Bên con suối chảy giữa lòng Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ tầng cao nhất của Khách sạn Highlight House nhìn xuống hàng trăm bóng điện sáng chiếu rõ 2 dãy phố mới hình thành dọc theo suối Hội Phú của phường Phù Đổng và phường Hội Thương, tôi cố hình dung nơi đây từng là xóm nghèo tù mù đèn dầu của Phố núi Pleiku thuở trước. 
Từ xóm nghèo
Trong ngôi nhà cấp 4 thấp tè được xây dựng từ trước ngày giải phóng, ông Lương Văn Bình-nguyên Phó Chủ tịch HĐND phường Phù Đổng kể cho tôi nghe quá khứ của vùng đất sát dòng suối Hội Phú. “Gia đình tôi chuyển về đây ở từ năm 1965. Khi ấy, vùng này còn hoang vắng lắm. Ngoài khu gia binh của chế độ cũ đổ nát thì có vài ngôi nhà tranh của dân tứ xứ đổ về đây trú ngụ. Thời đó, con suối Hội Phú chảy qua đoạn này lọt thỏm trong những thửa ruộng của một ông già tên Khánh ở phường Hội Thương”-ông Bình nhớ lại.
Sau khi nhoài người đóng cánh cửa sổ che ánh nắng gắt giữa buổi chiều chiếu thẳng vào bộ bàn ghế cũ nơi chúng tôi đang ngồi, ông Bình kể tiếp: “Ngày ấy, đang thời chiến, dân nơi đây trong cảnh nghèo đói, túng quẫn tứ bề. Bố mẹ phải chạy vạy, làm mướn khắp nơi để có lương thực nuôi chúng tôi. Đêm đến, cả vùng vắng lặng, chỉ toàn tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài ruộng, đom đóm lập lòe như ma trơi. Mùi hôi thối từ các bãi rác trên bờ và nước thải xả thẳng vào suối Hội Phú theo gió xộc đến gây khó thở. Gió thổi bụi bay mù mịt vào nhà dân”.
Những ngôi nhà khang trang bên suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Hoành Sơn
Những ngôi nhà khang trang bên suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Hoành Sơn
Ông Lê Xuân Trình-Phó Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Phù Đổng) thoáng rùng mình khi nhắc về giai đoạn mà gia đình phải dựng nhà ở cách suối Hội Phú chưa đầy 100 m. Chuyện là năm 1986, gia đình ông chuyển từ miền Trung vào Gia Lai lập nghiệp. Với số tiền ít ỏi trong tay, gia đình đành ngậm ngùi mua 1.000 m2 đất ở gần suối Hội Phú để sinh sống.
“Thời đó, vùng này như bãi hoang. Chỉ có dân lao động chân tay tứ xứ đổ về mưu sinh mới xuống đây mua đất ở thôi. Nhà tôi cũng không ngoại lệ. Khi đó, tôi mua hàng ở phố rồi chở về huyện bán lại, không mua đất đây thì biết mua đâu. Dựng nhà ở đây mới thấy hết nỗi khổ vì mùi hôi thối từ suối Hội Phú. Nước suối đen kịt, hôi hám và xung quanh toàn lau lách, tôi cấm con cái xuống đó chơi”-ông Trình bùi ngùi.
Trong những ngày lang thang dọc theo 2 dải đất ở gần suối Hội Phú, đoạn tiếp giáp với đường Hùng Vương đến đoạn giáp đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa phận 3 phường: Hoa Lư, Phù Đổng và Hội Thương, tôi còn được nhiều hộ dân nơi đây kể về cuộc sống khốn khó buổi đầu bám trụ mưu sinh khi dòng suối ô nhiễm trầm trọng.
Ấy là chuyện có người vì mưu sinh mà lội suối bắt ốc, hái rau rồi mất mạng bởi nhiễm uốn ván do một vết thương nhỏ trên cơ thể. Hay như chuyện nhiều gia đình chịu không nổi cảnh suối ô nhiễm nên bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Rồi cả chuyện dân trong vùng phải hứng từng giọt nước mưa để sinh hoạt hàng ngày do giếng đào bị nước suối ô nhiễm thấm vào. Đó còn là việc đến mùa mưa, nước suối không kịp thoát, tràn vào nhà dân cuốn theo đủ loại rác thải, bùn đất. 
Mới đây, trong lần trò chuyện với tôi, ông Đỗ Trung Hùng-Chủ tịch UBND phường Phù Đổng-khẳng định những chuyện đã nói ở trên là đúng. “Tôi mới chuyển về đây công tác mấy năm nhưng cũng đã nghe bà con chia sẻ những khó khăn gặp phải trước khi thi công kè chống sạt lở suối Hội Phú, đường Nguyễn Tất Thành và Dự án khu đô thị mới Hoa Lư-Phù Đổng. Thời kỳ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở đây khá cao bởi chủ yếu là dân buôn thúng bán bưng, chạy xe thồ, bán vé số… Còn suối Hội Phú thì ô nhiễm nghiêm trọng do người dân xả thải trực tiếp vào đó”-ông Hùng cho hay.
Đến phố giàu
Hoài niệm một thời nghèo đói là cách để biết nâng niu những giá trị của thực tại. Bây giờ, đi dọc theo 2 bên suối Hội Phú, đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường Hùng Vương, những chuyện kể xóm nghèo thuở trước đã chìm vào dĩ vãng. Bước ngoặt cho sự thay đổi này là khi tỉnh triển khai làm đường Nguyễn Tất Thành, xây dựng khu đô thị mới Hoa Lư-Phù Đổng và kè chống sạt lở suối Hội Phú.
Đặc biệt, giai đoạn 1 của Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo các khu dân cư nơi đây. Suối được kè đá 2 bờ, phía trên trồng cỏ và cây xanh tươi tốt. Hai con đường nhựa phẳng phiu, rộng rãi cho 2 làn xe qua như đường kẻ vào không trung dọc 2 bên bờ suối. Đếm không xuể những ngôi nhà to đẹp được xây dựng dọc theo 2 con đường này. 
Khu vực suối Hội Phú hôm nay. Ảnh: Hoành Sơn
Khu vực suối Hội Phú hôm nay. Ảnh: Hoành Sơn
Đứng từ Khách sạn Highlight House nhìn về phía bên trái, khu đất hoang vu thuở nào thuộc địa phận tổ 1 (phường Phù Đổng) đã trở thành “phố nhậu”. Quán nhậu, quán cà phê mọc lên san sát. Cứ đến tối, thực khách đổ dồn về nơi đây tạo một sinh khí mới. Tôi cũng đã không ít lần ngồi uống rượu nơi đây mà có ngờ đâu chốn này từng là bãi hoang.
Cùng tôi thả bước trên con đường nhựa, ông Lương Văn Bình hồ hởi: “Trước đây, dải đất này chỉ để trồng màu, bán không ai mua. Giờ đây, nó trở thành những vị trí đắc địa trị giá nhiều tỷ đồng. Theo giá thị trường, 1 m ngang đất có giá 1 tỷ đồng rồi, chỉ người giàu mới có tiền mua. Nếu cho thuê lại làm hàng quán thì 1 lô cũng có giá 10-20 triệu đồng/tháng. Hàng quán chủ yếu là người nơi khác đến thuê đất làm. Cứ đến tối, khu vực này trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Đây cũng trở thành một điểm du lịch của khách phương xa mỗi khi đến TP. Pleiku”.
Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch HĐND phường Phù Đổng thì đa phần hộ dân sống dọc theo khu phố đã thực sự đổi đời. “Có nhiều hộ đổi đời từ sau khi Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú được triển khai. Điển hình như gia đình anh Phan Minh Hoa, Phạm Đàn. Ngoài tiền đền bù của Dự án thì phần đất sau nhà trở thành mặt tiền, họ cho thuê buôn bán nên cuộc sống sang trang mới. Diện mạo của tổ dân phố cũng từng bước khang trang, đẹp đẽ hơn”-ông Bình kể thêm. 
3. Hàng trăm bóng điện chiếu sáng hai con đường bên suối Hội Phú
Khu vực suối Hội Phú về đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Hoành Sơn
Gia đình ông Lê Xuân Trình là một trong nhiều hộ dân đổi vận nhờ hưởng lợi của các dự án. Ông Trình vui vẻ nói: “Bao năm sống khổ bên dòng suối ô nhiễm rồi, chuyển đi nơi khác để thi công các dự án giúp cho phố xá sạch đẹp hơn chứ. Sau khi đồng ý di dời, họ đền bù cho một số tiền và 2 lô đất ở khu tái định cư mới, tôi xây nhà 1 lô còn 1 lô bán để lấy tiền nuôi con ăn học. Nếu ngày đó không chấp hành chủ trương, cuộc sống bữa đói bữa no, con cái sẽ thất học. Bây giờ, nhà cửa khang trang, có ô tô, xe máy xịn, con cái thành đạt, còn mong gì hơn nữa. Chứng kiến phố xá khang trang hơn, suối Hội Phú không còn ô nhiễm như trước, tôi thấy vui vì có công giúp các dự án sớm triển khai”.
Tôi đã đứng trên tầng cao nhất của Khách sạn Highlight House vãng cảnh. Khi mặt trời chìm hẳn sau rặng núi, hàng trăm bóng điện trên 2 con đường dọc suối Hội Phú tạo một khung cảnh lãng mạn cho đêm Phố núi. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp do đôi bàn tay con người tạo nên này quả là một trải nghiệm thú vị. Không ngoa ngôn nếu khẳng định nơi đây đang là một trong những khu phố đẹp nhất của TP. Pleiku vào buổi tối.
Anh Tuấn-chủ Khách sạn Highlight House-chia sẻ: “Khách sạn được đưa vào hoạt động hơn 1 năm. Từ đó đến nay, lượng khách đặt phòng luôn cao. Ở đây vừa tiện đường sá, hàng quán ăn uống lại vừa có thể ngắm cảnh đẹp phía trước khách sạn mỗi đêm nên khách đặt phòng đông”.
Xóm nghèo thuở trước đã trở thành khu phố khang trang, sạch đẹp, sầm uất. Để khu phố này phát triển hơn nữa, UBND TP. Pleiku đã có nhiều dự định. Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Sở Xây dựng khảo sát, xây dựng một đề án chi tiết để đưa khu vực này trở thành khu phố ẩm thực, đi bộ. Đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu thực tế nhưng chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên. Ngoài ra, cũng có ý kiến đóng góp với UBND TP. Pleiku là nên hình thành phố đi bộ từ Quảng trường Đại Đoàn Kết qua đường Phùng Hưng rồi về khu vực suối Hội Phú. Đây là một ý kiến khả thi và được đánh giá cao. Chúng tôi đang khảo sát để xây dựng đề án và trình cấp trên xem xét. Chúng tôi cũng đã có phương án làm sạch nguồn nước suối Hội Phú bằng công nghệ của Phần Lan. Sau khi thi công xong kè chống sạt lở sẽ triển khai thực hiện”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.