Nhanh chóng tiếp cận xu thế làm báo hiện đại
Cuối tháng 2-2024, tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) báo chí, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên thông tin: Từ năm 2016, Báo Gia Lai đã bắt đầu thực hiện CĐS và vận hành, quản trị tòa soạn theo công nghệ hiện đại.
Đến nay, Báo đã hạn chế tối đa xử lý tin bài trên giấy mà chủ yếu thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản điều hành; tiếp cận phương thức làm báo đa phương tiện theo xu thế chung của báo chí nhiều tỉnh thành trong cả nước, cụ thể là thực hiện tốt các sản phẩm truyền hình, phát thanh, podcast, tổ chức talkshow, livestream thành công một số sự kiện quan trọng của tỉnh…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Báo Gia Lai về chuyển đổi số báo chí. Ảnh: Lam Nguyên |
Bên cạnh tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng và phát triển Báo Gia Lai giai đoạn 2021-2025 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong công tác CĐS, đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu của một tòa soạn hiện đại.
Triển khai kế hoạch xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ với mục tiêu hướng tới là xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung, cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động tòa soạn, đáp ứng nhu cầu xuất bản cả báo in, báo điện tử trong một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, qua đó tiết kiệm chi phí, nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong kế hoạch CĐS của Báo Gia Lai.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Thường trực Tỉnh ủy quan tâm và ủng hộ Báo Gia Lai đẩy mạnh CĐS nhằm theo kịp xu hướng phát triển cùng với các tỉnh, thành trong cả nước theo tinh thần Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 1430/KH-UBND ngày 13-6-2023 của UBND tỉnh về “Triển khai chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo Báo Gia Lai khẩn trương xây dựng kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, làm cơ sở hướng đến xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ trong thời gian tới.
Trên cơ sở này, Báo Gia Lai đã xây dựng dự thảo Kế hoạch CĐS giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Dự thảo đưa ra yêu cầu chung là xây dựng hệ sinh thái CĐS trong toàn cơ quan Báo Gia Lai theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nội dung trên không gian mạng.
Song song với đó là ứng dụng, khai thác công nghệ số, dữ liệu số và các thiết bị thông minh, tập trung vào các khâu: nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị, thu thập, phân phối và xử lý thông tin; đầu tư về trang-thiết bị, dịch vụ công nghệ thông tin và nguồn nhân lực bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đảm bảo độ tương thích từ thiết bị, phần mềm, tổ chức hoạt động… để đến chậm nhất là năm 2030, toàn bộ cơ quan vận hành trên một hệ thống số.
Hướng đến mọi đối tượng độc giả
Ngoài mục tiêu chung, Kế hoạch xác định rõ các mục tiêu cụ thể gồm: đưa tối thiểu 70% nội dung Báo Gia Lai lên các nền tảng số vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; cấp quyền cho bạn đọc lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo nhu cầu cá nhân, tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 30% tổng lưu lượng truy cập.
Báo Gia Lai điện tử ra mắt giao diện và vận hành hệ thống quản trị nội dung mới. Ảnh: Đ.T |
Nhà báo Huỳnh Kiên-Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai: “Chuyển đổi số báo chí là vấn đề rất rộng và nhiều thách thức đối với báo Đảng một tỉnh miền núi như Gia Lai. Thời gian qua, Báo Gia Lai đã cố gắng bắt nhịp, chú trọng phát triển các sản phẩm báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số khâu của sáng tạo nội dung số, hướng đến mô hình tòa soạn hội tụ…
Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của công tác CĐS. Vì vậy, thời gian tới, Báo sẽ thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về CĐS. Mỗi cán bộ, phóng viên cần nỗ lực tự học hỏi, cập nhật tiến bộ công nghệ để thay đổi tư duy làm báo, sáng tạo các tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc”.
Hoạt động sản xuất nội dung báo điện tử thực hiện theo xu hướng cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí; thiết kế sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả… Nếu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, Kế hoạch CĐS sẽ tạo đà cho Báo Gia Lai phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Thường xuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội của Báo Gia Lai, nhiều đồng nghiệp, độc giả đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan trong việc kết hợp xuất bản báo in với báo điện tử, tận dụng ưu thế của Zalo, Facebook, YouTube, Lotus… để quảng bá, chuyển tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng, kịp thời, tăng sự tương tác giữa độc giả với tòa soạn, cơ quan báo và nhà báo, phóng viên.
Báo Gia Lai điện tử thực hiện chương trình livestream đầu tiên-tường thuật Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng lần thứ 43 năm 2023. Ảnh: Phương Linh |
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải-Trưởng phòng Xuất bản, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Hà Tĩnh, một trong những cơ quan báo Đảng địa phương đang thực hiện rất tốt công tác CĐS-nhận xét: “Qua theo dõi các nền tảng mạng xã hội của Báo Gia Lai, tôi thấy các bạn đang phát triển khá tốt mảng truyền hình, podcast, cho thấy sự đầu tư chuyên nghiệp và công phu. Các thiết kế emagazine trên báo điện tử cũng sáng tạo, hấp dẫn. Có thể nói Báo Gia Lai đang tiếp cận nhanh chóng với xu hướng báo chí đa phương tiện, đa nền tảng”.
Anh Lê Văn Vũ Kiệt-một “fan cứng” trên Fanpage Báo Gia Lai điện tử-cũng chia sẻ: “Tôi rất thích các bài báo có kèm những clip ngắn, ví dụ như trình diễn cồng chiêng, nghi thức lễ pơ thi… Phải nói là xem rất “cuốn”. Mong rằng thời gian tới Báo tiếp tục có thêm những sản phẩm báo chí đa phương tiện sáng tạo, mới mẻ để tăng thêm trải nghiệm cho độc giả. Ngoài ra, theo tôi, Báo cũng nên quan tâm ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính”.