Apple có thể bị cấm bán iPhone, mảng chip bán dẫn rúng động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đòi đưa công ty gia công chip của Apple ra tòa, GlobalFoundries có thể yêu cầu cấm bán iPhone tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Đức.

 

TSMC, công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới, cũng là công ty gia công chip cho Apple vừa bị kiện. Vụ kiện này có thể khiến các sản phẩm sử dụng chip do TSMC sản xuất, bao gồm cả iPhone, bị cấm bán ở Mỹ và Đức.

Công ty kiện TSMC là GlobalFoundries, hiện là công ty gia công chip lớn thứ 3 thế giới. GlobalFoundries cho rằng TSMC đã vi phạm những bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ và châu Âu, do vậy công ty này cũng kiện TSMC tại hai khu vực nói trên. Đơn kiện về vi phạm bằng sáng chế được gửi tới Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), còn 2 đơn kiện dân sự được gửi tới tòa tại Mỹ và Đức.

"Phải có người hành động để đảm bảo ngành công nghiệp bán dẫn luôn có sự cạnh tranh. Chúng tôi đang nhờ đến tòa án của Mỹ và châu Âu, những nơi quan tâm đến việc bảo vệ ngành sản xuất", ông Sam Azar, Phó chủ tịch của GlobalFoundries cho biết.

iPhone có thể bị cấm bán như năm 2018

Theo Bloomberg, tòa án tại Đức phản ứng rất nhanh trước các sự việc liên quan đến bản quyền. Họ có thể cấm bán sản phẩm ngay trong quá trình xét xử, như trường hợp cấm bán iPhone tại Đức khi tranh chấp bản quyền với Qualcomm năm 2018.


 

Cuối năm 2018, các mẫu iPhone 7 và iPhone 8 từng bị cấm bán tại Đức cũng do tranh chấp bản quyền. Ảnh: CultofMac.
Cuối năm 2018, các mẫu iPhone 7 và iPhone 8 từng bị cấm bán tại Đức cũng do tranh chấp bản quyền. Ảnh: CultofMac.




Trong khi đó, ITC, đơn vị có trách nhiệm đảm bảo công bằng thương mại ở Mỹ cũng xử lý rất nhanh, thời gian điều tra thường chỉ kéo dài 15-18 tháng. ITC có quyền cấm bán các sản phẩm tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ủy ban này sẽ chỉ cấm bán sản phẩm khi không ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Các đơn kiện dân sự tại Mỹ, được gửi tới tòa án ở Delaware và Texas, sẽ có thời gian xét xử lâu hơn, nhưng phán quyết có thể ảnh hưởng rất lớn tới công ty thua kiện.

Những bản quyền mà GlobalFoundries đưa ra kiện bao gồm nhiều công nghệ cơ bản để sản xuất chip bán dẫn. Các bản quyền này được đăng ký tại Mỹ và Đức, bao gồm cả những công nghệ hiện đại nhất như tiến trình sản xuất 7 nm, hiện đã được TSMC áp dụng.

GlobalFoundries yêu cầu TSMC dừng sử dụng các bản quyền công nghệ tranh chấp, hoặc phải xin phép và trả tiền bản quyền sử dụng.

Lý do GlobalFoundries yêu cầu cấm bán các sản phẩm của Apple và các đối tác khác của TSMC như Cisco, Nvidia, Google, Lenovo là TSMC không trực tiếp bán chip đến tay người dùng cuối. Do vậy, cách duy nhất để cấm những chip vi phạm bản quyền là cấm các sản phẩm sử dụng chip.


 

 TSMC là công ty gia công chip dùng trong các sản phẩm Apple nhiều năm nay. Ảnh: Cnet.
TSMC là công ty gia công chip dùng trong các sản phẩm Apple nhiều năm nay. Ảnh: Cnet.




Những sản phẩm được liệt kê trong đơn kiện bao gồm cả iPhone, AirPods, Apple TV, iPad, các loại hộp chuyển mạch của Cisco, máy tính Lenovo sử dụng chip đồ họa của Nvidia.

Năm 2018, vụ tranh chấp bản quyền giữa Qualcomm và Apple từng có những diễn biến tương tự. Tháng 12/2018, tòa án tại Đức và Trung Quốc đều ra phán quyết dừng bán một số mẫu iPhone vi phạm bản quyền công nghệ Qualcomm. Lệnh cấm này chỉ kết thúc khi hai công ty đạt được thỏa thuận bản quyền vào tháng 4/2019.

 Vụ kiện làm ảnh hưởng toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn


GlobalFoundries ban đầu là đơn vị gia công chip tách ra từ AMD. Công ty này có các nhà máy ở New York, Mỹ và Dresden, Đức. Hiện tại GlobalFoundries thuộc sở hữu của chính phủ UAE.

TSMC hiện là công ty đi đầu về công nghệ gia công chip bán dẫn. Họ đã ứng dụng được những công nghệ hiện đại, như tiến trình sản xuất 7 nm đang tranh chấp. Khách hàng của TSMC cũng bao gồm nhiều ông lớn trong làng công nghệ như Apple, Nvidia, Lenovo, Qualcomm, Cisco.


 

GlobalFoundries là công ty gia công chip lớn thứ 3 thế giới, có trụ sở tại Mỹ. Họ có các nhà máy gia công chip tại Mỹ và Đức. Ảnh: GlobalFoundries.
GlobalFoundries là công ty gia công chip lớn thứ 3 thế giới, có trụ sở tại Mỹ. Họ có các nhà máy gia công chip tại Mỹ và Đức. Ảnh: GlobalFoundries.



Theo Bloomberg, vụ kiện này có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn bộ các sản phẩm bán dẫn, từ smartphone, máy tính đến những loại chip quan trọng cho hạ tầng mạng như chuyển mạch và định tuyến. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của TSMC. Chưa tính đến vụ kiện mới nhất, ngành bán dẫn đã gặp nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa kết thúc.

Với thế mạnh về tiền và công nghệ, TSMC đang vượt trội hoàn toàn so với những nhà sản xuất chip khác. GlobalFoundries cho biết họ muốn kiện TSMC vì công ty này đã vi phạm bản quyền công nghệ để kiếm hàng chục tỷ USD.

GlobalFoundries cho rằng việc cấm bán các sản phẩm sử dụng chip do TSMC gia công sẽ không làm ảnh hưởng tới người dùng, bởi vẫn còn nhiều lựa chọn khác như Samsung, Sony, LG. Theo đơn kiện, những nhà sản xuất này sẽ đảm bảo nguồn cung và lựa chọn của người tiêu dùng không bị giới hạn.

Samsung và GlobalFoundries có thỏa thuận về chia sẻ công nghệ sản xuất chip. Đây cũng là 2 công ty gia công chip đứng ngay sau TSMC về doanh thu trong quý I/2019, theo TrendForce.

Phía TSMC cho biết công ty này chưa biết gì về vụ kiện và các chi tiết liên quan.

"TSMC luôn tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi tự phát triển tất cả các công nghệ của mình", đại diện của TSMC, bà Elizabeth Sun cho biết.

 

Nhật Minh (zing)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.