Bài 3: Loay hoay với tiêu chí môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Môi trường là một trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt, xử lý rác tại các chợ và quy hoạch nghĩa trang… đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Khó thực hiện

Theo bộ tiêu chí nông thôn mới, để đạt chuẩn tiêu chí môi trường thì các địa phương phải có tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động làm suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

 

Công trình nước sạch nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
Công trình nước sạch nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Thực tế tại các địa phương, việc quy hoạch nghĩa trang đang gặp khó khăn, nhất là đối với các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc thu gom và xử lý chất thải tại các xã vùng sâu, vùng xa cũng chưa thực hiện được. Tính đến thời điểm này mới có 42/184 xã đạt chuẩn về nông thôn mới tiêu chí này.

Ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro phản ánh: Giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn là vấn đề nan giải ở các xã hiện nay. Hiện tại, người dân trên địa bàn huyện sử dụng nước giếng là chủ yếu. Ngoài ra, công tác thu gom chất thải, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã vùng sâu, vùng xa nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa thực hiện được.   

Đề cập vấn đề xử lý chất thải, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định và quy hoạch nghĩa trang, ông Nguyễn Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Chư Á (TP. Pleiku) cho biết: Chư Á còn 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư và môi trường. Trong số đó, tiêu chí môi trường là khó khăn nhất vì một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đạt tiêu chuẩn môi trường, nghĩa trang chưa được xây dựng theo đúng quy hoạch, mồ mả còn nằm rải rác trong khu dân cư bởi theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi làng có một khu nhà mồ riêng.

Chưa được quan tâm đúng mức

Một thực tế là các địa phương không có điểm tập kết rác nên rác thải được vứt bỏ ven đường, sông suối và kênh mương. Các xã vùng sâu, vùng xa dân cư phân bố không tập trung nên rác thải của các hộ gia đình hầu hết chưa được thu gom xử lý. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chăn thả gia súc, gia cầm xung quanh nơi ở, dưới gầm nhà sàn đã làm cho môi trường bị ô nhiễm. Ông Đặng Tấn Hòa-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) cho hay: Ia Rtô là một trong 2 xã điểm của thị xã, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường rất khó thực hiện vì rất nhiều hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, số hộ chăn nuôi hợp vệ sinh rất ít và việc xử lý chất thải cũng chưa được người dân quan tâm.

Mục tiêu chung của tiêu chí bảo vệ môi trường là nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu vực nông thôn, nhưng để thực hiện được tiêu chí này, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Rah Lan Tuấn-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Trước hết là khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của người dân. Tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh trong nhà trường. Phát huy và nhân rộng các mô hình có sẵn ở địa phương như bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; không vứt rác, xác động vật gây ô nhiễm môi trường; xây dựng hầm biogas, để kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi và nhà vệ sinh. Đưa việc bảo vệ môi trường vào hương ước, tiêu chuẩn xếp loại gia đình, khu dân cư, thôn và xã văn hóa. Các ngành, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nhận thức về sự nguy hiểm của ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề rác thải, từ đó thay đổi hành vi trong sinh hoạt, cuộc sống, nhằm bảo vệ môi trường. Vận động mỗi gia đình nên thu gom rác thải, phân loại và xử lý, khuyến khích hộ chăn nuôi quy mô lớn sử dụng hầm khí sinh học bảo vệ môi trường. Các xã cần sớm quy hoạch nơi thu gom, xử lý rác thải.

Lê Nam-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.