Bài 1: Lãng phí từ đầu cơ đến quy hoạch treo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tài nguyên đất tại TPHCM ngày càng khan hiếm, quỹ đất sạch nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất thiếu. Trong khi trên thực tế, tình trạng nhà, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc hoang hóa do người dân đầu cơ hoặc vướng quy hoạch là khá phổ biến. Cần thay đổi để đất đai - nguồn tài nguyên vô giá, được sử dụng hiệu quả hơn. 
Không khó để tìm thấy những khu đất hoang hóa, những khu biệt thự, nhà phố được xây dựng hoành tráng nhưng không có người ở. Đây là hậu quả của nhiều đồ án quy hoạch bị treo hàng chục năm, nhiều dự án phát triển đô thị có lượng người mua để ở thì ít mà mua để đầu cơ thì nhiều. 
Nhà tiền tỷ bỏ hoang hàng chục năm
Hàng chục năm trước, có dịp đến dự án Khu dân cư Khang An tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM, chúng tôi thấy hàng chục căn biệt thự xây thô, bịt cửa rồi để đó. Khi đó, giao thông chưa thuận tiện như bây giờ. Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (chạy ngang trước mặt dự án) mới manh nha chủ trương đầu tư, đường Liên Phường sau lưng là đường đất lổn ngổn ổ gà, ổ voi…
Từ vị trí này kết nối về trung tâm TPHCM còn khá khó khăn, các dự án nhà ở xung quanh chỉ mới bắt đầu. Dự án Khang An lúc đó như một “ốc đảo”, nhiều người cho rằng đây là lý do khiến hàng chục biệt thự xây xong rồi bỏ hoang.
 
Nhà để trống chưa sử dụng tại khu dân cư Khang An, quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà để trống chưa sử dụng tại khu dân cư Khang An, quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Mới đây, trở lại nơi này, tình trạng hoang hóa có đỡ hơn nhưng hàng chục căn biệt thự vẫn cỏ mọc um tùm dù hạ tầng giao thông đã cải thiện khá nhiều: cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Liên Phường… đã đưa vào sử dụng. Ông B. quê từ Phú Yên - một cư dân hiếm hoi trong dãy phố hơn 10 căn bỏ hoang - vào mua nhà và sinh sống tại đây cho biết, hầu hết các chủ nhà xung quanh mua đầu tư nên không có nhu cầu ở.
Được giá thì bán, không được thì cứ để đó, không tiến hành hoàn thiện nên căn nào cũng cũ kỹ rêu phong, ẩm thấp, một số hộ còn tận dụng nhà trống để... nuôi yến. Nhiều nhà môi giới đất ở đây cho rằng, cộng giá đất với tiền xây dựng, trị giá mỗi căn khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ này không được đưa vào sử dụng là lãng phí!
Theo chủ đầu tư, dự án gồm 350 nền biệt thự song lập và đơn lập, nhà liên kế kết hợp với khu thương mại và chung cư cao 9 tầng. Tuy nhiên, ngoài những căn nhà nêu trên, mặt bằng dự án chỉ là miếng đất đầy cỏ dại. 
Cách đó không xa, dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, quận 9) được khởi công xây dựng từ năm 2005, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án được quy hoạch có quy mô gần 160ha với nhiều phân khu: khu căn hộ phức hợp, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, thể thao... Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo một khu đô thị hiện đại vẫn hoang vắng. Tương tự, nhiều dự án trên địa bàn quận 2, quận 9 cũng trong tình trạng này.
Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái, một phần thuộc quận 9 và quận 2 rộng hơn 400ha đến nay hạ tầng chưa làm xong, người ở thưa thớt. Một khu nhà phố khang trang khác ngay cửa ngõ vào trung tâm TPHCM là Lake View (quận 2) cũng có hàng chục căn đóng cửa bỏ không, nhiều căn treo bảng cho thuê. 
Tại hội thảo tìm giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức gần đây, thống kê cho thấy, cả nước đang tồn khoảng 60.000 căn hộ bỏ trống, trong đó TPHCM là 40.000 căn và Hà Nội là 20.000 căn. Nếu tính bình quân mỗi căn hộ khoảng 2 tỷ đồng thì số tiền “chôn” theo địa ốc khoảng 120.000 tỷ đồng. Đáng nói, phân khúc căn hộ chỉ là một phần của thị trường, tình trạng các khu đô thị, trong đó có đất nền, nhà phố, biệt thự… đang bỏ trống đến nay chưa thống kê được. 
Đất hoang hóa vì quy hoạch treo
Dự án tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) bắt đầu có chủ trương triển khai, thu hồi đất của người dân gần 20 năm trước. Hiện nay việc đền bù, giải tỏa, thu hồi đất vẫn còn dở dang. Diện tích đất đã đền bù, thu hồi phần lớn vẫn còn bỏ hoang, khiến nơi đây trở thành chỗ cho dân nghiện hút, chích, đổ rác… gây ô nhiễm.
Trong khu tái định cư này có một số nền đất, chung cư tái định cư đã hoàn thiện nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì vẫn bỏ hoang. Một người dân nơi đây bức xúc: chúng tôi chấp hành quyết định di dời, nhường đất cho dự án và nhiều trường hợp còn chưa được tái định cư, trong khi đó đất thu hồi lại bị bỏ hoang, thật vô lý! 
 
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) bị “treo” 28 năm. Ảnh: CAO THĂNG
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) bị “treo” 28 năm. Ảnh: CAO THĂNG
Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) có quy mô hơn 426ha, tính đến nay đã có tổng cộng 28 năm bị “treo”. Sau nhiều lần “đổi chủ”, hiện dự án vẫn... treo lơ lửng. Nếu dự án này được thực hiện đúng tiến độ thì giờ này bán đảo Thanh Đa đã trở thành một khu đô thị sinh thái vào hàng đẹp nhất Việt Nam, góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị TPHCM.
Sự chậm trễ trong thực hiện quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa làm cho cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết nhu cầu của người dân, thành phố đã cho phép người dân sửa chữa nhà cửa xuống cấp, nhưng tách thửa thì không.
Trao đổi với chúng tôi, một số bà con nơi đây cho biết, họ sẵn sàng chấp hành chủ trương thực hiện dự án mới của thành phố. Tuy nhiên, mọi việc cần minh bạch, chính sách bồi thường, tái định cư rõ ràng, thỏa đáng chứ không thể mập mờ, kéo dài mãi như thời gian qua. 
Tại TPHCM còn tồn tại nhiều quy hoạch và dự án “treo”. Thời gian qua, thành phố đã ra quyết định thu hồi hơn 5.700ha đất được quy hoạch làm dự án; điều chỉnh quy mô 9 dự án, giảm 137ha đất bị quy hoạch. Trên thực tế vẫn còn rất nhiều quy hoạch treo cả chục năm trời không thấy chủ đầu tư thực hiện dự án, khiến người dân bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, thời gian qua, HĐND TPHCM đã có một số nghị quyết liên quan để giám sát công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở đó, các quận huyện cũng như sở qua kiểm tra thực tiễn đã tham mưu cho UBND TPHCM xóa bỏ, điều chỉnh hoặc thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai hoặc không khả thi.
ĐỖ TRÀ GIANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.