'Bảo mẫu' ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trải dài qua các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Kbang của tỉnh Gia Lai với diện tích gần 418 km2, là một trong 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN.

 

 Bác sĩ thú y Đặng Thị Thiết chăm bẵm con vượn má hung, chờ điều kiện thuận lợi để thả về rừng - Ảnh: Trần Hiếu
Bác sĩ thú y Đặng Thị Thiết chăm bẵm con vượn má hung, chờ điều kiện thuận lợi để thả về rừng - Ảnh: Trần Hiếu


Nhìn con voọc chà vá chân xám lành dần vết thương, bắt đầu thích ăn, những nhân viên của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh lấp lánh niềm vui. Họ là những “bảo mẫu” đích thực nơi rừng xa này, giúp cho động vật có thêm đất sống.

Người Bana các làng Kon Jốt, xã Hà Đông, H.Đăk Đoa và làng Hyêh, xã Ayun, H.Mang Yang (Gia Lai) đã quen mặt các nhân viên bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Hầu như mỗi tuần họ đều cùng với người làng đi vào rừng, ngăn chặn kẻ xấu từ nơi khác đến bẫy thú, xâm hại rừng. Hễ có con thú nào bị thương là họ báo ngay để kiểm lâm khẩn trương đến cứu nạn.

 


Từ khi thành lập (2012) đến nay, trung tâm đã thả về rừng hàng ngàn cá thể thú rừng, góp phần cho vườn ngày càng thêm đa dạng sinh học. Theo quy định mỗi tháng nhân viên ở đây (trừ hai nữ bác sĩ thú y) phải ở trong rừng sâu 4 đêm 3 ngày. Họ còn kết hợp với các tổ giao khoán rừng đi kiểm tra 2 ngày/lần. Cứ mỗi lần đi sâu vào rừng, họ phát hiện bình quân khoảng 10 - 20 bẫy thú rừng trái phép. Đấy là những thòng lọng bằng dây phanh xe đạp để bẫy các loại thú nhỏ.

Nơi xây dựng trung tâm nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, ngày trước người dân còn gọi là bãi nai bởi có hàng trăm con nai về trảng cỏ lớn tìm thức ăn. Ngoài ra, khu vực này còn có đá khoáng nên thu hút động vật tìm đến. Hiện trung tâm đã khoanh vùng 5 ha bằng hàng rào dây thép gai, lưới B40.


Bác sĩ thú y Mã Thị Uyên, năm nay 32 tuổi, đã bước qua năm thứ 9 làm việc tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (gọi tắt trung tâm). Cô là một trong hai bác sĩ thú y của trung tâm từng cứu chữa thành công nhiều con thú bị thương để thả lại rừng.

Uyên kể: “Nhớ nhất là hai con voọc chà vá chân xám được người dân H.Kbang (Gia Lai) tìm thấy trong rừng già. Con thứ nhất trong tình trạng bị thương ở đầu do rơi từ trên cây cao xuống. Tôi và một nữ bác sĩ thú y khác thay nhau thức đêm để đút sữa cho nó. Nhưng vết thương nặng quá, nó cứ lả dần, được một tuần thì chết. Con thứ hai người dân bắt được và tự nguyện giao nộp. Khi nuôi nó chỉ nặng non một ký. Mỗi đêm hai chị em phải cho nó uống 4 lần sữa. Không như khỉ thích ăn ngọt, voọc ăn nhiều loại lá chát nhưng phải là đọt non. Ròng rã mấy tháng trời chăm bẵm như chăm em bé, con voọc lớn lên trong niềm vui khôn tả của cả hai chị em cũng như anh em trong cơ quan”.

Theo chị Uyên, vì mới lần đầu cứu hộ, nuôi dưỡng loài này nên họ phải tìm đủ nguồn tài liệu lẫn đồng nghiệp để tham khảo. Nhớ có lần voọc bị tiêu chảy, hai nữ bác sĩ thú y lo sốt vó, phải điện ra Trung tâm cứu hộ linh trưởng của Vườn quốc gia Cúc Phương nhờ các chuyên gia ngoài đó hỗ trợ. Sau đó, họ mua trà atiso cho nó uống vài bữa mới khỏi.

Nuôi hơn một năm, con voọc con ngày nào đã cân nặng 6 - 7 kg. Mọi người vào rừng tìm đàn để thả nó về rừng. Song việc này cũng quá chừng gian nan bởi loài này ở vùng đa dạng sinh học cao, di chuyển rộng với đàn khoảng 8 - 12 con. Vả lại con voọc được nuôi dưỡng khá lâu nên sự thích nghi với môi trường rừng không dễ. Đã nhiều lần thả thử nhưng nó vẫn quay về. Trong khi mọi người tìm cách và đi sâu vào rừng tìm đàn cho nó thì con voọc mắc chứng teo cơ không thể leo trèo được và chết trong sự bất lực lẫn những đôi mắt ngân ngấn nước của cán bộ, nhân viên ở trung tâm. Các bác sĩ thú y ở đây chẩn đoán có thể họ đã không tìm đủ những loại lá cây thích hợp dẫn đến voọc bị thiếu chất dẫn đến teo cơ.

Ngoài voọc, từ trung tâm này, nhiều con mèo rừng, culi... đã được cứu hộ thành công và trở về rừng xanh trong niềm vui của mọi người.


 

 
Những cái bẫy thú rừng của kẻ xấu - Ảnh: Trần Hiếu
Những cái bẫy thú rừng của kẻ xấu - Ảnh: Trần Hiếu

Nặng lòng với thú rừng

Không ít người dân cùng chung tay bảo vệ thú rừng, đã dần nhóm lên nhiều hành động ý nghĩa. Các nhân viên trung tâm còn nhớ cách đây hơn một năm, trong một buổi chiều mùa mưa cao nguyên, có hai người tìm đến với một con culi (động vật thuộc nhóm 1B) bị thương. Anh Trần Xuân Long, ở H.Ia Grai (Gia Lai) kể rằng anh tìm thấy con culi này trên đường đi làm rẫy. Dò trên mạng internet biết có trung tâm này nên đã mang con culi vượt gần cả trăm cây số để giao nộp, mong nó được cứu chữa, chăm sóc kịp thời.

Gần đây, một người dân cũng tự nguyện đến trung tâm giao nộp một con vượn má hung được nuôi từ nhỏ. Nhân viên ở đây cho biết con vượn này được nuôi từ nhỏ nên rất khó để thả lại rừng. Hiện nó đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt.

Theo ông Trần Văn Thụ, Giám đốc trung tâm, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trải dài qua các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Kbang của tỉnh Gia Lai với diện tích gần 418 km2, là một trong 4 vườn quốc gia của VN, cũng là một trong 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN.

“Việc giữ rừng là áp lực không nhỏ. 122 hộ dân làng Hyêh và Kon Jôt nhận khoán 300 ha rừng trong chương trình khoán rừng về cộng đồng với mức 300.000 đồng/ha/năm từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Đây cũng chính là tai mắt của chúng tôi trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Mỗi năm trung bình chúng tôi thả về rừng 40 - 50 cá thể trăn, chim đa đa, khướu, khỉ, vượn... Đây là tang vật của những vụ mua bán, vận chuyển, săn bắn trái phép động vật rừng mà lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, bàn giao. Ngoài ra, một số do người dân tự nguyện giao nộp. Thực ra, tốt nhất là khi thả cần gắn chip theo dõi nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép thực hiện. Đấy cũng là mong muốn của chúng tôi”, ông Thụ giãi bày.

Để thả khỉ, vượn trở lại rừng, nhân viên của trung tâm phải đi khảo sát từng vùng rừng, nơi có những bầy đàn cùng loại mới phù hợp. Nhiều sáng sớm, nhân viên phải đi vào rừng sâu để nghe tiếng vượn hú, xác định hướng bầy vượn để thả. Các loài thú khác cũng phải tìm sinh cảnh phù hợp để thả.

Vì bình yên của rừng xanh

Hai sinh viên cùng lớp ở Đại học Tây Nguyên ngày nào đang là bác sĩ ở trung tâm hằng ngày đối mặt với nhiều vất vả. Mỗi ngày, bác sĩ thú y Đặng Thị Thiết phải dậy sớm đi 27 km mới đến được chỗ làm. Cô kể, chồng làm lao động tự do cộng với đồng lương công chức của vợ, lại nuôi hai con nhỏ nên cũng phải giật gấu vá vai mới tạm đủ.

Còn bác sĩ Uyên nên duyên với một kiểm lâm viên cùng cơ quan nên hai vợ chồng được bố trí một phòng ở trung tâm để tiện cho công việc, sinh hoạt hằng ngày. Họ có một con trai 6 tuổi nhưng vì điều kiện công tác nên phải gửi con về quê nội ở Thanh Hóa. Uyên kể nhiều đêm nhớ con quá, cô chỉ biết khóc thầm.

Từ tháng 5.2020, trung tâm đã nhận bàn giao 26 cá thể hươu, nai từ Công ty CP thể thao HAGL. Số cá thể này đang được nuôi trong môi trường bán hoang dã của trung tâm và đang phát triển tốt. Hiện có hai con nai đã đẻ con và nhiều con hươu con cũng sắp ra đời.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nói: “Hy vọng đàn hươu, nai này phát triển thêm nhiều cá thể và du lịch Gia Lai thu hút nhiều khách đến đây để giúp người dân có thêm ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Có như vậy mọi người mới chung tay gìn giữ đa dạng sinh học của vườn cũng như những khu vực rừng khác”.

 

Theo TRẦN HIẾU (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.