Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc vẫn đang diễn ra. Năm anh em chúng tôi đi tiền trạm đứng ở bên này Cốc Lếu nhìn sang, quyết định phải đóng mảng để vượt sông sang nhà máy...
|
Cầu Cốc Lếu bị Trung Quốc phá hủy - Ảnh: Tư liệu của tác giả |
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979), công nhân và tiểu đoàn tự vệ mỏ Apatit Lào Cai, công nhân các nhà máy Điện Lạng Sơn, Lào Cai…đã bảo vệ nhà máy đến phút cuối cùng...
Bảo toàn lực lượng
16 giờ ngày 17.2.1979, anh em chúng tôi mệt, đói vì từ sáng đến giờ chưa ai được ăn gì, chỉ uống nước cầm hơi. Nhà máy ngừng im ắng lạ thường càng làm anh em chúng tôi quấn quýt bên nhau trong gian khó lúc này. Chúng tôi tổ chức nấu ăn ngay trong nhà máy để anh em có đủ sức lực tiếp tục làm nhiệm vụ.
5 giờ sáng ngày 18.2.1979, tất cả chúng tôi đều đã thức, nhưng thực ra suốt đêm hôm trước nào có ai ngủ được ngon giấc đâu vì mọi người đều cảnh giác đề phòng thám báo tập kích vào nhà máy. Khoảng 6 giờ, nhưng cả thị xã Lào Cai vẫn lặng im. Giám đốc Trung Văn bèn cử Thuận, một công nhân rất nhanh nhẹn lúc này đã nhận nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo và là liên lạc của nhà máy, được cử đi lên thị xã để nắm tình hình và liên lạc với bộ đội, công an và ủy ban thị xã để xin ý kiến chỉ đạo. Thuận lên đến đầu cầu Cốc Lếu thì cầu đã bị đạn pháo Trung Quốc bắn hỏng mặt cầu, nên phải bò trên những thanh sắt còn lại để sang bên Cốc Lếu tìm cách bắt liên lạc. Khoảng 1 tiếng sau, Thuận trở về nhà máy và báo tin rằng các cơ quan của thị xã đều đã rút.
Bấy giờ, chúng tôi thấy từng đàn trâu được lính Trung Quốc lùa xuống cửa sông Nậm Thi lúc này nước rất cạn. Lúc này, mọi người mới vỡ lẽ và hiểu ra vì sao trước đó phía Trung Quốc đã mua hàng trăm con trâu của các huyện biên giới giữa Lào Cai và Hà Khẩu. Trâu bị lùa đi trước để dọn mìn cho quân Trung Quốc.
|
Khu tập thể nhà máy Điện Lào Cai - Ảnh: Tư liệu của tác giả |
Thế là chúng tôi đã hoàn toàn mất liên lạc với các cơ quan, đơn vị và ban lãnh đạo của thị xã Lào Cai. Lãnh đạo nhà máy cấp tốc mở cuộc họp chớp nhoáng, bàn: Tiếp tục ở lại nhà máy để giữ nhà máy hay rút về tuyến sau?
Tình hình lúc này quân Trung Quốc chưa trực tiếp vượt sông sang thị xã Lào Cai. Sau này chúng tôi mới biết linh Trung Quốc áp dụng chiến thuật “đánh gọng kìm”, tức là một đoàn quân bắc cầu phao qua sông Hồng từ phía bắc sang rồi vòng xuống Lào Cai; một đoàn quân khác vượt sông Nậm Thi từ phía bản Quẫn cách thị xã Lào Cai khoảng 5 km để phối hợp cùng cánh quân từ Mường Khương đổ về. Sau đó đến ngày 19.2, chúng mới chính thức tiến vào chiếm thị xã Lào Cai.
Như vậy trong ngày 18.2, tình hình thị xã Lào Cai và nhà máy yên tĩnh lạ thường. Sau khi cuộc họp gần kết thúc và mọi người đều nhất trí tổ chức cho toàn thể trên 20 anh chị em chuẩn bị rút về tuyến sau là thị trấn Phố Lu, nơi mà trước đó các gia đình và hàng trăm con người nhà máy đã về tập kết tại đây. Chỉ riêng anh Trần Duy Hài, phụ trách đại đội tự vệ, tuyên bố quyết ở lại bám trụ nhà máy.
Đến gần chiều tối 18.2, đoàn chúng tôi mới đến được phố Lu sau hơn 11 giờ chạy bộ. Khi chúng tôi về nơi tập kết thì tất cả bà con, các trẻ nhỏ đều ùa ra ôm chặt lấy nhau, khóc.
Hỏi vì sao chúng tôi về được rồi mà ai cũng khóc thì được biết, một số dân trước đó ở bên Cốc Lếu chứng kiến cảnh pháo Trung Quốc cấp tập vào lúc sau 11 giờ 30 phút. Trưa 17.2 thấy nhà máy mịt mù trong khói lửa thì cho rằng tất cả anh em còn lại trong nhà máy đã chết hết cả rồi.
Trở lại thu hồi nhà máy
Bắt đầu từ ngày 20.2.1979, toàn bộ gần 400 người của nhà máy, gồm cả người già và gần 100 trẻ nhỏ, được vận chuyển bằng ô tô tải từ phố Lu về nhà máy thủy điện Thác Bà là nơi tập kết và là bản doanh tạm thời của nhà máy Điện Lào Cai. Cán bộ, công nhân viên nhà máy Thủy điện Thác Bà lúc đó đã rất ân cần, tiếp đón những người đồng nghiệp về tá túc tại đây.
Khoảng tuần đầu của tháng 3.1979 chúng tôi được tin lính Trung Quốc đã rút khỏi ở tất cả 6 tỉnh biên giới. Lãnh đạo nhà máy họp tại Thác Bà để chuẩn bị đưa người về tiếp quản lại nhà máy.
Suốt chặng đường đi qua khỏi địa phận Yên Bái, bước vào vùng ranh giới Lào Cai, bắt đầu từ Phố Lu đoàn chúng tôi đã thấy cảnh chiến tranh hiện ra. Càng đi lên gần Lào Cai, nhất là khi qua khu mỏ Apatit thì cảnh tan hoang do tàn phá nhà cửa, máy móc hoang tàn.
Thế rồi chúng tôi cũng về lại được thị xã Lào Cai, từ bản Cốc Lếu nhìn sang Lào Cai phía nhà máy mọi người đều ngỡ ngàng không còn thấy hình dáng nhà máy với ống khói cao vút ngày nào…
|
Nhà máy Điện Lào Cai lung linh ánh điện trong đêm khánh thành - Ảnh: Tư liệu của tác giả |
Năm anh em đi tiền trạm đứng ở bên này Cốc Lếu nhìn sang và quyết định phải đóng mảng để vượt sông sang nhà máy vì lúc đó cầu Cốc Lếu đã bị phá hủy hoàn toàn. Mảng của 5 anh em chúng tôi cũng đã cặp bờ ngay dưới bờ sông sát cạnh nhà máy. Lúc đó từ phía khu tập thể công nhân nhà máy hàng chục con chó sủa vang mừng rỡ. Chúng tôi còn đang phân vân không biết cách nào lên được nhà máy vì đã được cảnh báo việc lính Trung Quốc trước lúc rút đã gài rất nhiều mìn. Nhưng chính nhờ đàn chó đang chạy ào xuống sát bờ sông, vẫy đuôi mừng rỡ kia, chúng tôi cứ theo vết đàn chó mà lên được bờ, sát ngay khu công nhân của nhà máy.
Chúng tôi chưa vội vào nhà máy mà cùng nhau thám thính các khu tập thể gia đình công nhân viên chức đang rất tan hoang. Chúng tôi dùng sào nứa nối dài cách xa gần 10 m, đẩy các cánh cửa, nếu không có tiếng nổ là an toàn. Sau hơn một giờ chúng tôi đã kiểm soát an toàn các khu gia đình.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi vào nhà máy. Một cảnh tượng tan hoang chưa từng có, toàn bộ nhà máy cao 5 tầng đổ sụp hoàn toàn. Tất cả 5 anh em chúng tôi lặng người, rồi không ai bảo ai ôm nhau khóc nức nở thành tiếng không thể nào kìm được…
Suốt nửa ngày trời đi tìm tung tích anh Trần Duy Hài, người ở lại bám trụ nhà máy, không có kết quả, chúng tôi phán đoán hay anh bị bắt sang Trung Quốc hoặc anh đã hy sinh. Và những ngày tiếp theo, tuy công việc thu hồi bề bộn, nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm mọi cách tìm anh Hài và anh em vẫn biệt tích… Mãi đến hơn 15 năm sau, hài cốt liệt sĩ Trần Duy Hải mới được tìm thấy ở hầm băng tải than nhà máy.
Cùng thời gian này, đoàn cán bộ của Công ty Điện lực miền Bắc, đoàn cán bộ của Bộ Điện và Than cũng lên Lào Cai thị sát nhà máy, yêu cầu lãnh đạo nhà máy tổ chức các đội lên thu hồi các thiết bị còn lại có thể sử dụng làm thiết bị dự phòng cho các nhà máy điện khác. Còn lại, nhà máy Điện Lào Cai không thể khôi phục.
Thông tin đó khiến cán bộ, công nhân viên nhà máy vô cùng buồn bã, nhưng nhiệm vụ thu hồi vẫn được triển khai tích cực. Thế là nhà máy thành lập các đội thu hồi, mỗi đội từ 30 - 35 người thay nhau lên nhà máy thu hồi thiết bị. Những mô tơ điện nặng hàng tấn được anh em dùng cáp, dây thừng và bằng sức lực của hàng chục con người kéo từng mét từ trong đống đổ nát mang ra ngoài. Nhưng rồi ai nấy đều sững sờ khi thấy những mô tơ nặng hàng tấn này cái nào cũng nứt toác hoặc các cuộn dây bị phá hủy do mìn lá của Trung Quốc gài vào và giật nổ.
Cuối cùng việc thu hồi nhà máy chỉ được gần 100 phi dầu mà thôi. Các đội thu hồi lại chuyển sang nhận nhiệm vụ mới là tâp trung đến từng hộ gia đình: quần áo, chăn màn, giường tủ, bàn ghế rồi vận chuyển về Thác Bà để mọi người nhận lại tài sản còn lại của mình.
Công tác thu hồi từ tháng 3 đến tháng 6, ròng rã liên tục ngày đêm…
Tháng 7.1979 nhà máy Điện Lào Cai chính thức bị giải thể, trên 300 cán bộ viên chức nhà máy được phân về các đơn vị mới như Uông Bí, Phả Lại, thủy điện Thái Nguyên Hòa Bình, Việt Trì và các sở Điện lực như Hải Phòng, Hà Tây và cả miền Trung, miền Nam. Một phần cán bộ công nhân viên chức ở lại Yên Bái để thành lập sở Điện lực Hoàng Liên Sơn. |
Theo Nguyễn Văn Kỷ (ThanhNiên)