15 năm chuẩn bị hội nhập, ngành mía đường vẫn "điêu đứng" vì giá và vấn nạn nhập lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nếu tính từ năm 2005, khi các nước ASEAN bắt đầu thiết lập cộng đồng kinh tế, ngành mía đường đã có tổng cộng 15 năm để chuẩn bị hội nhập. Thế nhưng, đầu năm 2020, thời điểm ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) chính thức có hiệu lực, ngành mía đường Việt Nam vẫn đứng trước những áp lực về biến động về giá và vấn nạn nhập lậu…
Hôm qua 1/1/2020, thuế suất nhập khẩu đường về 0% chính thức có hiệu lực, được dự báo sẽ tạo thêm áp lực với các doanh nghiệp (DN) ngành đường trong niên vụ 2019-2020.
 
Có 15 năm chuẩn bị nhưng ATIGA vẫn gây áp lực rất lớn với ngành mía đường Việt Nam (Ảnh: IT)
“Chật vật” với niên vụ 2018-2019
Số liệu thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, trong niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường đã ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,17 triệu tấn đường. Tuy nhiên, lượng tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ vào khoảng 600.000 tấn - là năm ngành đường có lượng tồn kho cao nhất trong các năm gần đây. Chưa kể, hiện giá thành sản xuất đường tại Việt Nam đang cao hơn tại Thái Lan từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Cũng theo VSSA, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng trên 800.000 tấn.
“Ngay từ đầu niên vụ 2018 - 2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lí do chống đường nhập lậu, nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường dưới giá thành sản xuất. Mặc dù giá bán đường được hạ thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được, nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân”, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA, cho biết.
Cũng theo ông Lộc, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, nhiều doanh nghiệp đã cam kết mua mía với giá ổn định trước đó, thậm chí đã phá vỡ thỏa thuận, báo giá mua mía dưới giá thành sản xuất, khiến người nông dân trồng mía càng thêm khốn đốn.
Đặc biệt, kể từ 1/1/2020, áp lực của các doanh nghiệp ngành mía đường sẽ tăng thêm khi thuế suất nhập khẩu đường về 0% chính thức có hiệu lực, đường Thái Lan giá rẻ có thể “đường đường chính chính” nhập khẩu vào nước ta, với mức giá chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), khi ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước phải giảm thêm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp đường trong nước cũng như 33 vạn hộ nông dân trồng mía. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày có thể sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh.
Phản ứng trước bối cảnh ATIGA chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, phiên giao dịch hôm nay (2/1), nhóm cổ phiếu ngành mía đường đã có phiên giao dịch không mấy tích cực. Chẳng hạn, cổ phiếu Đường Lam Sơn (HoSE: LSS) dù được xem là “ông lớn” trong ngành mía đường nhưng hiện chỉ đạt mức giá 4.700 đồng/CP. Hoặc, SBT (Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa) - cổ phiếu đầu đàn ngành mía đường thì giá hiện tại cũng chỉ đạt 18.600 đồng/CP.
Một số cổ phiếu khác như: Đường Quảng Ngãi (QNS) hiện đang giao dịch ở mức giá 27.000 đồng/CP – đây cũng là phiên thứ 17 liên tiếp mã chứng khoán này giảm giá – từ mức giá 29.700 đồng/CP về mức giá hiện tại. Hoặc cổ phiếu Đường Sơn La (mã SLS) cũng liên tục giảm giá hàng chục phiên, từ mức giá 45.400 đồng/CP về mức giá 42.400 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Diễn biến trái chiều ở các doanh nghiệp mía đường
Bước sang niên vụ 2019 - 2020, VSSA dự kiến diện tích mía đường cả nước trong niên vụ đạt hơn 157.800 ha, giảm 18% so với niên vụ 2018 - 2019. Sản lượng đường dự kiến giảm 17,5% xuống còn gần 968.000 tấn. Thêm vào đó, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết trong ATIGA, bắt đầu thực thi từ đầu năm 2020 sẽ mở cửa cho sản phẩm đường giá rẻ từ Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với các DN sản xuất đường trong nước.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp ngành mía đường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong niên vụ tài chính 2019 - 2020.
Chẳng hạn, Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) đặt mục tiêu đạt 863,9 tỷ đồng tổng doanh thu và 25,53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên vụ 2019 - 2020, lần lượt giảm 2% tổng doanh thu và 60%  lợi nhuận sau thuế so với kết quả thực hiện của niên vụ trước. Tương tự, Công ty CP Đường Kon Tum (KTS) cũng đặt mục tiêu niên vụ 2019 - 2020 (1/7/2019 - 30/6/2020) khá dè dặt, với doanh thu 486,56 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6,24 tỷ đồng, biến động không nhiều so với niên độ trước.
Ở chiều ngược lại, một số DN lớn ngành mía đường lại không quá bi quan trước ATIGA. Tại SBT, doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành, đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho niên độ 2019 - 2020, với doanh thu thuần 10.903 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 430 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều tăng nhẹ so với niên độ trước. Đây cũng là DN sở hữu đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường với trên 50 sản phẩm, phục vụ hầu như tất cả những nhu cầu phát sinh của các nhóm khách hàng.
Tương tự, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng vừa thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2019 - 2020 với doanh thu 2.362 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 170% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 106 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng hơn 350% so với niên độ 2018 - 2019.
Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

(GLO)- Peugeot E-408, phiên bản chạy điện của mẫu SUV lai coupe 408, là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Triển lãm Paris 2024. Dự kiến, đây sẽ là lựa chọn nổi bật trong phân khúc SUV coupe hạng C tại Việt Nam, với thiết kế độc đáo, sang trọng và khả năng vận hành thân thiện môi trường.

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

(GLO)- Honda Winner X là mẫu xe côn tay thể thao mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu năng mạnh mẽ và thiết kế hiện đại. Chiếc xe có những cải tiến vượt bậc cả về công nghệ và kiểu dáng, Winner X nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu của giới trẻ đam mê tốc độ và phong cách.

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

(GLO)- Piaggio MP3 không chỉ nổi bật với thiết kế 3 bánh độc đáo, mà còn mang lại sự an toàn và thoải mái trên đường phố đông đúc. Với công nghệ tiên tiến cùng khả năng vận hành linh hoạt, đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự mới lạ và tiện nghi trong phân khúc xe tay ga cao cấp.

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

(GLO)- Ford Mustang 2024 là một trong những mẫu xe thể thao đáng chú ý nhất hiện nay với thiết kế cơ bắp, hiệu suất ấn tượng và loạt trang bị tiện nghi hiện đại. Dòng xe này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành mạnh mẽ mà còn thu hút người dùng nhờ vẻ ngoài hầm hố, đậm chất thể thao.