Biển đảo Tây Nam: Nơi 'cuốn theo chiều gió'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sóng đập vào bờ đá, chưa bước lên đảo đã thấy các ngôi nhà được xây tạm bợ, bám vào hốc đá. Con đường bằng bậc thang dựng đứng giữa hai bên nhà, xẻ rừng nguyên sinh, nối gành (ghềnh) với đồi.

Đây là đảo Hòn Chuối, thuộc TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời (Cà Mau), cách đất liền gần 32 km về phía tây, diện tích chừng 7 km2. Hiện trên đảo chỉ có 1 tổ nhân dân tự quản với hơn 40 hộ dân và 130 nhân khẩu. Người dân mưu sinh chủ yếu bằng nghề nuôi cá bớp lồng bè, đánh bắt thủy hải sản và buôn bán nhỏ lẻ.

Người dân xây nhà bám vào vách đá ở Hòn Chuối. Mỗi năm người dân ở đây dời nhà 2 lần vì gió mùa. Ảnh: THU NGÂN

Người dân xây nhà bám vào vách đá ở Hòn Chuối. Mỗi năm người dân ở đây dời nhà 2 lần vì gió mùa. Ảnh: THU NGÂN

Trước đây, Hòn Chuối được biết đến là hòn đảo "5 không": không điện, không đường, không trường, không trạm và không nước sạch. Qua từng ngày, đời sống cư dân ngày một đi lên, đã có điện mặt trời, bồn chứa nước...; nhưng có một điểm không thay đổi: khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây có hai mùa gió rõ rệt: mùa gió đông bắc (mùa khô) bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nên tầm khoảng tháng 10, cư dân chuyển nhà từ gành Chướng sang gành Nam; và mùa gió tây nam (mùa mưa) bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9, nên khoảng tháng 5, cư dân lại chạy sang gành Chướng.

Người đất đảo vừa là cư dân, vừa là "chúa đảo". Bà Nguyễn Thị Thớm (80 tuổi, quê ở Cái Đôi Vàm, H.Phú Tân, Cà Mau) đã sống ở Hòn Chuối 50 năm, kể lại: "Lúc mới ra đảo, đất nước chưa thống nhất, chỉ lai rai vài nhà, dân ở tuốt trên đồi, đốn cây, lợp nhà tạm rồi trồng đậu, mía, mít, chuối... Khi thu hoạch, chất đồ làm rẫy lên chiếc ghe nhỏ, chở vô bờ bán, rồi từ bờ mình lại mua gạo chở ra. Khổ lắm, thiếu thốn đủ đường. Giờ đỡ hơn rồi".

Các đại biểu đoàn công tác chụp hình lưu niệm với các em học sinh ở Hòn Chuối. Ảnh: THU NGÂN

Các đại biểu đoàn công tác chụp hình lưu niệm với các em học sinh ở Hòn Chuối. Ảnh: THU NGÂN

Bà Thớm có 6 đứa con, 4 đứa ở đảo, còn 2 đứa đã vào trong bờ. Hỏi bà có ý định về bờ không, bà nói: "Không, giờ đây cuộc sống cũng ổn rồi".

Cũng ngót nghét 30 năm sống ở đảo Hòn Chuối, ông Lê Văn Phương, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, kể chuyện ngày trước ở đảo khan hiếm nước ngọt, cư dân vất vả đưa từng can nước chờ nước ngọt trong hang chảy ra... Ông bảo: "Giờ có nguồn nước, kinh tế cũng ổn định phần nào".

Ông Phương hiện là chủ nhiệm hợp tác xã của đảo Hòn Chuối, cùng cư dân nuôi lồng bè cá bớp. Cá sau khi thu hoạch xong sẽ được đưa về TT.Sông Đốc rồi vận chuyển đi TP.HCM hay các tỉnh lân cận để bán.

Ông đánh giá rằng nghề nuôi cá lồng bè giúp dân thu lợi cao, nhưng giờ đây cũng gặp không ít khó khăn về nguồn cá giống, giá cả thức ăn... "Trước đây hợp tác xã có 12 thành viên, nay chỉ còn 8 thành viên. Tôi mong nhà nước đầu tư, hỗ trợ cư dân Hòn Chuối nhiều hơn. Vả lại, có thể hỗ trợ dự án cho thanh niên khởi nghiệp ở vùng hải đảo. Đây là đảo thanh niên mà!", ông chia sẻ.

Hỏi có bao giờ thấy ở đảo khó khăn quá mà muốn vào bờ hay không, thì ông Phương lắc đầu: "Tôi có nhà cơ bản ở đây rồi. Ở đây yên tĩnh, an ninh cũng tốt. Dân cũng quen sống dời gành, ngày xưa mỗi lần dời là mỗi lần cất nhà, giờ ai cũng có 2 cái nhà cả".

Hỏi ông Phương có mong muốn gì cho đảo, ông nói ngay rằng muốn tới đời con, đời cháu ông có được cuộc sống, sự nghiệp tốt đẹp. "Chúng nó biết biển đảo, được nhìn trời xanh. Muốn vậy phải quyết tâm xây dựng đảo thanh niên theo định hướng ban đầu", ông nói.

Ở đảo Hòn Chuối có trẻ em, nhưng không có hệ thống trường cho trẻ học tập. Con đường bậc thang xẻ rừng dẫn lên đồi có Trạm ra đa 615. Trên đường đi chưa tới trạm ra đa, tôi thấy có một lớp học tình thương của Đồn biên phòng Hòn Chuối. Người dân nói tôi đã bước được hơn 300 bậc thang. Ngày nào những đứa trẻ ở đảo, từ lớp 1 đến lớp 7, đều vượt dốc cheo leo đến trường như vậy. Hỏi bất cứ đứa trẻ nào "con học ở đâu, thầy cô nào" thì chúng đều trả lời ngay: "Lớp học tình thương của thầy Phục".

Thầy Trần Bình Phục 14 năm dạy lớp học tình thương. Ảnh: THU NGÂN

Thầy Trần Bình Phục 14 năm dạy lớp học tình thương. Ảnh: THU NGÂN

Lớp học tình thương này ở Hòn Chuối đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của TT.Sông Đốc.

Cậu bé Nguyễn Tấn Lực hồn nhiên kể chuyện đi học vui vẻ ra sao, nhất là mỗi buổi sáng đến sớm gặp bạn bè, đợi thầy vào lớp. Còn em Nguyễn Thị Tuyết Nhi, học sinh lớp 7, tự hào nói mình từ nhỏ tới lớn đều học thầy Phục cả.

Thiếu tá Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Hòn Chuối, đã 14 năm đứng lớp, nói: "Lúc mới ra đảo, tôi thấy những đứa nhỏ không được học hành, không biết đọc, biết viết gì cả. Tôi mới xin lãnh đạo cho tôi dạy mấy đứa chừng 1 tháng, nếu không được thì thôi, cuối cùng gắn với lớp tới bây giờ".

14 năm, nhiều lần thầy Phục được gọi điều chuyển công tác nhưng thầy đều xin ở lại. Hỏi lý do lớn nhất khiến thầy kiên trì chuyện dạy học, thầy Phục bảo: "Nói hai từ thôi: tình thương. Các em thiếu thốn quá, đi đâu công tác cũng vậy, tôi xin các anh thôi thì cho tôi công tác ở đây. Dạy quen, tôi mến tay mến chân với mấy đứa, người dân cũng thương mình bằng tình cảm đặc biệt".

Người thầy mang quân hàm xanh cũng rất tự hào khi nói các lứa theo học tới nay, có đứa đã tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm và đặc biệt là đến nay, không học trò Hòn Chuối nào sa vào tệ nạn xã hội. Nhưng thầy Phục cũng rất khiêm tốn: "Ở đây có một lớp học gồm nhiều cấp lớp. Nói dạy, chứ ban đầu là tôi dạy đại, tôi chưa bao giờ đứng bục giảng cầm viên phấn nên khi nhận nhiệm vụ, đêm nào cũng cứ nói một mình, tập dần. Tôi cũng soạn giáo án, học hỏi các thầy cô giáo đất liền rồi tìm tòi, cố gắng để lên lớp sao cho các em hiểu kiến thức căn bản nhất để vào đất liền học tiếp sẽ không hụt hẫng".

"Trong quá trình giảng dạy, thầy gặp khó khăn gì không?", tôi hỏi. Thầy Phục nói: "Khó khăn thì có rất nhiều, về gia đình, cuộc sống, hoàn cảnh. Nhưng tôi là người lính, biết vượt qua cái khó để sắp xếp ổn thỏa và hoàn thành nhiệm vụ. Đối với tôi, dạy học là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị. Mà hai chữ nhiệm vụ khi đặt trên vai người lính là điều rất thiêng liêng. Tôi có tâm nguyện ở đây tới về hưu, nếu về hưu có điều kiện thì tôi xin cất nhà ở ngoài đây luôn".

"Gia đình thầy có ủng hộ việc thầy làm không?", tôi hỏi tiếp. Thầy Phục đáp: "Bà xã tôi là dược sĩ, tôi có hai đứa con, đứa lớn đang học đại học, đứa nhỏ mới học mẫu giáo, lúc về thăm nhà là đứa nhỏ quấn lắm, khi trở lại đảo tôi phải lén đi. Vợ con cũng quen với việc tôi đi nhiều rồi, tôi cũng thường điện thoại về nhà".

(còn tiếp)

Đoàn công tác TP.HCM cũng đến thăm, tặng quà cho các hộ nghèo và các đơn vị đóng quân tại đảo Hòn Chuối như Trạm ra đa 615 (Trung đoàn 551), Đồn biên phòng 704, trạm hải đăng... Người dân ở đảo cho biết tình quân dân như cá với nước, các đơn vị giúp dọn dẹp vệ sinh quanh đảo, giúp đỡ dân vận chuyển đồ đạc khi chuyển gành.

Đại úy Phùng Sỹ Chương, Trưởng trạm ra đa 615, cho biết đơn vị đang duy trì 2 mô hình dân vận: "Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương" và mô hình "Giọt nước nghĩa tình", trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023 đã hỗ trợ các gia đình khó khăn hơn 400 kg gạo và 50 m3 nước ngọt.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.