An Khê: Khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, các ngành và địa phương thuộc thị xã An Khê (Gia Lai) luôn quan tâm khôi phục và bảo tồn các trò chơi dân gian, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc.
Bảo tồn từ cơ sở
Sau buổi tan trường, những em nhỏ ở làng Pơ Nang (xã Tú An) xúm xít dưới gốc cây rợp bóng mát chơi các trò đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co… Chỉ vào đôi cà kheo, em Đinh Su (10 tuổi) hồn nhiên khoe: “Ba làm cho em đó. Cứ đi học về là chúng em tập trung tại đây, đông thì chơi kéo co, ít thì đẩy gậy, đi cà kheo”.
Ông Đinh Văn Thuyết-Trưởng thôn Pơ Nang-cho hay: Các môn kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo là những trò chơi dân gian của người Bahnar ở xã Tú An. Khi còn nhỏ, ông vẫn thường chơi những trò này, sau dạy lại cho con cháu. Trò chơi dân gian không thể thiếu trong các lễ hội, thu hút trẻ con và cả người lớn tham gia, khiến ngày hội thêm sôi động. Cứ thế, các trò chơi được bảo tồn từ đời này sang đời khác một cách rất tự nhiên.
 Các trò chơi dân gian tại Hội Cầu huê 2020 (thị xã An Khê). Ảnh: N.M
Các trò chơi dân gian tại Hội Cầu huê 2020 (thị xã An Khê). Ảnh: N.M
Nhiều năm nay, trò chơi dân gian cũng được thị xã An Khê tích cực đưa vào các hoạt động như: Đại hội Thể dục Thể thao, Ngày hội Văn hóa các dân tộc, Hội khỏe Phù Đổng và Hội Cầu huê. Tại Hội Cầu huê năm 2020, nhiều trò chơi dân gian đã được bố trí vào chương trình như: đập niêu, leo cây lấy lộc đầu xuân, múa sạp, bắt lươn trong chum… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, trải nghiệm.
Chiến thắng trong trò chơi “Mang nước về làng”, em Phạm Thị Duy Quyên (12 tuổi, tổ 6, phường Tây Sơn) hồ hởi kể: “Rút kinh nghiệm trong những trò chơi trước, trò chơi này em cẩn thận, bình tĩnh nên giành chiến thắng”. Tham dự lễ hội, ông Malcolm David Prouty (quốc tịch Mỹ) vui vẻ nói: “Qua lễ hội, tôi biết được nhiều trò chơi dân gian của Việt Nam nói chung và của vùng đất An Khê nói riêng. Quả là rất thú vị!”.
Tại các trường học trên địa bàn thị xã An Khê, trò chơi dân gian cũng được lồng ghép vào các tiết học ngoại khóa, giờ ra chơi, tiết thể dục. Đây là việc làm thiết thực, góp phần bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian trong đời sống. Cô Huỳnh Thị Hương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây (phường An Phú) chia sẻ: “Trò chơi dân gian có tính vận động cao, tăng cường sức khỏe, thể chất cho học sinh, đồng thời tăng tính đoàn kết, sẻ chia, phát huy khả năng làm việc nhóm…Vì thế, nhiều năm qua, nhà trường thường lồng ghép các trò chơi: kéo co, nhảy bao bố, nhảy dây… vào các hoạt động ngoại khóa”.  
Phát huy giá trị trò chơi dân gian
Ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê-cho hay: Thời gian qua, Phòng đã triển khai cho các trường học, nhất là các trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co... trong các hoạt động ngoại khóa, qua đó góp phần giáo dục các em về tính tập thể, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 
Nhằm khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian, những năm gần đây, Thị Đoàn An Khê cũng lồng ghép trò chơi dân gian vào các hội thi. Anh Vũ Việt Cường-Phó Bí thư Thị Đoàn An Khê-cho biết: Vào mỗi dịp hè, Thị Đoàn thường tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về quần thể Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, trong đó có thi các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, ô ăn quan, đua thuyền trên cạn, đôi hài vạn dặm, cướp cờ... cho các em học sinh trên địa bàn thị xã, tạo không khí giao lưu sôi nổi, đoàn kết.
Trao đổi với P.V, ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã An Khê-thông tin: Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian, tạo sân chơi vui tươi, bổ ích lành mạnh, phấn khởi trong nhân dân, hàng năm, thị xã duy trì tổ chức Hội Cầu huê và các hoạt động thể dục-thể thao khác. Và các trò chơi dân gian luôn được xem là một phần tất yếu, quan trọng trong các hoạt động này. Thời gian tới, ngành sẽ sưu tầm và khôi phục một số trò chơi dân gian để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa của địa phương; tạo điều kiện để các thôn, làng phát huy thế mạnh về trò chơi dân gian gắn với đời sống, tập quán. 
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

null