Báu vật 'rừng giữa đồng bằng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng cho xóm làng dựa lưng. Rừng che chở trước bão tố, bom cày đạn bắn, cho dân làng nguồn nước ngọt quanh năm. Bởi vậy, dân làng xem rừng là báu vật, ra sức bảo vệ qua nhiều thế hệ.
  • Đó là câu chuyện về việc người dân gìn giữ những khu rừng xanh ở ngay vùng đồng bằng thuộc xã Bình Tân Phú, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Từ xa, nhìn về những cánh rừng xanh um, tôi lấy làm lạ. Bởi trên tận núi non cao thẳm, người ta cũng cạo sạch nhẵn rừng mà tại sao ở vùng đồng bằng này, lại ở sát làng mạc, nhà cửa, rừng cây vẫn vươn cao lên nền trời ? Giải thích cho chúng tôi, ông Nguyễn Thái Học, Trưởng thôn Nhơn Hòa 2, xã Bình Tân Phú, nói cứ theo chân ông vào rừng sẽ hiểu vì sao.

Di tích căn cứ cách mạng và nghĩa tự ở cửa rừng An Tráng

Di tích căn cứ cách mạng và nghĩa tự ở cửa rừng An Tráng

Rừng - Làng dựa nhau

Khu rừng lớn nhất trong số các cánh rừng ở sát các xóm làng tại xã Bình Tân Phú là rừng Phú Vinh với diện tích khoảng 8 ha, thuộc địa bàn thôn Nhơn Hòa 1. Ông Học đưa tôi vào cửa rừng Phú Vinh, rồi thắp nén nhang ở nghĩa tự (nơi thờ cúng thần rừng) nơi này. Ông Học cho biết, đây là nghĩa tự của rừng Phú Vinh, cứ đến trước mùng 1 Tết Nguyên đán hằng năm, bà con tụ về đông đủ sinh hoạt. Ai đi xa cũng nhớ đến ngày này, khói hương ấm áp bay tỏa vào rừng, như tỏ lòng tri ân rừng cây che chở.

Sau tuần nhang, ông Học dẫn tôi men theo bìa rừng lội bộ vào bên trong rừng Phú Vinh. Sáng mùa xuân, cây cối xanh tươi, còn đọng sương mai. Chốc chốc, có con gà rừng vụt bay từ trong các bụi rậm, kêu the thé vọt lên cao. Trên đầu chúng tôi, chim thi nhau ca hát. Thôi thì đủ âm thanh của các loài chim rừng, quành quạch, chào mào, chim cắt, chim se sẻ… tạo thành thanh âm vui nhộn liên hồi không dứt, lúc trầm lúc bổng, náo nức rừng xuân. Ông Học nói, đến khoảng tháng 5 âm lịch, ở đây có nhiều loại trái rừng chín vàng, đỏ, chim về ăn như trẩy hội. "Có cả con cù lần và cả bầy khỉ hàng trăm con cũng kéo về rừng này, vui lắm", ông Học khoe.

Gốc cây cổ thụ hàng chục năm ở rừng Phú Vinh

Gốc cây cổ thụ hàng chục năm ở rừng Phú Vinh

Sâu vào rừng khó đi, vì cây cối đan dày. Tầng trên, cây lớn thì cao hàng chục mét, thân một người ôm không hết. Còn bên dưới, bụi mây, gai bụi, một vài cây thuốc nam và hàng tá loài khác chen nhau sinh sống. Ông Học giới thiệu cho tôi biết nhiều giống cây quý có mặt ở rừng này, như: huỳnh đàn, gõ, cây sến, mít nài, sến, kơ nia, cà chít..., đường kính từ 0,5 - 1 m. Đặc biệt, có một góc rừng, có cụm cây lớn ngẩng đầu san sát nhau, thẳng tắp cả chục mét, trông bằng phẳng rất đẹp, như một tấm thảm xanh khổng lồ.

Ông Học kể, theo những người lớn tuổi ở đây, thì rừng Phú Vinh do dòng họ Phan rất nhiều đời trước tạo trồng. Các thế hệ tiếp nối đã tìm hạt giống, cây gỗ quý để trồng thêm cho khu rừng ngày càng rậm rạp. Quan niệm của họ là sợ "rừng tan làng mạt", nên ra sức giữ gìn qua các thế hệ. Cây củi khô trong rừng này có bị bão làm gãy đi cũng để tàn mục, không ai được mang ra khỏi rừng. "Cũng không ai được phép đến đây bắn chim, bẫy chim. Đi đốt ong cũng bị cấm. Dân làng canh chừng kỹ lắm!", ông Học nói.

Rừng được giữ gìn cẩn thận nên trải qua bao tháng năm, những xóm làng sống dựa lưng vào rừng đều được vẹn nguyên dù xảy ra bão tố. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (62 tuổi), một người sinh ra và lớn lên ở cạnh rừng Phú Vinh, cho biết: "Xóm làng ở đây chưa bị thiếu nước uống. Mạch nước ngầm dồi dào, trong vắt, mát lạnh quanh năm. Tất cả là nhờ vào rừng cả thôi. Rừng xanh thì mạch tốt".

Địa đạo dưới gốc cây cầy

Rời rừng Phú Vinh, tôi theo chân ông Học qua rừng An Tráng (rộng gần 2,5 ha), cũng thuộc thôn Nhơn Hòa 1, nằm giữa cánh đồng Cả ở phía đông bắc và cánh đồng Soi ở phía tây nam. Từ con đường thôn chúng tôi theo con đường nhỏ bên bờ ruộng đi vào khu rừng. Chừng vài mươi phút, chúng tôi men theo lối mòn nhỏ được dọn dẹp sạch sẽ như cái hang vòm làm bằng lá cây, đi sâu vào cửa rừng. Rừng An Tráng có cây cổ thụ chằng chịt, có các dãy núi bao bọc cả ba mặt.

Giống như rừng Phú Vinh, cửa rừng này cũng có nghĩa tự hương khói ấm áp. Ông Học cho biết, 4 cánh rừng nằm sát làng mạc ở xã Bình Tân Phú đều có nghĩa tự thờ cúng ở cửa rừng. Với người dân, do nhận được quá nhiều ưu ái từ rừng, ai cũng xem đó là rừng thiêng, nên lập miếu để thờ phụng. Cạnh nghĩa tự rừng An Tráng còn có bia đề là di tích căn cứ cách mạng H.Đông Sơn.

Rừng cấm An Tráng. Ảnh: Phạm Anh

Rừng cấm An Tráng. Ảnh: Phạm Anh

Tìm hiểu, thì tôi được biết căn cứ này thành lập khoảng tháng 8.1970. Khi đó, tỉnh Quảng Ngãi thành lập H.Đông Sơn, gồm 5 xã khu đông nam của H.Bình Sơn, 9 xã khu đông H.Sơn Tịnh và một phần xã Tịnh Phong (H.Sơn Tịnh). Rừng An Tráng được xây dựng thành căn cứ của Huyện ủy, Ủy ban cách mạng H.Đông Sơn. Tại đây, các lực lượng bộ đội địa phương và bộ đội Quân khu 5 đã làm bàn đạp tấn công cũng như chống càn quét của địch ở trong khu vực. Ngày 13.6.2011, rừng An Tráng, căn cứ H.Đông Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo lời ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú, rừng An Tráng, Phú Vinh từng bị địch bắn pháo, càn quét, mang cả máy ủi để san lấp để lực lượng ta không còn chỗ ẩn nấp. Thế nhưng khi địch rút, quân và dân ta lập tức dựng lại rừng tươi tốt như xưa.

Đi sâu vào rừng, chúng tôi tận hưởng khí trời tinh khiết, mát lạnh. Dọc theo lối đi, nhiều cây cổ thụ cao tít hàng chục mét, nắng trời khó xuyên vào, trong đó có nhiều cây cổ thụ như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, chò, cầy, sến... Chừng vài chục phút đi bộ, chúng tôi phát hiện cây cầy to lớn, cao vút, gốc to chừng 5 - 6 người ôm không xuể. Theo người dân ở đây, cây cầy này đã vài ba trăm tuổi.

Chỉ cho tôi xem rất nhiều tảng đá xung quanh cây cầy, ông Học cho biết ngày trước địa đạo của căn cứ H.Đông Sơn nằm bên dưới, mà nắp là ở dưới gốc cây cầy này.

Giữ cho con cháu mai sau

Trước đây, rừng ở sát xóm làng tại khu đông H.Bình Sơn xưa rất nhiều nhưng hiện chỉ có 4 cánh rừng nguyên sinh ở xã Bình Tân Phú, gồm: Phú Vinh, An Tráng, Bình An và Phước Sơn. Theo UBND xã Bình Tân Phú, tổng diện tích 4 khu rừng hơn 18 ha, là báu vật mà các xóm làng đang cùng gìn giữ.

Tính phương án phát triển du lịch

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú, cho biết những khu rừng còn lành lặn đến bây giờ là điểm để liên kết với các vùng khác phát triển du lịch cộng đồng. Hiện xã vẫn đang tìm phương án khả thi để phát triển. "Nếu có cơ hội, những cánh rừng sẽ là nơi thu hút du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại lý tưởng. Bà con đang gìn giữ để mai sau con cháu sẽ có cách hưởng lợi từ rừng này", ông Hoàng nói.

Theo ông Học, các cụ ở đây kể lại, những cánh rừng này được bảo vệ từ rất xa xưa. Thôn làng nào có rừng sẽ thành lập đội tuần sương, ngoài tuần tra bảo vệ trâu, bò và hoa màu của dân thì nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ khu rừng của xóm làng. Đội này không cho bất cứ ai vào rừng để chặt củi, bắt chim, bẫy thú. "Một cành củi mục cũng không được mang ra khỏi rừng. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, mà cách xử lý của xóm, của thôn ngày xưa nghiêm khắc lắm", ông Học nói.

Đến hôm nay, những đội tuần sương nói trên không còn. Người dân ở đây lại đưa việc qua hương ước, việc bảo vệ rừng còn ngầm là việc thi đua của các tộc họ ở xóm làng. Theo hương ước, cả 4 khu rừng nói trên nếu ai chặt phá cây (cả cây củi khô, lấy cây về làm cảnh) lần đầu bị cảnh cáo trước dân; vi phạm lần hai bị phạt 150.000 - 200.000 đồng/người. "Lần thứ ba, thôn sẽ giao xã và ngành chức năng xử lý. Dù đói rách, dân ở Bình Tân Phú cũng giữ mình, ai cũng tự trọng trước rừng xanh và cố giữ lại báu vật này lại cho con cháu mai sau", ông Hoàng nói.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.