Bí mật về 3 biên đội trực thăng bay diễu hành tại Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

3 biên đội máy bay trực thăng xếp hình mũi tên bay treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành qua lễ đài và trên đường phố với thời gian 45 phút.

Trong diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sư đoàn 371 của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là đơn vị chủ lực tổ chức 3 biên đội máy bay trực thăng xếp hình mũi tên bay treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành qua lễ đài và trên đường phố với thời gian 45 phút. Đây là công việc không hề đơn giản đối với phi công trực thăng...

1. Chưa tới 6 giờ sáng, khi mặt đất ở sân bay Mường Thanh còn bao phủ hơi sương mịt mù, những thợ kỹ thuật bảo đảm hàng không của Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371) đã hành quân đến nơi đỗ của những chiếc trực thăng Mi trên đường băng nhỏ hẹp.

Công việc của kíp thợ là cẩn thận kiểm tra tình trạng kỹ thuật cả bên trong và bên ngoài máy bay. Đây là công việc bắt buộc cho dù ngày hôm trước họ đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng sau khi máy bay hạ cánh. Chừng hơn nửa giờ sau, những chiếc xe téc chở dầu tiến vào để nạp nhiên liệu cho máy bay.

Khi xe nạp nhiên liệu rời đường băng, tiếng động cơ nổ ròn, tiếng cánh quạt trực thăng rít gió. Cả một vùng rộng lớn bằng phẳng trên Cảng hàng không Điện Biên sôi động bởi tiếng động cơ của hơn 10 chiếc trực thăng gầm gào.

6 giờ 50 phút, chiếc xe chở phi công đến đường băng. Những bóng áo xanh da trời nhanh chóng tiếp quản máy bay và họ tiến hành công tác kiểm tra lần cuối và ký nhận bàn giao.

Công tác chuẩn bị, giao nhiệm vụ trước khi huấn luyện bay. Ảnh: Minh Lê.

Công tác chuẩn bị, giao nhiệm vụ trước khi huấn luyện bay. Ảnh: Minh Lê.

Đúng 7 giờ, Đại tá Đỗ Viết Hưng, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 371, nguyên Chính ủy Trung đoàn 916 cho máy bay số 1 rời đường băng và cất cánh. Dây treo quả nặng 120kg từ từ dài ra. Khi máy bay cách mặt đất hơn 3m thì từ bụng máy bay, lá cờ búa liềm cũng dần bung ra. Phi công đưa máy bay đến độ cao chuẩn rồi treo trên không. Lúc này, sợi dây cáp dài 8m được quả nặng phía dưới kéo căng và lá cờ có kích thước 5,4x3,6m bay trong gió.

Nhiệm vụ của phi công Đỗ Viết Hưng là bay làm chuẩn cho cả đội hình. Thế nên, việc giữ tốc độ, độ cao khi bay qua khán đài và di chuyển trên các tuyến phố chính với anh là rất quan trọng. Tiếp đó, các máy bay khác cũng cất cánh và sắp hình mũi tên trên không, mỗi chiếc cách nhau khoảng 30-50m. Khi đội hình đã được sắp đặt như ý định, từ đài chỉ huy K4, Đại tá Tạ Mộng Vũ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 truyền lệnh qua thiết bị thông tin, Đại tá Đỗ Viết Hưng cho máy bay của mình tiến. Vài giây sau, các máy bay khác ở phía sau cũng tiến theo.

Những chiếc máy bay trong đội hình cứ xa dần đến khi chúng vượt khỏi tầm mắt quan sát của tôi, lẫn vào trong mây trắng đục. Đã mấy lần xem các phi công của Trung đoàn 916 huấn luyện bay treo cờ, chào mừng Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam hồi cuối năm 2022 ở sân bay Hòa Lạc, tôi thấy họ sếp máy bay trên mặt đất và cất hạ cánh gần như đồng thời. Còn ở đây, họ phải thực hiện cất cánh từng chiếc một.

Nghe tôi hỏi lý do, Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 cho biết, do đường băng ở sân bay Mường Thanh hẹp, ngắn trong khi đội hình bay biểu diễn có tới 11 chiếc, gấp gần 2 lần so với bay biểu diễn chào mừng Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 nên buộc phải thực hiện cất, hạ cánh từng chiếc. Còn theo chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó chính ủy Trung đoàn 916, phi công bay chiếc số 4 của Biên đội 2, bay treo cờ diễu hành trên bầu trời thành phố Điện Biên Phủ rất khó khăn vì khí tượng nhiều sương mù, gió lớn, đường bay dích dắc, nên đòi hỏi các phi công phải tập trung cao độ trong điều khiển phương tiện nên mới giữ được tốc độ, độ cao ổn định.

Trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng cho biết, dù đã có hơn 1.800 giờ bay trên khắp vùng trời Tổ quốc, đã thực hiện các nhiệm vụ từ giản đơn đến phức tạp, nhưng khi bay diễu hành ở bầu trời lòng chảo, phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ anh cũng không thể chủ quan. Tất cả các thành viên được lựa chọn trong đó có cả các phi công trực thăng từ Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) và Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) lần đầu tham dự cũng phải tập trung cao độ, hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ trong vận hành máy bay. Họ bay lên Điện Biên Phủ từ ngày 19/4. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho ngày đại lễ, anh em liên tục huấn luyện, hợp luyện để có màn biểu diễn hoàn hảo nhất.

Biên đội trực thăng bay trên bầu trời Điện Biên tại lễ diễu binh, diễu hành sáng 7/5/2024.

Biên đội trực thăng bay trên bầu trời Điện Biên tại lễ diễu binh, diễu hành sáng 7/5/2024.

2. Cách đây hơn một tháng, khi biết tin Trung đoàn 916 bắt đầu hợp đội huấn luyện tôi đã lên sân bay Hòa Lạc. Lúc gặp các phi công từ các đơn vị khác được điều đến tham gia thực hiện nhiệm vụ, tôi thấy họ có chút băn khoăn và hơi căng thẳng. Cũng phải thôi, lần đầu thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà lại là tâm điểm để truyền thông, dư luận cả nước chú ý thì việc xuất hiện tâm lý ấy ở họ là đương nhiên.

Thế nhưng, sau thời gian hợp luyện, gặp họ ở Cảng hàng không Điện Biên, tôi cảm nhận được ở họ tràn đầy sự lạc quan. Thiếu tá Nguyễn Xuân Chinh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, phi công bay trong đội hình cho biết, sau khi hoàn thành nội dung huấn luyện kéo dài 1 giờ 45 phút trên bầu trời lòng chảo, việc điều khiển máy bay trực thăng "duyệt đội ngũ" trên không đã nhuần nhuyễn. Chinh rất tự tin với kỹ năng của mình.

Trong lịch sử, bay trên không mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, diễu hành trong sự kiện kỷ niệm lớn là nội dung chưa có trong giáo trình, tài liệu huấn luyện trực thăng. Trước đây, Trung đoàn 916 đã từng được giao nhiệm vụ bay chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010) và chào mừng Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam hồi cuối năm 2022 nên kinh nghiệm tổ chức khá phong phú. Tuy nhiên, số trực thăng tham gia ở hai sự kiện trên còn hạn chế. Lần này, cả lực lượng và phương tiện dự bị, Trung đoàn 916 đưa lên Điện Biên 12 chiếc máy bay trực thăng, bao gồm cả làm nhiệm vụ chính thức, dự bị và cứu hộ. Theo hiệp đồng, đội hình sẽ bay qua lễ đài trước khi diễu duyệt dưới mặt đất rồi bay trên tuyến đường chính của TP Điện Biên Phủ tới 45 phút.

Để bảo đảm cho nhiệm vụ này, từ hơn hai tháng trước, Sư đoàn 371 đã nhanh chóng làm công tác chuẩn bị. Tại Điện Biên, các lực lượng chức năng của Sư đoàn 371 đã xây dựng nhà bạt và các công trình dã chiến. Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Sư đoàn trưởng và Đại tá Nguyễn Như Khoát, Chính ủy Sư đoàn 371 cho biết, nhiệm vụ lần này được xem như một cuộc diễn tập, là dịp kiểm chứng chất lượng huấn luyện và sức mạnh của sư đoàn trong hiệp đông. Với tính chất quan trọng đó, trong thời gian qua, các anh đã thường xuyên thay nhau trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra các công việc, nhất là bảo đảm quân y, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ăn cho các phi công cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ.

Lái máy bay trực thăng quân sự là việc không hề dễ dàng. Ngoài tố chất sức khỏe và quá trình rèn luyện công phu thì mỗi phi công phải có bản lĩnh cực kỳ vững vàng. Công việc của một phi công trực thăng không hề đơn giản, thậm chí vô cùng phức tạp bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố thường xuyên thách thức đối với phi công trực thăng rõ ràng nhất là gió trời. Nếu như thủy thủ mong được điều khiển tàu thuận chiều gió, thậm chí ngay cả vận động viên xe đạp cũng mong đi thuận gió để đạt tốc độ, đỡ tốn sức thì những phi công lái trực thăng lại mong được đi ngược gió. Bởi khi ngược gió, phi công lái trực thăng sẽ thăng bằng và bay ổn định hơn. Nếu bay ở độ cao thấp 500m xuôi chiều gió và bị tác động mạnh bởi gió cạnh thì khả năng giữ thăng bằng và ổn định đường bay sẽ khó hơn nhiều lần. Điều này được thể hiện rất rõ khi bay và hạ cánh, nhất là hạ cánh trên mặt boong tàu hải quân.

Còn ở Điện Biên Phủ, ngoài những khó khăn trong điều khiển máy bay từ gió, thì phi công còn phải khắc phục khó khăn về đường bay hình dích dắc. Hơn nữa, khi treo cờ ở dưới bụng, nếu gặp gió lớn, lực cản nhiều, quả nặng bị lái lệch một góc sẽ khiến cho dây cáp bị lệch, cờ ở dưới bụng máy bay sẽ không thẳng, không ngay ngắn. Lúc đó, từ mặt đất nhìn lên sẽ không đẹp, mất đi tính trang nghiêm. Thế nên, đi ở tốc độ nào để đạt được tính thẩm mỹ và bảo đảm tính trang nghiêm cho lá cờ là cả câu chuyện dài mà các phi công trực thăng coi như bí kíp không dễ tiết lộ.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.