Bên dòng Đăk Kôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nằm trên triền đồi thấp bên sông Đăk Kôi đoạn chảy qua xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy, Kon Tum), làng Kon Vi Vàng (thôn 5) là một trong số ít khu dân cư trong tỉnh cùng lúc còn sử dụng hai cầu treo - một kiên cố, hiện đại và một đơn sơ, truyền thống, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, mà còn mang lại nét đẹp riêng về cảnh quan, môi trường tự nhiên.

Đều bắc qua sông Đăk Kôi ở đoạn có dòng chảy khá rộng, song cầu treo kiên cố ở đầu làng Kon Vi Vàng xây dựng vào năm 2018, được xem là “huyết mạch” chính, đem đến sự khởi sắc đáng kể cho ngôi làng nhỏ, khiêm nhường bên tuyến Tỉnh lộ 677 - từ Đăk Ruồng vào xã vùng sâu Đăk Kôi. Trong khi đó, chiếc cầu treo bằng cây nhỏ, gỗ ván thì nằm ở cuối làng. Tuy đơn sơ và đã cũ, song nó lại gần gũi với bà con trong những khi cần sang bên kia bờ.

Không hẹn trước nên lần đầu đến Kon Vi Vàng, những người khách lạ đều hơi chút ngỡ ngàng xen lẫn thích thú. Đang mùa mưa, nước sông lặng lẽ cuộn chảy. Trên những khoảnh đồng hẹp ngoài bìa làng, lúa đã gặt xong, đất đang chờ vụ mới. Cuối chiều, lũ trẻ tập trung nhảy dây, đá bóng nơi bãi trống trước nhà rông. Tiếng loa phát ra từ một gia đình đang vui trong buổi mừng nhà mới như mời gọi mọi người. Trong căn nhà cấp 4 gọn ghẽ, ông A Rủi chăm chú tháo lắp, thay lại chiếc bóng điện cũ. “Ngày trước, có biết gì đâu! Từ khi làng có điện thì tự học hỏi để có thể tự làm, khỏi phải trông chờ vào ai!” - ông Rủi cởi mở. Được biết, không chỉ chủ động cho nhà mình, ông còn sẵn lòng giúp các gia đình hàng xóm dùng điện thuận tiện.


 

Làng Kon Vi Vàng bên dòng Đăk Kôi. Ảnh: TN
Làng Kon Vi Vàng bên dòng Đăk Kôi. Ảnh: TN


Là 1 trong số 8 thôn làng của xã Đăk Tơ Lung, Kon Vi Vàng có 63 hộ với 224 khẩu. Địa hình đồi núi chia cắt khá phức tạp xen lẫn các phần thung trũng rải rác được khai thác, tận dụng để sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mỗi hộ từ 1-2 ha đến 3-4 ha, nhưng ruộng nước thì mỗi nhà chỉ một vài sào.

Những năm qua, nỗ lực xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa đến các thôn làng đồng bào DTTS của huyện Kon Rẫy, trong đó có Kon Vi Vàng. Ổn định canh tác để có thu nhập chính từ cây mì, lúa gắn với sinh hoạt hợp lý, chi tiêu tiết kiệm, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo.

Ở một góc độ nhất định, nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ, phát huy trong đời sống cộng đồng. Theo Trưởng thôn A Ngõa, các bậc cao niên và người có uy tín như già  A Chia, A Ly Ka, A Biêu luôn đi đầu tổ chức hoạt động văn hóa dân gian, truyền dạy cồng chiêng cho lớp con cháu. “Chủ trì ” chỉ dẫn tập luyện các điệu xoang là các cô, các chị nhiệt huyết như Y Luông, Y Leo, Y Hla, Y Trường. Tuy trong làng chỉ còn hai hộ (A Lía, Y Khê) lưu giữ được đủ bộ cồng chiêng truyền thống, song luôn sẵn sàng chia sẻ để bà con sử dụng chung trong cộng đồng. Được sự tạo điều kiện của một hợp tác xã trên địa bàn xã, gần đây, đại diện bà con Kon Vi Vàng đã được tham quan, học hỏi kinh nghiệm và giới thiệu nét đẹp văn hóa của người Tơ Đrá tại bảo tàng Thành cổ Quảng Ngãi.


 

Tập kết lúa thu hoạch về làng. Ảnh: T.N
Tập kết lúa thu hoạch về làng. Ảnh: T.N


Đến nay, cả làng đã ổn định diện tích trên 120ha gieo trồng, song chủ yếu vẫn là rẫy trồng mì, lúa khô. Không riêng lúa nước, mà diện tích cây công nghiệp (cao su, cà phê) còn khiêm tốn, nhỏ lẻ, thậm chí manh mún; nhiều diện tích ở xa, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Chương trình trồng cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo, bạch đàn) có bước khởi động, song chưa thực sự tạo chuyển biến rõ nét trong cộng đồng dân cư. Đến nay, làng Kon Vi Vàng đã giảm hộ nghèo xuống còn hơn 10%, song tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao với gần 50% tổng số hộ.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững”, thời gian tới, song song với trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho dân làng, thì bảo tồn và thực sự phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng vẫn chính là quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước thực trạng nhà rông Kon Vi Vàng bị hư hỏng, xuống cấp, ông Đào Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung, cho biết: Trong kế hoạch năm tới, xã bố trí kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới để tu bổ hoàn chỉnh.  

Theo Thanh Như (baokontum)

 

https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/ben-dong-dak-koi-26716.html

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...
Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.
Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.