Agribank Gia Lai đồng hành cùng tam nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 91% cơ cấu tín dụng, còn vốn cho nông hộ chiếm 85,7% tổng dư nợ của Agribank Gia Lai. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng hành với tam nông cũng như khẳng định vai trò chủ đạo của Agribank đối với thị trường này.

Quầy giao dịch Agribank Gia Lai. Ảnh: S.C
Quầy giao dịch Agribank Gia Lai. Ảnh: S.C

Đầu tư cho tam nông là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện xuyên suốt bằng các chương trình, chính sách cụ thể trong nhiều năm qua. Với thế mạnh của một ngân hàng có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Agribank Gia Lai) đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho tam nông, khẳng định được vai trò chủ đạo trên thị trường này, trở thành người bạn thủy chung, kề vai sát cánh cùng nông dân trong mọi hoàn cảnh.

Là đơn vị tiên phong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn, Agribank Gia Lai đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh theo đúng định hướng chỉ đạo của ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng. Bên cạnh đó, đơn vị đã đổi mới toàn diện công tác quản trị điều hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ cuối năm 2006 đến nay, hoạt động tín dụng của Agribank Gia Lai đã có sự thay đổi rõ rệt khi tỷ trọng dư nợ địa bàn TP. Pleiku từ 51% năm 2006 giảm xuống còn 25,6% năm 2016; ngược lại, dư nợ địa bàn huyện, thị xã từ 49% tăng lên 74,4%; dư nợ hộ sản xuất từ 60% tăng lên 85,7% (đến 30-9-2016, dư nợ hộ sản xuất đạt 10.546 tỷ đồng/12.300 tỷ đồng tổng dư nợ); tỷ trọng dư nợ nông nghiệp-nông thôn hiện nay chiếm tới 91%. Thông qua hoạt động đầu tư tín dụng cho tam nông của Agribank Gia Lai, đời sống kinh tế-xã hội khu vực nông thôn đã thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, gia tăng thu nhập cho nông hộ, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 11,36%. Mạng lưới hoạt động phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, cộng với sự trợ giúp đắc lực của gần 1.300 tổ vay vốn thuộc Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đã đẩy mạnh dòng chảy tín dụng đến mọi nơi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần hỗ trợ địa phương, nông hộ phát triển kinh tế nông nghiệp, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất cho các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực với gần 80 ngàn ha cà phê, gần 103 ngàn ha cao su, trên 17 ngàn ha điều, trên 14 ngàn ha hồ tiêu, trên 38 ngàn ha mía...

 

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết: Gần 65.000 hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đang có quan hệ tín dụng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Trong những năm tới, Agribank Gia Lai vẫn tiếp tục đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt, đơn vị chú trọng thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Nhà nước.

Trong vai trò người bạn đồng hành thủy chung của nông dân, Agribank Gia Lai vô cùng tự hào khi nhận thấy những đổi thay tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực nhân lên hiệu quả đồng vốn vay từ khách hàng nông hộ. Đơn cử như tại tổ vay vốn Plei Hrai Dong II (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Thông qua công tác phối hợp với Hội Nông dân, Agribank Chư Pưh đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên, tổ viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Với mức vay bình quân 50-60 triệu đồng/hộ, các thành viên trong tổ đã tích cực tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cách sử dụng vốn vay hiệu quả cũng như cộng đồng trách nhiệm trả lãi, trả nợ ngân hàng đúng hạn. Nhờ tham gia sinh hoạt ở tổ, nhiều tổ viên đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây bắp, cây mì sang trồng tiêu kinh doanh. Có tinh thần cầu thị, biết học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và được sự trợ giúp tín dụng của Agribank, một số tổ viên đã phát triển diện tích vườn tiêu lên đến hàng ngàn trụ, thu nhập tăng đáng kể so với trước đây. Nhiều thành viên như Ksor Klen, Ksor Raih, Rmah Plup, Rmah Minh... đã gầy dựng được vườn cây, cơ ngơi ổn định cho gia đình, đồng thời giúp nhiều tổ viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đúng như thông điệp “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, Agribank Gia Lai không chỉ đồng hành trong gian khó mà còn nỗ lực hỗ trợ, tiếp sức cho nông dân vươn lên làm giàu. Là người sinh ra ở Nam Hà nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Minh đã chọn mảnh đất Kim Tân (huyện Ia Pa) để lập nghiệp. Cũng như nhiều nông dân trong vùng, ban đầu, ông Minh trồng cây  mía, cây mì với quy mô nhỏ lẻ. Sau thời gian cần mẫn tích lũy, cộng thêm sự hỗ trợ tích cực của Agribank Ia Pa, năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng cánh đồng mía lên 9 ha, sử dụng giống mía mới cho năng suất 60 tấn-90 tấn/ha. Ngoài ra, ông Minh còn đầu tư hàng tỷ đồng vào chăn nuôi bò để có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Theo tính toán của ông Minh, với phương thức đầu tư lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp như hiện tại thì gia đình luôn có nguồn thu ổn định để tái sản xuất cũng như đảm bảo nghĩa vụ trả lãi, trả gốc cho ngân hàng. Hiện nay, trang trại của ông Minh là một trong 5 mô hình được Agribank Ia Pa tích cực đầu tư tín dụng. Trong năm 2016, ông đã mạnh dạn vay thêm vốn để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, thu hoạch mía trên cánh đồng của gia đình.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.