Bệnh cúm và cách điều trị... lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy hôm nay, trên các phương tiện truyền thông thường xuyên có thông tin cảnh báo tình hình bệnh cúm mùa và hướng dẫn cách phòng tránh.

Tôi chợt nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, lúc ở căn cứ, mỗi khi đến “mùa cúm”, các anh chị y tá của cơ quan thường yêu cầu chúng tôi phòng bệnh cúm bằng một cách rất đơn giản mà cũng rất khó chịu nhưng cũng có hiệu quả.

ve-tham-khu-di-tich-lich-su-cach-mang-krong-kbang.jpg
Du khách thăm khu căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.M.P

Ngày đó ở rừng, mỗi khi chuyển mùa vẫn thường nhiều bệnh phát sinh, phát triển. Trong đó, cảm cúm là một trong những loại bệnh khó chịu, dây dưa nhất. Có câu nói mà chúng tôi thuộc nằm lòng để tự biết mình đã mắc phải bệnh cúm chưa, ấy là: “đầu đau như búa bổ, mũi đổ như vỡ đê, nước mắt tràn trề, ấy là bệnh cúm”. Cho nên, các anh chị em y tá có cách phòng bệnh kiểu dân gian là dùng cồn 90 độ ngâm với tỏi giã nhỏ, dùng “banh” y tế kẹp bông vô trùng, nhúng với dung dịch tỏi ngâm, trước giờ ngủ hàng ngày, y tá đến tận đầu võng của các cán bộ, chiến sĩ... bắt buộc nhét cục bông ngâm chất tỏi cồn vào mũi. Ôi thôi, người người sặc sụa ho, hắt hơi như... pháo nổ. Người nào có ý bất tuân, các chị em y tá đứng cạnh đầu võng canh cho đến khi “ngoan ngoãn” làm theo mới thôi.

Thế mà, nhiều người vượt qua mùa cúm, đảm bảo sức khỏe để công tác, lao động sản xuất. Ở đơn vị chúng tôi, y tá Trần Thị Khanh, người dong dỏng, da trắng mịn, tóc dài búi cao, chuyên mặc những bộ đồ bà ba đen cổ kiềng eo chít dọc, túi dụng cụ, thuốc men có in dấu chữ thập đỏ to, đậm lúc nào cũng canh cánh bên mình.

Và đôi khi, chị “dọa” những chàng lính trẻ bằng các dụng cụ như băng bông, banh kéo, xi lanh: “Không chịu khó nghe lời chị, tự vệ sinh phòng bệnh, đổ bệnh ốm đau thì sẽ biết thế nào là chị Khanh y tá nhé các em!”.

Ở đơn vị, anh Nhàn quanh năm ốm vặt, mùa cúm tất nhiên anh là người không tránh khỏi. Một lần, chị Khanh đi kiếm lá rừng về nấu lên, bắt anh Nhàn cởi hết quần áo ngoài, ngồi cạnh nồi nước lá vừa từ bếp bê ra còn nghe sôi sùng sục, tỏa hương thơm, lấy chăn trùm kín người anh Nhàn, rồi lấy que củi khuấy nồi nước lá, hơi bốc lên ngùn ngụt. Thấy vậy, anh Nhàn vùng đứng lên, chưa kịp bỏ chạy, chị Khanh ngồi bên cạnh đã kịp dùng 2 tay nhấn mạnh 2 vai để cho anh ngồi xuống. Trong chăn mặc cho anh vùng vẫy, chị Khanh vẫn không tha.

Xong việc “trùm chăn”, tới lúc xoa cao sao vàng cạo gió, uống thuốc cảm còn “gian nan” hơn. Anh Nhàn luôn miệng xin miễn xoa dầu, cạo gió. Mấy ngày sau khi cúm đã lùi xa anh, chị Khanh lại tiếp tục điều trị các bệnh của anh Nhàn mà chị đã phát hiện như ghẻ, vảy nến...

Cục TNT chị cho vào lon sữa rỗng đun lên, chất thuốc nổ cực mạnh này tan chảy, khi nguội thì đóng cục lại, chị dùng dao cạo ra thành bột. Sau khi bắt anh Nhàn tắm nước lá do chị nấu, kỳ cọ kỹ càng, chị Khanh dùng banh kẹp bông y tế tẩm chất bột TNT đã “chế biến” bôi vào các vết thương trên da, anh Nhàn người co rúm lại, không kìm được nước mắt rơi với những tiếng rên ư ử. Đám lính trẻ chúng tôi vây quanh cười vang cả một khu rừng. Hai ngày chị Khanh y tá lại 1 lần điều trị theo “phác đồ” của chị. Một tuần sau, bệnh của anh Nhàn đã khỏi hoàn toàn.

Bệnh cúm mùa, bệnh ngoài da cứ đến “mùa” nếu không phòng và trị kịp thời có thể lây lan nhiều người, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác, chiến đấu, lao động sản xuất của đơn vị. Vì vậy, các anh chị y tá thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ vệ sinh phòng bệnh.

Huyện đội K8 có anh Bảy là y sĩ và chị Khanh là y tá. Những căn bệnh thông thường được các anh chị chữa trị tại đơn vị, người bị thương hoặc các bệnh nhân nặng các anh chị chuyển lên tuyến trên. Đó là Trạm xá K7, có bác sĩ và thuốc men khá đầy đủ, điều kiện vật chất cũng đảm bảo hơn, người bệnh cũng yên tâm điều trị.

Nhắc nhớ lại “chuyện ngày xưa” cũng như là một lời tri ân các thế hệ cha anh đã một thời gian khổ, ác liệt, sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, quên mình dâng hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc. Và trong tháng 2 này có một ngày đáng nhớ là Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), lại càng không thể quên ơn họ đã chăm sóc sức khỏe, chữa lành bệnh tật cho chúng tôi ngày xưa.

Có thể bạn quan tâm

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo tình hình bệnh cúm trong tuần đầu tháng 2 cao hơn hoặc tương đương với thời điểm cao nhất của mùa cúm và số ca nhập viện cũng như tử vong đều tăng.

Thảo dược trị cảm cúm

Thảo dược trị cảm cúm

Trong y học cổ truyền, nhiều loại thảo dược có tính ấm, giúp kháng khuẩn, kháng vi rút, và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị cảm cúm. Dưới đây là một số thảo dược phổ biến và cách sử dụng.

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

(GLO)- Chỉ từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại. Số lượt người đến tiêm phòng vắc xin dại cũng tăng cao do người dân lo ngại ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng, vì vậy, chủ động tiêm phòng vắc xin dại khi chẳng may bị chó mèo cào, cắn.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.