Bảo tồn nguồn gene của ba loài lan quý hiếm ở Bắc Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu, nhân giống và tìm giải pháp bảo tồn các loài lan Hài Vân Bắc, lan Hài lông và lan Thủy Tiên Hường.
Lan Hài lông.
Lan Hài lông.
Nhằm bảo tồn nguồn gene các loài cây quý hiếm tại các khu rừng tự nhiên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang triển khai Đề tài khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene lan Hài Vân Bắc, lan Hài lông và lan Thủy Tiên Hường cho vùng Bắc Trung Bộ (2017-2021)".
Đến thời điểm này, đề tài đã thực hiện điều tra được 42 tuyến trên 325km tại các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế.
Kết quả, các khu vực này có 96 cây lan Hài Vân Bắc, 320 cây lan Hài lông và 340-485 bụi lan Thủy Tiên Hường.
Hiện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục nghiên cứu, nhân giống và tìm giải pháp bảo tồn các loài lan quý này.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết trong 4 năm thực hiện đề tài, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ thu thập, điều tra về hiện trạng, giá trị kinh tế của 3 loài lan Hài Vân Bắc, lan Hài lông, lan Thủy Tiên Hường và sử dụng máy định vị vệ tinh nhằm xác định tọa độ các khu vực có phân bố của các loài lan.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, loài lan Thủy Tiên Hường (Dendrobium amabile O’Brien) có thân dài 35 cm, lá tập trung ở đỉnh thân, hoa màu tím. Cây thường mọc rải rác trong rừng gỗ lớn, ưa ẩm. Cây tái sinh bằng chồi hạt, sinh trưởng từ tháng 2-8 Dương lịch.
Lan Thủy Tiên Hường thường phát triển theo bụi tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Nghệ An.
Lan Hài Vân Bắc (Paphiopedilum callosum Pfitzer) hay mọc trên đất, đá, cây có lá hình bầu dục hẹp, thời gian nở hoa từ tháng 4-6 dương lịch.
Trên thế giới, cây phân bố tại Thái Lan, Lào. Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các khu rừng nguyên sinh rậm hoặc trên đá granit ở độ cao 300-1.300 mét.
Hiện lan Hài Vân Bắc được phát hiện mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và các khu vực khác thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Loài lan Hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum Stein) có lá đài lưng dài 5,2 cm, hoa to và nở từ tháng 3-5 dương lịch. Trên thế giới, cây thường phân bố tại Trung Quốc, Thái Lan.
Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các cánh rừng nguyên sinh hoặc ở các cao nguyên đá vôi bị bào mòn mạnh.
Hiện lan Hài lông thường phát triển theo từng cá thể và mọc nhiều tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên và tại khu vực khác thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Các loài lan này có giá trị kinh tế cao, do vậy nhiều người dân ở các tỉnh đã khai thác để bán, cộng thêm tình trạng phá rừng diễn ra nhiều đã làm các loài lan này ít dần đi và đang có nguy cơ mất dần nguồn gene.
Hiện 3 loài lan này chỉ còn mọc rất ít trên các vách núi đá vôi, hang, sườn núi thuộc các khu bảo tồn, vườn quốc gia các tỉnh Bắc Trung Bộ. Vì vậy, việc thực hiện đề tài khoa học trên sẽ giúp ba loài lan trên được bảo tồn nguồn gene và tránh được nguy cơ tuyệt chủng.
Hiện Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã xác định được sinh cảnh sống, sự phân bố tự nhiên của ba loài lan trên tại 14 vườn quốc gia, khu bảo tồn thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đồng thời, cán bộ dự án đã xây dựng được mô hình nhân giống, trồng và vườn ươm 3 loài Hài Vân Vắc, lan Hài Lông và Thủy Tiên Hường với quy mô 1.350 gốc cây con tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra các loài lan quý trên để đưa ra giải pháp bảo tồn, qua đó, giúp người dân miền núi có thêm nguồn thu từ việc trồng các loài lan quý, góp phần bảo vệ các loài thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực rừng tự nhiên.
Nguyễn Nam (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.