Môi trường Pleiku nhìn từ suối Hội Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú là một trong những điểm nhấn quan trọng của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong giai đoạn hiện nay. Khi công trình hoàn thành sẽ góp phần làm cho môi trường đô thị được cải thiện một bước do nạn ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt của cư dân sống ở vùng con suối chảy qua; đồng thời kiến thiết một phần quan trọng bộ mặt của đô thị, mở ra không gian mới, tạo mỹ quan cho thành phố cao nguyên. 
Để phấn đấu cho mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” thì công việc được đặt lên hàng đầu là từng bước giải quyết vấn đề môi trường một cách căn bản, lâu dài với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Gia đình tôi ngụ tại phường Hội Thương từ trước giải phóng đến nay, nơi chịu sự tác động của suối Hội Phú chảy qua. Trước năm 1975, dân cư dọc theo con suối này thưa thớt nên nhiều nơi còn hoang hóa, mức độ ô nhiễm môi trường do chất thải và nước thải sinh hoạt chưa cao. Nhiều hộ sống hai bên suối Hội Phú khai phá đất hoang để trồng rau, làm ruộng trong mùa khô và bắt cá dưới suối cải thiện bữa ăn (Theo số liệu đo đạc thì suối Hội Phú có chiều dài gần 16 km, từ xã Diên Phú đến Trà Đa; nhưng đoạn chảy qua trung tâm TP. Pleiku chỉ dài 6,25 km).
Sau ngày giải phóng (1975), dân cư đô thị ngày càng đông đúc, suối Hội Phú từ đó đã bị quá tải bởi chất thải trực tiếp từ các hộ dân cũng như những gia đình làm nghề thủ công, sửa xe… khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng. Mùa khô thì mùi hôi thối từ nước thải, rác thải đọng lại làm cho cuộc sống của cư dân trong vùng bị ảnh hưởng; mùa mưa thì nước tràn ngập lai láng, sình lầy, côn trùng và ruồi muỗi sinh sôi.
Trải qua nhiều thời kỳ, TP. Pleiku đều chú trọng đến việc lập đồ án quy hoạch, cải tạo suối Hội Phú để giải quyết vấn đề môi sinh và chất lượng cuộc sống nhưng lực bất tòng tâm. Đến thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, đô thị Pleiku đã sang trang với nhiều dự án lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của một thành phố trọng điểm vùng Bắc Tây Nguyên và khu vực kinh tế tiềm năng của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Do vậy, cùng với các dự án mở rộng khu-cụm công nghiệp thì việc cải tạo suối Hội Phú trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Công nhân thi công Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Triều
Công nhân thi công Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Triều
Từ đầu năm 2004, trên cơ sở Đồ án quy hoạch chi tiết khu suối Hội Phú do Công ty cổ phần Kiến trúc Tây Nguyên lập năm 2003, được Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP. Pleiku trình và Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã có Quyết định số 09/2004/QĐ-UB về việc phê duyệt chi tiết suối Hội Phú. Quyết định này cũng ghi rõ chức năng của con suối: Đây là môi trường xử lý, tái tạo nguồn nước thải cuối cùng để cho nguồn nước cũng như môi trường không khí đô thị trở nên trong sạch đảm bảo đời sống người dân.
Chính điều đó, Dự án quy hoạch suối Hội Phú tập trung các không gian: toàn bộ lưu vực suối (kể cả ruộng và dòng suối hiện trạng) sẽ tạo thành các hồ nước lớn (có van điều tiết nước theo cấp độ các hồ, có các đập tràn); có không gian trồng cây xanh rộng 25 m, có các cụm công viên giải trí; có đường vành đai rộng 10,5 m, bên cạnh có các bể lắng lọc ngầm xử lý nước thải giai đoạn cuối trước khi đổ ra hồ; đồng thời tách nước mưa toàn thành phố.
Sau đó 10 năm (2014), UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch này cho phù hợp với thực tế hơn nhưng vẫn giữ ý tưởng lúc đầu là hình thành 9 hồ chứa nước, hồ rộng nhất là 5,25 ha, sâu gần 3m; mở rộng đất cây xanh, hoa viên, hành lang kỹ thuật, xử lý môi trường với 24,27 ha trên cả công trình suối Hội Phú. Ban đầu, khi dự án này được triển khai và được một số nhà đầu tư (các tập đoàn kinh tế lớn) tham gia với nhiều triển vọng đem lại bộ mặt mới làm thay đổi cơ bản về chất của đô thị trẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán để thực hiện dự án lại xuất hiện nhiều quan điểm không thống nhất giữa chính quyền địa phương và phía đầu tư nên chưa thể triển khai theo đúng ý định khi phát thảo. Chung quy có 2 luồng ý kiến: Một là mở rộng và thực hiện quy mô như dự kiến; ưu tiên cho việc mở rộng lòng suối, không gian của các hồ chứa nước, các công viên và diện tích cây xanh nhằm thay đổi căn bản về môi trường đô thị. Hai là thu hẹp dự án để tránh di dời nhà dân và đền bù, ưu tiên cho việc dành quỹ đất hai bên suối để phát triển cụm dân cư mới, thu hồi vốn để đầu tư trở lại.
Khi không đạt được mục đích, các nhà đầu tư đã buông bỏ, chính quyền địa phương giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku triển khai dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú từ đường Sư Vạn Hạnh nối dài đến khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng, có chiều dài suối 1,76 km, với tổng diện tích quy hoạch là 90 ha, tổng mức đầu tư là hơn 277 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách trung ương là 200 tỷ đồng). Đầu năm 2021, với sự thúc đẩy từ chính quyền địa phương, công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành các hạng mục cuối cùng.
Qua một số hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng như đoạn qua phường Phù Đổng (gần đường Nguyễn Lương Bằng), nhiều người cho rằng, công trình suối Hội Phú chỉ đạt một phần nhỏ trong việc cải tạo môi trường và chỉnh trang đô thị, đúng như tên gọi của nó là “Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú”.
Nếu được thực hiện như Quy hoạch tổng thể và chi tiết ban đầu đối với công trình suối Hội Phú thì thành phố sẽ có nhiều hồ chứa nước nhân tạo thoáng rộng với các công viên đẹp và “rừng cây xanh” chạy dọc theo bờ suối hết sức xanh mát, tạo ra một điểm nhấn lý tưởng về môi trường cho đô thị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vì nguồn vốn khiêm tốn nên trước mắt, chúng ta chỉ thực hiện một phần của ý tưởng ban đầu để giải quyết sự tồn đọng cấp bách về môi trường đô thị, đáp ứng một phần đời sống của người dân.
Đầu năm 2021, trong số 3 dự án lớn kêu gọi đầu tư có Dự án suối Hội Phú (đoạn 3) từ khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng đến cầu Ia Sol. Chúng ta tin rằng, Dự án suối Hội Phú tiếp theo sẽ được triển khai một cách bài bản, quy mô hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
BÙI QUANG VINH