Ngày 4-7, ThS-BSCKI Nguyễn Kim Long, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân gặp sự cố sức khỏe nghiêm trọng khi tham gia giải chạy bộ.

Theo BS Long, cả hai trường hợp đều được Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến trong tình trạng suy kiệt sau vận động.
Trường hợp đầu tiên, nữ bệnh nhân (34 tuổi) bị ngất và co giật tay chân sau khi chạy được khoảng 4 km. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn điện giải do vận động quá sức. Sau khi được truyền dịch, bù điện giải và theo dõi sát, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo và không còn co giật.
Trường hợp 2 là nam vận động viên người Hàn Quốc (33 tuổi), bị tụt huyết áp, suy hô hấp sau khi chạy khoảng 3 km. Qua kiểm tra chuyên sâu, bệnh nhân được xác định có tổn thương cơ tim do tăng men tim, hậu quả của vận động cường độ cao. Nhờ được xử trí kịp thời, bệnh nhân đã ổn định và được chỉ định nhập viện để theo dõi tiếp.
Hiện sức khỏe cả 2 bệnh nhân đều được kiểm soát tốt, không để lại biến chứng nghiêm trọng.
Theo BS Long, chạy bộ vì sức khoẻ là xu hướng tích cực nhưng nếu thiếu chuẩn bị hoặc phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo, người chạy có thể đối mặt với nguy hiểm. Từ sự cố lần này, BS Long cảnh báo đừng chủ quan khi nghĩ rằng thấy khoẻ nhưng thực tế, các bệnh lý tim mạch, huyết áp, rối loạn điện giả có thể âm thầm phát triển và chỉ bộc lộ khi vận động mạnh.
"Trước khi tham gia chạy bộ hay các môn thể thao cường độ cao, chúng ta nên đo huyết áp, điện tâm đồ (ECG); kiểm tra công thức máu, điện giải đồ; tầm soát chức năng gan, thận; xem xét tiền sử bệnh nội – ngoại khoa" - BS Long lưu ý.
BS Long khuyến cáo cần lên kế hoạch chuẩn bị sức khoẻ kỹ lưỡng trước ngày chạy, như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc; bổ sung nước và điện giải đúng cách, tránh rượu bia; khởi động đúng kỹ thuật, mang giày phù hợp; không nên thi đấu khi đang ốm, mệt hoặc dùng thuốc lợi tiểu.
Khi có dấu hiệu mệt mỏi, đau ngực, chóng mặt, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115 để được xử lý kịp thời.
Theo Hải Yến (NLĐO)