Biển đảo Tây Nam: Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đúng theo lịch trình của đoàn công tác TP.HCM tại vùng biển Tây Nam, ngày 18.9, tàu KN-290 thả neo.

Từ 5 giờ 30, các tổ công tác của tàu đã vận chuyển những phần quà lên nhà giàn DK1/10. Đúng 6 giờ, có mặt ở phía mạn tàu, tôi đã thấy trước mặt hình ảnh nhà giàn DK1/10 sừng sững giữa biển khơi. Biển hôm ấy khá êm.

Vì nhà giàn nhỏ, nên các đại biểu chia thành từng nhóm để di chuyển. Tiếp lãnh đạo đoàn công tác, thiếu tá Lâm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, cho hay nhà giàn được xây dựng vào năm 1994, nằm trên vùng biển thuộc Bãi cạn Cà Mau, cách Cà Mau 66 hải lý (hơn 118 km).

Vận chuyển quà lên nhà giàn DK1/10. Ảnh: CHÂU TUẤN

Vận chuyển quà lên nhà giàn DK1/10. Ảnh: CHÂU TUẤN

DK1 là ký hiệu chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là DK2. Theo thiếu tá Hiến, đơn vị đóng quân độc lập, xa đất liền; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, nhất là thời điểm cuối năm. Mùa khô, nước dự trữ ít vì nhà giàn nhỏ. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị luôn đoàn kết, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám trụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Chiến sĩ Nguyễn Tấn Đạt thực hiện nghĩa vụ quân sự tại nhà giàn DK1/10. Ảnh: THU NGÂN

Chiến sĩ Nguyễn Tấn Đạt thực hiện nghĩa vụ quân sự tại nhà giàn DK1/10. Ảnh: THU NGÂN

Anh Phạm Văn Sinh, Chính trị viên nhà giàn DK1/10, chia sẻ rất xúc động khi nghe tin có đoàn TP.HCM đến thăm. "Đoàn đã vượt một quãng đường rất xa để đến nhà giàn, tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của chính quyền và nhân dân TP.HCM dành cho anh em đơn vị", anh Sinh nói và cho biết thêm, dù còn nhiều khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị đoàn kết tốt, sống với nhau như anh em một nhà, nâng đỡ tinh thần, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hỏi có nhắn gửi gì với nhân dân đất liền không thì anh Sinh dõng dạc: "Chúng tôi ở đây xa đất liền, xa tình cảm gia đình nhưng là đang ở tuyến đầu của Tổ quốc. Tôi chỉ muốn nói với nhân dân là bao giờ chúng tôi còn ở nhà giàn thì sẽ quyết tâm giữ nhà giàn, sẵn sàng và chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo".

Đại biểu di chuyển lên nhà giàn DK1/10. Ảnh: CHÂU TUẤN

Đại biểu di chuyển lên nhà giàn DK1/10. Ảnh: CHÂU TUẤN

Các chiến sĩ trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đây cũng được truyền lửa bản lĩnh kiên cường. Chiến sĩ Nguyễn Tấn Đạt (20 tuổi, quê TP.HCM) kể rằng gia đình rất ủng hộ và yên tâm khi Đạt nhận tin trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại đây, Đạt đã tìm hiểu về văn hóa nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK và truyền thống hải quân. "Khi đến đây, ban đầu tôi vẫn chưa quen với thời tiết, sóng to, tối ngủ nghe gió thổi mà run, nhưng được huấn luyện nên tôi ngày càng khỏe hơn. Thời gian công tác ở đây tôi được học, được rèn thêm về tính cách, nền nếp sống, chuyên ngành, cảm thấy mình được dạy dỗ cứng cáp hơn", Đạt nói.

Hỏi hoạt động nào khiến Đạt nhớ hoài thì chiến sĩ trẻ nói ngay là cứu hộ cứu nạn ngư dân. "Cách đây vài tháng, có ngư dân bị đứt ngón tay, phải lên nhà giàn sơ cứu. Được tham gia hỗ trợ sơ cứu, tôi tự hào vì được đóng góp giúp đỡ ngư dân ra khơi bám biển", Đạt kể.

Hỏi có nhớ nhà không, Đạt cười: "Có chứ, nhưng mà lớn rồi, tôi cũng được tạo điều kiện thường xuyên liên lạc với mẹ. Tôi cũng muốn nhắn nhủ là mẹ giữ sức khỏe, con mới yên tâm đứng ở tuyến đầu Tổ quốc".

Trung úy Hoàng Văn Tài (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) là nhân viên quân y của nhà giàn DK1/10. Phát biểu ý kiến với đoàn công tác TP.HCM, anh nói: "Tôi bên Quân khu 7 tăng cường qua nhà giàn DK1/10. Sau một thời gian công tác, tôi cảm thấy tình yêu quê hương biển đảo của mình rất dồi dào, muốn tiếp tục góp phần công sức cho đơn vị, muốn được cống hiến cho Vùng 2 Hải quân thêm một vài năm".

Trung úy Hoàng Văn Tài, nhân viên quân y, mong muốn được cống hiến thêm tại nhà giàn DK1/10. Ảnh: THU NGÂN

Trung úy Hoàng Văn Tài, nhân viên quân y, mong muốn được cống hiến thêm tại nhà giàn DK1/10. Ảnh: THU NGÂN

Hỏi ra mới biết anh Tài trước đây công tác ở Sư đoàn 5 (tỉnh Tây Ninh), mới cưới vợ được 27 ngày thì nhận nhiệm vụ đi tăng cường ở Vùng 2 Hải quân, đến nhà giàn DK1/10.

"Ban đầu nhận quyết định thì có buồn, vợ cũng khóc nhiều, thấy thương vợ vì mới cưới, hai vợ chồng cũng chưa đi được đâu. Nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ, tôi cũng động viên vợ cố gắng, vì là vợ bộ đội mà. Khi ra nhà giàn, tôi được thủ trưởng tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên, được sơ cứu, giúp đỡ cho ngư dân và tôi thấy tình yêu biển đảo của mình nhiều lắm, nên tôi quyết tâm cống hiến một thời gian", anh Tài chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến cho biết, chuyến đi thăm biển đảo Tây Nam và nhà giàn DK1/10 là chuyến đi đầy ý nghĩa. Mỗi điểm đến, đối với đại biểu đoàn công tác đều là sự náo nức, phấn khởi, khi được đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM gửi gắm tình cảm tới cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nơi rất xa của Tổ quốc.

Nhà giàn DK1/10 hiên ngang giữa biển khơi. Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhà giàn DK1/10 hiên ngang giữa biển khơi. Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo bà Yến, giữa đại dương mênh mông, nhà giàn chỉ là một điểm nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng, như vành đai thép bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ sống trong điều kiện thiếu thốn về mặt lương thực, nước sinh hoạt, nhưng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

"Phần lớn các đại biểu của đoàn công tác chỉ biết nhà giàn qua tranh ảnh, tư liệu... hay các giai điệu như: "Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/Chông chênh mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...". Nhưng trăm nghe không bằng một thấy. Thay mặt đoàn công tác, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất của TP.HCM đến với cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn DK1/10 vì đã luôn cố gắng giữ vững hòa bình để nhân dân đất liền được an tâm lao động, học tập, cống hiến", bà Yến phát biểu.

Tại đơn vị, trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân, cũng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà cán bộ, chiến sĩ công tác tại nhà giàn DK1/10 đạt được trong thời gian qua. Trung tướng Nguyễn Văn Bổng cũng đề nghị lãnh đạo Vùng 2 và Vùng 5 Hải quân đảm bảo nước đủ dùng cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, đề nghị đơn vị bảo đảm chế độ sinh hoạt, gương mẫu tổ chức các hoạt động nâng cao sức khỏe, thu nạp thêm tri thức, kỹ năng.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.