(GLO)- 100 năm, khoảng thời gian không dài trong lịch sử chung của dân tộc nhưng đủ để chứng tỏ một bề dày phát triển của vùng đất cao nguyên này. 100 năm, dù trải qua bao biến cố, thăng trầm với nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính, song đất và người nơi ấy luôn nỗ lực vươn lên trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Để rồi, từ một ngôi làng nhỏ của người Bahnar cạnh dòng Đak Blah, đến nay, Kon Tum đã trở thành một trong những tỉnh có vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Tây Nguyên.
Một góc TP. Kon Tum. |
Nói đến Kon Tum của hiện tại, người ta không chỉ đơn thuần đề cập đến cái độ tuổi 100 tròn trĩnh của một tỉnh mà còn nhắc nhớ lại cả một quá trình lịch sử dài lâu trước đó. Theo thời gian, trải qua vô vàng những biến động, thử thách của thiên nhiên và xã hội, tên gọi Kon Tum ngày nào vẫn được giữ vẹn nguyên mãi cho đến tận bây giờ. Đây cũng là vùng địa lý hành chính được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên.
Kon Tum-Làng Hồ thuở ấy
Khởi thủy, theo truyền thuyết của người Bahnar, Kon Tum chỉ là một ngôi làng của họ có tên là Kon Trang-OR nằm bên cạnh dòng Đak Blah hùng vỹ. Làng này rất thịnh vượng với dân số khá đông. Lúc bấy giờ, giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi-một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang-OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đak Blah. Vì vùng đất này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập của người Bahnar, cạnh dòng Đak Blah, nơi có nhiều hồ nước trũng. Và dịch ra tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng; Tum là hồ, ao, bàu nước...).
Đường Hồ Chí Minh qua huyện Đak Glei. |
Vì là vùng đất bằng, trù phú, được bồi đắp phù sa màu mỡ quanh năm bởi dòng Đak Blah nên đồng bào các dân tộc tụ hội về Kon Tum ngày một đông. Và từ đó, nơi đây trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc, như: Bahnar, Jrai, Xơ Đăng, Jẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Kinh…
Phát huy những điều kiện thuận lợi về tự nhiên mà mình có được, người dân Kon Tum luôn cần cù trong lao động, sản xuất, và ngày một biến vùng đất này trở nên thịnh vượng hơn. Từ một làng, hình thành nhiều làng bao quát cả một vùng đất đai rộng lớn. Mỗi làng mang một tính chất độc lập riêng biệt, do một chủ làng-người có uy tín nhất trong làng-đứng đầu.
Trong giai đoạn khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1786), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết với các dân tộc vùng này. Năm 1840, dưới thời vua Thiệu Trị, triều đình Huế lập Bok Seam (một người Bahnar) làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên, đồng thời cho phép người Kinh và đồng bào các dân tộc được phép tự do quan hệ mua bán, trao đổi. Cũng nhờ thế, hoạt động giao thương giữa Kon Tum với các vùng khác trong cả nước ngày một phát triển và mở rộng hơn.
Mốc son lịch sử
Trong tiến trình biến bán đảo Đông Dương thành thuộc địa của mình, năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức xâm lược nước ta. Đến năm 1867, Pháp bắt đầu tấn công Tây Nguyên và thôn tính được khu vực này. Năm 1892, Pháp đặt tại Kon Tum một tòa đại lý hành chính đầu tiên và giao cho một cố đạo người Pháp tên Vialleton (còn gọi là cha Truyền) cai quản.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. |
Ngày 4-7-1904, thực dân Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, bao gồm hai tòa đại lý hành chính: một tòa ở Kon Tum (trước đó thuộc tỉnh Bình Định) và một tòa ở Cheo Reo (trước đó thuộc tỉnh Phú Yên). Ngày 25-4-1907, Pháp chính thức bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der. Toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der gồm hai tòa đại lý hành chính Kon Tum và Cheo Reo được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên như trước đó.
Ngày 9-2-1913, thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Đây chính là một mốc son lịch sử mà sau đó khiến cho Kon Tum có nhiều thay đổi căn bản, tạo nên dấu ấn trăm năm cho Kon Tum bây giờ.
Đến ngày 2-7-1923, đại lý hành chính Buôn Ma Thuột tách ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Đak Lak. Tháng 12-1929, thị trấn Kon Tum được thành lập, trở thành trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum. Ngày 25-5-1932, đại lý PleiKu được tách ra khỏi tỉnh Kon Tum, thành lập tỉnh PleiKu (tỉnh Gia Lai bây giờ).
Cùng với cả nước, ngày 25-8-1945, nhân dân Kon Tum đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 26-6-1946, thực dân Pháp tấn công và chiếm lại Kon Tum, thiết lập trở lại bộ máy cai trị vùng này. Với quyết tâm đấu tranh, đánh đuổi bọn xâm lăng, đến tháng 2-1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, năm 1974, quân ta tấn công tiêu diệt hoàn toàn các chi khu Đak Pét, Măng Đen, Măng Buk. Tận dụng thời cơ thắng lớn ở Buôn Ma Thuột, ngày 16-3-1975, quân và dân trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào đầu não của địch ở nội thị, giải phóng thành phố và toàn tỉnh Kon Tum.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các huyện trong tỉnh Kon Tum đều được gọi theo tên mật danh như: H16, H29, H30, H40, H67, H80. Riêng thành phố Kon Tum lúc đó mang mật danh là H5. Vùng Kon Hring (nay thuộc huyện Đak Hà) mang mật danh H9. Ứng với mỗi mật danh có tên gọi cụ thể là: H16 (Kon Praih); H29 (Kon Plong); H80 (Đak Tô); H5 (thành phố Kon Tum); H30 (phía Đông Đak Glei); H40 (phía Tây Đak Glei); H67 (Sa Thầy); H9 (Kon Hring). Sau khi tỉnh Kon Tum được giải phóng, toàn tỉnh có thành phố Kon Tum và 6 huyện là H30, H40, H16, H29, H80, H67.
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum. |
Tháng 10-1975, tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có các huyện: huyện Kon Plong (H16 + H29), huyện Đak Glei (H30 + H40), thành phố Kon Tum (H5 + H9), huyện Đak Tô (H80). Năm 1979, thành lập huyện Sa Thầy trên cơ sở phần đất của H67 cũ.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chủ trương của Bộ Chính trị “bỏ khu, hợp tỉnh” đã dẫn đến quyết định thành lập tỉnh Gia Lai-Kon Tum (29-10-1975). Đây là một thời kỳ phấn đấu vô cùng khó khăn của Kon Tum: Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh chống Mỹ lại vừa phải ứng phó với cuộc chiến tranh phía Tây Nam chống tập đoàn diệt chủng Pol Pot ở Campuchia (Kon Tum có chung biên giới với tỉnh Rattanakiri) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Thế nhưng với tinh thần cảnh giác và chiến đấu cao độ, biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ đã được giữ vững. Đến tháng 10-1991, tỉnh Kon Tum được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Và từ đó, Kon Tum vững vàng bước vào công cuộc đổi mới.
Nếu như trước đây, khi còn chung tỉnh với Gia Lai, nhắc đến Kon Tum nhiều người chỉ biết đến như một vùng quê lạc hậu, xa xôi cách trở nằm ở Bắc Tây Nguyên thì giờ đây, mảnh đất này đã trở nên thân thuộc. Kon Tum-Làng Hồ thuở nào nay đã thay da đổi thịt, đang ngày một phát triển mạnh giàu và no ấm hơn.
Song Thi
Bài viết có sử dụng tư liệu của trang Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum: www.kontum.gov.vn