến gắn với những danh hiệu vừa được trao tặng, ngành du lịch cũng có kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, xây dựng các tour, tuyến hấp dẫn; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đi kèm, hỗ trợ người dân sống gần di sản, di tích làm du lịch.
Song, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nỗ lực tự thân là chính thì việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cũng là mục tiêu quan trọng để hợp sức biến di sản thành tài sản. Tại buổi công bố và trao quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định cam kết đồng hành: “Chúng tôi hiểu rằng việc hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ di sản với phát triển bền vững kinh tế-xã hội là một nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Chương trình “Sinh quyển và con người” của UNESCO mong muốn hỗ trợ các thành viên vượt qua những thách thức như vậy thông qua thúc đẩy hợp tác quốc tế và ứng dụng những phương thức để tiếp cận đa chiều, hướng tới phát triển bền vững”.
Trước đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Hội Động vật học Frankfurt (Đức) cũng đã cùng Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các chương trình tuyên truyền, kêu gọi đầu tư vào cao nguyên Kon Hà Nừng. Bên cạnh đó, theo gợi ý của các chuyên gia, chương trình ký kết với Viện Hàn lâm Khoa học Nga để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, làm sáng tỏ những giá trị mang tính quốc tế của Di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá cũng phải tính đến và khẩn trương triển khai.  
Từ những giá trị mà thiên nhiên ban tặng cùng “gia tài” văn hóa-lịch sử ông cha để lại, Gia Lai nhận thức rõ trách nhiệm phát huy và nâng tầm giá trị di sản. Khai thác tốt tiềm năng sẵn có, kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, tin chắc vùng đất Bắc Tây Nguyên sẽ chứng tỏ mình xứng đáng với chiếc “vương miện” danh giá đã được trao tặng.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.