Ayun Pa: Những truyền kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ với người ngoài, ngay cả với cư dân ở thung lũng Ayun Pa cũng thấy miền quê của mình tựa như một vùng đất mới với những thay đổi lớn lao diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, không mấy khác những chuyện truyền kỳ.
Thung lũng Ayun Pa là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Nam tỉnh Gia Lai mà trước hết đây là vựa lúa lớn nhất vùng Bắc Tây Nguyên. Nằm ngay trên những trục giao thông quan trọng của Tây Nguyên là quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, đại thung lũng Ayun Pa bao gồm huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, được kết nối với bên ngoài qua những con đường huyết mạch này.
Truyền kỳ về hạt gạo
Ayun Pa có cảnh quan hùng vĩ. Thung lũng rộng lớn này được bao quanh bởi hệ núi cao, bên trong là những cánh đồng liên kết với nhiều gò đồi, đai núi thấp, tạo nên một bình nguyên rộng lớn giữa lòng cao nguyên.
Nổi bật trên bình nguyên này chính là những cánh đồng lúa nước phì nhiêu nối vào các buôn làng trù phú của cư dân Jrai, Bahnar bản địa và cả của người Kinh. Chính những cánh đồng non trẻ này đã làm nên một truyền kỳ mới về hạt lúa ở Ayun Pa-vùng đất xưa kia luôn khô hạn đến nỗi cư dân Jrai đã khai lập nên lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui đầy trọng vọng cầu mong thần linh giúp giải những cơn hạn hán thường niên. Đó là khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ được xây dựng để dẫn nước sông Ayun về tưới mát cho gần 15 ngàn ha đất đai khô cằn của Phú Thiện, Ayun Pa và Ia Pa, biến chúng thành ruộng nước phì nhiêu cách đây chừng 2 thập kỷ.
Xế chiều ngày mùa, trên những con đường bê tông của buôn Plei Mil (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện), những chiếc xe công nông, máy gặt chở đầy bao lúa từ đồng ruộng về nhà. “Mấy năm nay, dân mình bớt được sức lao động là nhờ buôn làng nào cũng có đủ loại máy cày, máy gặt. Nhờ ruộng nước ở đây có năng suất cao, nhà nào cũng thu được số lúa khấm khá”-anh Ksor Per cười vui khi cùng với nhóm trai làng chuyển lúa từ xe xuống sân phơi.
Người dân huyện Phú Thiện tuôn thóc khô vào bao chờ bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Người dân huyện Phú Thiện tuôn thóc khô vào bao chờ bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Có được nguồn thu khá từ 1 ha lúa nước, lại làm thêm 1 ha mì, bắp, chỉ sau 5 năm, anh đã dành dụm để mua được máy xới đất, máy gặt liên hợp, xe công nông. “Cũng là nhờ ruộng nước có năng suất cao chứ dựa vô mấy vạt rẫy, ruộng nhờ nước trời như hồi chưa có nước Ayun Hạ thì gạo ăn giáp mùa cũng thiếu”-anh Per nói thêm. Và cũng từ ruộng đồng, anh Per đã tậu dần được một đàn trâu, bò 7 con.
Theo Trưởng thôn Rmal Son, ở Plei Mil số hộ làm ăn khá giả như Ksor Per có khá nhiều. Còn khá hơn một bậc nữa là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thì ở Plei Mil cũng có mấy hộ. Các hộ còn khó khăn được những người làm kinh tế giỏi giang này cho mướn ruộng đất giá rẻ, giúp cho công máy cày, cho mượn giống, phân bón để sản xuất, từng bước khá lên. “Đồng ruộng Ayun Hạ làm thay đổi quê mình thiệt là nhanh. Cứ so với cái ngày dân mình còn gùi cõng, không dám cho trâu bò kéo cày, kéo xe, còn ăn củ mài đào trong núi vì thiếu gạo với cuộc sống bây giờ thì sự đổi thay ở Plei Mil giờ như một giấc mơ”-Trưởng thôn Rmal Son nói. Và Plei Mil giờ có trên 50% số hộ có máy cày, máy gặt, xe tải nhỏ.
Có nước về, đồng ruộng rộng dần ra qua bàn tay khai khẩn của cư dân. Không một rẻo đất nào bị bỏ hoang, bỏ phí. Ông Ksor Len ở thị trấn Phú Thiện kể, khi thấy nước Ayun Hạ về làm lợi cho dân mình quá, ai ở đây cũng lần hồi tìm cách để có thêm đất trồng lúa. Thấy vùng đất ở Plei Knong A có chỗ cao nước không vào được, ông cùng các ông Rmah Plik, Rmah Et vận động bà con cùng làm mương, làm trạm bơm dẫn nước Ayun Hạ vào để trồng lúa. “Làm được mấy năm, thấy mình đã khá lên nhiều, tui với ông Et, ông Plik đã nhường bớt ruộng cho mấy hộ còn khó khăn trong làng”-ông Ksor Len kể. 
Truyền kỳ về hạt gạo mới của Ayun Pa còn là truyền kỳ về sự tiến bộ không ngừng của cư dân trong việc học hỏi, tìm tòi, sáng tạo kỹ thuật canh tác cây lúa. Nguồn nước Ayun Hạ đã đánh thức giấc ngủ ngàn đời của bạt ngàn đất đai hoang vu, hiu hắt ở thung lũng Ayun Pa, đồng thời làm bật dậy mạnh hơn tố chất cần cù, ham học hỏi, tiến bộ của cư dân Jrai, Bahnar để họ kịp trở thành những người làm lúa giỏi giang, trình độ. Ông Hà Jôn ở Plei Kte lớn B (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) cho biết: “Thấy nước về đồng, làm ăn khá lên, dân mình ai cũng tìm cách học hỏi chuyện trồng lúa. Học ở các buổi tập huấn do chính quyền xã, huyện tổ chức, học ở bà con người Kinh, học ở những người làm ăn giỏi trong cộng đồng. Nhờ vậy mà năng suất cây lúa mới lên cao được”.
“Năng suất bình quân ở đây thường 7-8 tạ/sào/vụ, thỉnh thoảng vẫn có mức 9-10 tạ/sào/vụ. Có một số hộ người Kinh làm được 11-12 tạ/sào/vụ”-anh Ksor Per cho biết.
Với năng suất 11-12 tạ/sào/vụ, ông Thái Doãn Cần-nguyên Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm giống-cây trồng Ayun Hạ-ghi nhận: “Có thể nói thung lũng Ayun Pa là vùng trồng lúa cho năng suất cao nhất nước. Có lẽ đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu ở đây hợp với cây lúa, bà con lại biết áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp để tăng năng suất cho cây lúa. Thật đáng khâm phục. Giờ đây chính quyền lại kết nối để Tập đoàn Lộc Trời liên kết với nông dân đẩy mạnh sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống. Cùng với đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Phú Thiện-Gia Lai, mở ra cơ hội cho lúa gạo của địa phương vươn xa trên thị trường”.
Và những ngôi nhà dài to đẹp
Thêm một điều hấp dẫn người ngoài khi đến thung lũng Ayun Pa là cảnh quan tươi đẹp, khang trang từ những buôn làng của người Jrai-cư dân bản địa chính yếu và một ít của người Bahnar phô ra từ những ngôi nhà dài “đời mới”.
Những ngôi nhà dài mới là sản phẩm có được từ sự phát triển kinh tế của cư dân, mà nguồn thu nhập đáng kể là từ vựa lúa mới được tạo lập và khai thác không lâu. Với thu nhập hạt lúa làm nền, họ đã dồn góp thêm từ các nguồn thu khác như bắp, mì, chăn nuôi gia súc để làm những ngôi nhà dài mới to đẹp-điều mà thời chưa có ruộng nước không ai có thể mơ tưởng tới.
Ngôi nhà dài mới có lầu theo kiểu Thái của người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Ngôi nhà dài mới có lầu theo kiểu Thái của người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Anh Ksor Per-một trong số người làm nhà dài kiểu mới sớm nhất ở vựa lúa Ayun Hạ-bày tỏ: “Mới vừa khá lên từ đồng ruộng là mình lo dành dụm làm cái nhà này đó. Đã no được cái bụng thì phải làm cái nhà để có chỗ ở vững chãi, cũng góp phần làm đẹp cho buôn làng mình nữa”. Có ngôi nhà đẹp, anh Per cũng mạnh tay mua sắm đồ nội thất tiện nghi đặt vào để hợp với ngôi nhà.   
Gọi là nhà dài kiểu mới bởi đây là sự cách tân từ những ngôi nhà sàn dài truyền thống vốn là loại kiến trúc nhà ở mang đặc trưng văn hóa của một số dân tộc Tây Nguyên và Trường Sơn theo chế độ mẫu hệ, tồn tại từ lâu đời. Thay cho những ngôi nhà dài được làm bằng cây gỗ nhỏ, mái thấp, chật hẹp, mái tranh, vách nứa tạm bợ, những ngôi nhà dài mới ở thung lũng Ayun Pa được làm bằng cây gỗ to (hoặc trụ xi măng), mái cao, bề ngang rộng, mái lợp ngói, tôn, vách làm bằng ván, bằng tôn, được xem là nhà sàn dài kiên cố.
Nhà dài mới làm đẹp cho buôn làng bởi có dáng vẻ bề thế và nét kiến trúc mạnh mẽ. Chúng có chiều dài từ 10 m đến 25 m nhưng có khi chỉ có tối đa là 3 hộ chung sống gồm căn hộ (còn gọi là bếp) của cha mẹ và con cái chưa có chồng, có vợ, rồi đến căn hộ của các con gái đã có chồng con, chứ không như ngày trước là mỗi ngôi nhà dài có khi có đến 9-10 hộ cùng sinh sống. Những ngôi nhà dài đời mới đều có sàn rất cao để tầng dưới sàn dùng làm nơi cất giữ các loại nông cơ, nông cụ, xe cộ, các vật dụng khác và cả chứa nông sản.
Để làm đẹp cho ngôi nhà dài, ngoài những ngôi nhà mái dài đơn giản, cư dân còn tạo thêm những kiến trúc phụ. Đã có những ngôi nhà dài làm theo hình chữ L, chữ T, nhà dài mái Thái, nhà dài đôi với hai ngôi song song có ngôi nhà ngang ở một bên làm cầu nối. Và đã có một số người làm nhà dài có lầu theo kiểu nhà Thái, khá cầu kỳ và rất đẹp.
“Mình thích ngôi nhà lầu của người Kinh nên phải làm cái nhà dài có lầu, mở thêm phòng phụ để làm đẹp thêm cho ngôi nhà. Để có cái nhà dài mới to đẹp thì phải chịu tốn kém thôi. Mình làm nhà to cũng là góp thêm vẻ đẹp cho buôn làng”-ông Rô Khen (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) bày tỏ.
“Dân mình trước đây đã khổ vì khó nghèo rồi. Nay cuộc sống khá lên nhiều thì phải cố để có cái nhà đàng hoàng để ở đặng làm ăn cho tiến bộ hơn”-các chủ nhân của những ngôi nhà dài mới đều nói giống nhau. Và thật đáng nói, toàn bộ những ngôi nhà dài đời mới, kể cả nhà dài có lầu, thảy đều do thợ mộc bản địa đứng làm. Cũng là sự giỏi giang, sáng tạo đầy tiến bộ của họ trong cuộc hội nhập hôm nay.
HUỲNH VĂN MỸ

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.