Biển đảo Tây Nam: Lên đảo 'Hải Tặc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hòn Đốc (thuộc xã đảo Tiên Hải, TP.Hà Tiên, Kiên Giang) có diện tích khoảng 11 km2 và cách đất liền khoảng 20 km. Nhìn trên bản đồ, phía đông của đảo giáp TP.Hà Tiên, phía tây giáp đảo Phú Quốc; phía bắc giáp tỉnh Kampot (Campuchia).

Dân địa phương hay gọi Hòn Đốc là Hòn Tre lớn, còn du khách vẫn quen với tên đảo Hải Tặc, vì Hòn Đốc là đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc (quần đảo Hà Tiên) của tỉnh Kiên Giang.

Như nhiều đảo khác ở Tây Nam, đảo Hải Tặc cũng có riêng những giai thoại lịch sử. Như chuyện có tên đảo Hải Tặc (Pirates Islands) là vì mấy thế kỷ trước, đây là "sào huyệt" của cướp biển, nhất là bọn "Cánh buồm đen". Đọc nhiều sử liệu, nói thời xưa, cụ thể là thời Mạc Cửu - Mạc Thiên Tích, vùng đất Tây Nam của nước ta trù phú, phát triển thịnh vượng, trong đó Hà Tiên là thương cảng sầm uất.

Hòn Đốc buổi sớm. Ảnh: THU NGÂN

Hòn Đốc buổi sớm. Ảnh: THU NGÂN

Trong bài nghiên cứu "Quá trình xác lập, khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam bộ thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn thế kỷ XVII - XIX" (Trần Thị Mai, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, năm 2013) nêu: "Những con tàu của thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chở gốm sứ, rượu sang đổi sản vật, tơ lụa ở châu Á đều phải đi qua vùng biển này. Trên vùng biển kín của vịnh Thái Lan nhiều hòn lắm đảo, lại nằm trên đường trung chuyển. Đây chính là điều kiện lý tưởng để các băng cướp biển trú ngụ trên các hoang đảo, chặn tàu để cướp...".

Vài giai thoại thì nói Mạc Thiên Tích, Tổng binh trấn Hà Tiên lúc ấy, đã xây dựng chiến lũy bằng tre để ngăn quân Xiêm. Rồi thêm câu chuyện hai người ngoại quốc đến mũi Kiến Vàng của đảo để săn kho báu bằng một sơ đồ theo di chúc tổ tiên...

Đẩy mạnh quảng bá du lịch Hòn Đốc

Giờ đây, những giai thoại xưa vẫn được người dân truyền khẩu qua bao thế hệ. Nếu nghe, du khách không khỏi nghĩ dưới làn nước biển trong xanh màu ngọc bích ở nơi này có cất giấu bao nhiêu kho báu, đồ cổ...

Tàu bè cập cảng Hòn Đốc buổi sáng, người dân vẫn còn sinh sống chủ yếu bằng ngư nghiệp. Ảnh: THU NGÂN

Tàu bè cập cảng Hòn Đốc buổi sáng, người dân vẫn còn sinh sống chủ yếu bằng ngư nghiệp. Ảnh: THU NGÂN

Nhưng ấy là huyền sử, còn Hòn Đốc ngày nay nổi tiếng vì sự hoang sơ và thơ mộng của mình. Sách Non nước Việt Nam của Vũ Thế Bình, được giới hướng dẫn du lịch ưa dùng, giới thiệu về quần đảo Hải Tặc như sau: "Hải sản, cát trắng, hàng dừa xanh chính là điểm cuốn hút du khách. Đảo Hải Tặc có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, tách biệt cuộc sống tấp nập với đời thường của bạn. Đến với Hải Tặc, du khách có thể thuê trọ ở nhà dân, hay cắm trại trên bãi biển để tận hưởng được hết vẻ đẹp hoang sơ của quần đảo này. Ngoài ra, du khách còn được thư thái với những giây phút ngụp lặn dưới nước để bắt ốc, và quây quần cùng bạn bè để thưởng thức hải sản tươi ngon".

Nếu bật Google Maps, sẽ đọc được hàng loạt đánh giá Hòn Đốc có nhiều "view" đẹp để sống ảo, nơi đây chưa bị ô nhiễm, chưa đô thị hóa; còn người đất đảo chân chất, sống rất chan hòa...

Phía trước tôi là cầu cảng Hòn Đốc, tráng bê tông, rất rộng, đi bộ vào sẽ thấy một tấm bảng ghi: "Khu du lịch quần đảo Hải Tặc" rất hấp dẫn. Người dân nói mùa này không phải là cao điểm du lịch, nên chỉ thấy lác đác vài chiếc xe điện lượn vòng chở khách đi tham quan. Nhưng du lịch ở đây cũng chưa thật sự bùng nổ, nên các quán xá bên cầu cảng còn xây tạm bợ, lao động phổ thông như bán vé số, bán kem, nước giải khát... còn nhiều.

Chính quyền địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ ở Hòn Đốc đón chào đoàn đại biểu TP.HCM. Ảnh: QUANG LIÊM

Chính quyền địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ ở Hòn Đốc đón chào đoàn đại biểu TP.HCM. Ảnh: QUANG LIÊM

Bà Trần Thị Cẩm Linh (53 tuổi, quê gốc Hà Tiên) đến sống ở Hòn Đốc từ nhỏ, đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của hòn đảo này, kể lại: "Ngày xưa, gia đình tôi đông con, đi đánh bắt hải sản, đi cào ốc và vá lưới mướn để có tiền ăn. Giờ thì kinh tế đỡ hơn rồi, đường sá xây mới, nhà cửa cũng khang trang, dân buôn bán cũng khấm khá hơn nhờ có khách du lịch. Nhưng đời sống cũng còn nhiều cái khó, nhất là cơ sở hạ tầng, vui chơi, giải trí không nhiều".

Hiện nay cư dân Hòn Đốc chủ yếu sinh sống bằng ngư nghiệp và dịch vụ. UBND xã Tiên Hải cho hay tổng giá trị sản xuất của địa phương trong 6 tháng năm 2023 đạt 215 tỉ đồng. Trong đó dịch vụ chiếm 30,2%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất là gần 68,2% và công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 1,6%. Đồng thời, tổng giá trị khai thác hải sản đạt 41 tỉ đồng, nuôi trồng đạt 105 tỉ đồng. Nhưng ngành du lịch ở địa phương chứng kiến lượt khách du lịch mới hơn 24.000 lượt, giảm gần 15% so với cùng kỳ.

Ở quần đảo Hải Tặc, hiện chỉ Hòn Đốc và Hòn Giang có đường giao thông, còn lại các đảo chủ yếu người dân đi lại qua đường mòn và tàu thuyền. Dẫu có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, tuy nhiên UBND xã Tiên Hải cũng nhận định rằng khó khăn mà địa phương đối mặt còn nhiều. Điển hình là ngành nghề đánh bắt hải sản có xu hướng sụt giảm vì nguồn lợi đang ngày càng cạn kiệt, dân không có điều kiện kinh tế để hoán cải tàu cá phục vụ đánh bắt xa bờ, giá xăng dầu tăng cao... Lĩnh vực kinh tế có phục hồi nhưng còn chậm, chưa kể là chậm xây dựng các công trình, cơ sở bổ trợ ngành du lịch.

Địa phương muốn đẩy mạnh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch ở hòn đảo này, có đề ra các giải pháp phát triển các mô hình mới về du lịch, kêu gọi đầu tư, quảng bá du lịch, triển khai đề án "khu ẩm thực đêm" và phương án khai thác bãi biển ở Bãi Bắc của Hòn Đốc.

"Tuyến đường hoa"

Đi về phía "Tuyến đường hoa" (tên gọi của mô hình xây dựng nông thôn mới của Hội liên hiệp phụ nữ tại địa phương) được chừng nửa đoạn thì bên cánh trái sẽ qua cột mốc chủ quyền do chính quyền VNCH xây. Đây cũng là địa điểm check-in của hầu hết du khách đến Hòn Đốc. Trên cột mốc này có nội dung: "Quần đảo Hải tặc (Archipel des Pigate). Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10°10'B, kinh tuyến 104°20'Đ. Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giong, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bờ Đập, hòn Đồi Mồi. Quần đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 26.7.1958 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam".

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại khu vực cầu cảng Hòn Đốc. Ảnh: LÊ HUỲNH

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại khu vực cầu cảng Hòn Đốc. Ảnh: LÊ HUỲNH

Dọc hai bên tuyến đường hoa ấy, dân xây nhà cấp bốn, một số nơi treo bảng cho thuê phòng theo kiểu homestay, rồi bán buôn nước uống, thực phẩm nhỏ lẻ. Chiếc xe máy tôi thuê bị chết máy khi leo dốc cao, người cho thuê xe bảo: "Cứ dựng đại bên đường, tí có người lấy, ở đây không cần lo trộm cướp gì".

Lãnh đạo đoàn công tác đi bộ lên Trạm ra đa 625. Ảnh: THU NGÂN

Lãnh đạo đoàn công tác đi bộ lên Trạm ra đa 625. Ảnh: THU NGÂN

Đi tầm 2 km đường dốc là tới Trạm ra đa 625, thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân. Đây là đơn vị đóng quân độc lập ở đảo này, nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm ra đa 625, cho hay cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các đơn vị bạn để quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời được phân công, cũng như làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, phòng chống cháy rừng...

TP.HCM tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo Hòn Đốc. Ảnh: THU NGÂN

TP.HCM tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo Hòn Đốc. Ảnh: THU NGÂN

Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo này, chiến sĩ trẻ Trần Duy Đạt, 20 tuổi (quê H.Rạch Giá, Kiên Giang), nói rằng mình yêu Hòn Đốc rất nhiều, yêu vì cái đẹp và yêu thêm vì biển, vì con người xứ sở này và vì tình dân quân gắn kết. Đạt nói cuối năm nay sẽ xuất ngũ, nhưng những gì học được ở đây sẽ theo anh và đổi thay cả cuộc đời.

Chàng trai này kể: "Tôi viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ. Đến nay tôi biết được rất nhiều điều, được trải nghiệm, huấn luyện. Tôi thấy mình ngày càng cứng cáp hơn và suy nghĩ chín chắn hơn. Thật ra lúc đầu tôi hơi nản; nhưng càng ngày bản thân càng thay đổi thành con người tốt hơn. Như chuyện ngày trước tôi tập tành thuốc lá, giờ đây biết nó xấu, chắc chắn không bao giờ hút nữa". (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.