23 bông hồng trắng dâng chị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi chị được nhà nước tôn vinh, công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, gia đình tôi mới biết rõ hơn vì sao chị không chịu lấy chồng, vì sao chị nhất quyết vào thị xã làm nghề may...

Chị tôi tên Nguyễn Thị Thủy. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, chị là một thôn nữ xinh đẹp, duyên dáng. Thời đó, khoảng đầu những năm 1960, phần lớn con gái trong làng tôi chỉ được cha mẹ cho đi học biết đọc, biết viết là phải ở nhà làm lụng. Cha mẹ tôi dù chẳng khấm khá gì cũng quyết cố gắng cho 3 anh em trai và chị gái tôi học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, học hết bậc tiểu học, chị tôi đã nghỉ.

Thôn nữ và chiến sĩ an ninh đặc tình

Chị tôi làm nông cùng gia đình và học thêm nghề làm nón lá - ở quê thường gọi là "chằm nón", một nghề thủ công lúc nông nhàn. Nhờ có hoa tay và chút kiến thức, những chiếc nón lá thông thường và nón "bài thơ" chị làm rất bền và đẹp, ai cũng khen. Tiếng lành đồn xa, khách đặt hàng ngày càng đông, không chỉ giúp gia đình thêm khấm khá mà còn trở thành một nguồn thu nhập ổn định, nhiều người mơ ước. Căn nhà tranh chính 3 gian 2 chái và căn nhà bếp của gia đình tôi như một công xưởng nhỏ, ngày càng trở nên chật chội.


 

Gia đình tôi khoảng năm 1967, chị đứng vịn vai tôi (thứ 3 từ trái sang)
Gia đình tôi khoảng năm 1967, chị đứng vịn vai tôi (thứ 3 từ trái sang)
Chị Nguyễn Thị Thủy
Chị Nguyễn Thị Thủy



Là vùng chiến sự giáp ranh, làng tôi là ấp chiến lược, ban ngày do địch kiểm soát. Họ cho xây hàng rào dây kẽm gai nhiều lớp bao bọc quanh làng, chỉ mở 5 cửa ra vào ban ngày. Buổi chiều trước khi mặt trời lặn, dân làng đi làm ruộng hay trâu, bò thả rông bên ngoài phải quay về làng, nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Ban đêm, các cửa đó được đóng lại, binh lính gài mìn và lựu đạn để ngăn cán bộ, du kích cách mạng vào hoạt động. Có hôm, người và trâu, bò về muộn bị trúng mìn chết thảm.

Tôi không thể nào quên những năm tháng chiến tranh ác liệt đó trong ký ức tuổi thơ, khi không đêm nào là không có tiếng súng nổ và chết chóc. Nhiều du kích, cán bộ cách mạng đã bị địch phục kích sát hại. Lũ trẻ chúng tôi mỗi lần đi qua các cửa về làng phải chạy vội vì nỗi sợ ám ảnh. Làng quê u uất, không còn yên bình.

Thế rồi, nhiều đêm, tôi thấy chị tôi ngồi nói chuyện thầm thì với một anh cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Có hôm, tôi thấy anh ấy nắm tay chị khá lâu và trao cho chị một thứ gì đó. Còn con nít nên tôi nào biết gì, cứ quanh quẩn bên chị như một "kẻ phá đám" và nghĩ rằng: Sao anh ta lại nắm tay giành chị của mình? Chị có quà thì mình cũng phải có chứ - nực cười thật! Chị xoa đầu tôi, bảo: "Đi ngủ đi, mai chị mua kẹo cho!". Tôi vâng lời và không "phá đám" anh chị nữa.

Không lâu sau, có lẽ khoảng giữa năm 1967, đột nhiên chị tôi nói sẽ bỏ nghề chằm nón, về thị xã học nghề may. Gia đình can ngăn, ai cũng bảo chị đang ăn nên làm ra sao lại bỏ nghề? Nhưng chị vẫn quyết ra đi, cho rằng nghề chằm nón không có tương lai nên cần khởi nghiệp nghề mới.

Không ai biết rằng thời điểm đó, chị được Ban An ninh thị xã Quảng Hà (tức thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ngày nay) giao nhiệm vụ vào hoạt động trong vùng địch, làm đặc tình và là cơ sở bí mật của cách mạng. Người chỉ huy lực lượng an ninh lúc bấy giờ là anh Trương Hữu Quốc, sau này là Thiếu tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (đã nghỉ hưu, sống tại TP HCM).

Những năm từ 1967-1972, sống và hoạt động trong lòng địch, giữa chốn thị thành, luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, có thể bị lộ tung tích, bị địch bắt, tù đày nhưng chị tôi đã rất khôn khéo, không để bị nghi ngờ, phát hiện. Nhờ có nét duyên dáng, dễ thương, chị quen biết với viên thiếu tá quận trưởng quận Mai Lĩnh. Một viên đại úy thủy quân lục chiến, quân phục rằn ri quân đội Sài Gòn, có vóc dáng cao to, đẹp trai, nói giọng Nam Bộ cũng thường theo tán tỉnh chị, nhiều lần lái xe Jeep nhà binh nhã ý đưa chị về làng hay đi dạo phố nhưng chị đều khéo léo từ chối. Tôi thì được một đôi lần, sau đó đã bị chị mắng, cấm leo lên chiếc xe Jeep của viên đại úy nọ. Tôi đâu biết sự nguy hiểm rình rập vì tất cả các xe quân sự đều có thể là mục tiêu đánh mìn của du kích.

Cũng nhờ sự quen biết với một số quan chức và sĩ quan bên địch, chị tôi đi lại dễ dàng, về làng như con thoi để liên lạc qua hộp thư mật. Chị đi qua các chốt kiểm soát mà không lính nào dám hạch hỏi.

Có hôm, chúng lập trạm kiểm soát, ngăn cản, không cho dân làng vào thị xã vì cho rằng họ đi mua thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho "Việt cộng". Cha tôi đi khám bệnh cũng bị chặn lại. Viên thiếu tá quận trưởng biết được đã lệnh cho đám lính, chúng khép nép mời qua. Cũng vì vậy mà chị và gia đình tôi bị bà con dân làng, kể cả người thân, bĩu môi, nghi ngờ làm "chỉ điểm", "gián điệp" cho địch. Cha mẹ tôi khổ tâm lắm nhưng chị bảo ai nói gì mặc kệ họ.

Con gái có thì, cha mẹ tôi nhiều lần giục chị lấy chồng, ép gả cho một thanh niên đã giải ngũ ở làng bên nhưng chị nhất mực từ chối. Chị nói còn trẻ, cứ từ từ, không nói ra nhưng trong trái tim chị đã có hình bóng của anh cán bộ cách mạng nọ - người cùng chí hướng mà chị đã trao gửi mối tình đầu.

"Tối nay con về muộn"...

Thời gian trôi qua, tháng 5-1972, toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Chị tôi hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ đặc tình từ thị xã trở về, cùng lực lượng du kích cách mạng địa phương và các anh bộ đội lo ổn định cuộc sống cho dân, củng cố hầm hào, công sự tránh bom pháo của giặc. Vào một buổi chiều, chị nói với cha mẹ tôi: "Con đi công tác, tối nay con về muộn".

Chị cùng với mấy anh bộ đội, du kích lên chiếc xe quân sự GMC phóng đi. Tôi đứng dõi theo mà có ngờ đâu rằng đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy hình bóng người chị thân yêu.

Thời điểm đó còn gọi là "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị. Mỹ và quân đội Sài Gòn sau khi thất thủ đã dùng không quân và hải quân đánh phá vô cùng ác liệt để tái chiếm khu vực này.

Chập tối 24-5-1972, khi đoàn xe chở bộ đội và chị tôi chạy được một lúc thì từng loạt bom bay B.52 nổ chát chúa. Tiếp đó là những trận bom của máy bay cường kích bổ nhào ở khu vực Cầu Đúc - chiếc cầu bắc qua con suối đầu làng. Cả nhà tôi xuống hầm trú ẩn, thấp thỏm lo âu. Rồi gia đình bàng hoàng đau xót khi biết chú ruột của tôi (là xã đội trưởng) đã hy sinh; còn chị tôi bị thương đang được đưa tới trạm phẫu thuật tiền phương của quân giải phóng.

Cha tôi bất chấp nguy hiểm giữa bom đạn, chạy bộ đến trạm để hỏi tình hình vết thương của chị nhưng được yêu cầu trở về hầm trú ẩn ngay lập tức. Suốt đêm đó, cả nhà thao thức, mẹ tôi khóc ròng. Vết thương quá nặng, rạng sáng hôm sau, gia đình tôi đau đớn nhận tin sét đánh: Chị đã mất. Lời từ biệt "tối nay con về muộn", như lời trăng trối sau cùng của chị, khứa mãi vào nỗi thương tiếc của tôi.

Chị đã hy sinh lúc mới tròn 23 tuổi, bỏ lại mối tình đầu dang dở mà tôi đoán rằng anh chị chỉ mới "nắm tay nhau" trong những đêm vừa tỏ tình vừa bàn cách hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở tuổi đẹp nhất thời con gái, chị đã ra đi mãi mãi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ít lâu, tôi lên đường nhập ngũ, cha mẹ tôi chuyển vào Nam sinh sống. Dù biết láng máng chị có hoạt động cách mạng trước lúc hy sinh nhưng nghĩ rằng sự hy sinh của chị cũng như bao người khác quên mình vì Tổ quốc nên gia đình tôi không trông mong điều gì. Mãi sau này, khi thực hiện chính sách đối với người có công, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc và những người hoạt động cùng thời đã không quên chị. Họ làm mọi việc để chị được yên nghỉ và làm dịu nỗi đau của người ở lại. Nhà nước đã tôn vinh, công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba cho chị. Cũng từ đó, gia đình tôi biết rõ hơn vì sao chị không chịu lấy chồng, vì sao chị nhất quyết vào thị xã làm nghề may...

Thời gian trôi qua, nỗi tiếc thương tưởng đã nguôi ngoai nhưng mỗi lần nhớ đến chị, nước mắt tôi lại tuôn rơi. Hằng năm, đến ngày giỗ chị, tôi chọn 23 bông hồng trắng dâng lên để tưởng nhớ, tự hào về người chị yêu dấu đã hy sinh cả thời thanh xuân cho đất nước, cho quê hương.


 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 

 



Theo Nguyễn Vân Hậu (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...