Ngày 26-3, Hội Nghề cá VN đã có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại VN, yêu cầu phía Trung Quốc thả người, tàu cá và bồi thường thiệt hại cho ngư dân VN.
Công văn nêu rõ: theo báo cáo của hội viên, ngư dân Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, ngày 3-3-2012, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu QNg 66074 TS với 11 ngư dân và tàu QNg 66101 TS với 10 ngư dân thuộc tỉnh Quảng Ngãi khi đang đi đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa và đưa về đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) giam giữ. Sau nhiều ngày giam giữ, phía Trung Quốc cho ông Trần Hiền (thuyền trưởng tàu QNg 66074 TS) gọi điện thoại cho vợ ông biết là hai tàu và ngư dân đang bị Trung Quốc bắt giữ, đồng thời đòi nộp tiền phạt 70.000 nhân dân tệ/tàu thì mới thả về.
Ngày 26-3, Hội Nghề cá VN đã có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại VN, yêu cầu phía Trung Quốc thả người, tàu cá và bồi thường thiệt hại cho ngư dân VN. |
“Hội Nghề cá VN phản đối hành động vi phạm pháp luật VN của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động sai trái tương tự, không được gây cản trở hoạt động kinh tế, bắt giữ người, tàu, tài sản của ngư dân VN khi đang khai thác - đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do phía Trung Quốc đã gây ra cho ngư dân VN”, công văn viết.
Sau 6 ngày kể từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện 2 tàu cá cùng 21 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi), đến chiều tối 26-3, những ngư dân này vẫn bặt tin tức.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Viết Chữ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết từ nhiều ngày qua, tỉnh vẫn chưa nhận được thông tin về 2 tàu cá và 21 ngư dân Lý Sơn đang bị Trung Quốc giam giữ tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), từ các cơ quan chức năng T.Ư. “Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chính quyền huyện đảo Lý Sơn đến từng gia đình ngư dân thăm hỏi, động viên và trao quà đồng thời nhắc nhở họ không nộp số tiền mà phía Trung Quốc đã yêu cầu”, ông Chữ nói.
Trong khi chồng bị bắt, các chị Lê Thị Phúc, Nguyễn Thị Mai Trang và Võ Thị Nhớ lại mới sinh con nên sức khỏe yếu, không thể đi làm thuê kiếm sống khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Các gia đình khác cũng đang gặp khốn khó. Bà Phan Thị Ánh, vợ của thuyền trưởng Bùi Thu và cũng là mẹ của ngư dân Bùi Văn Lan đang bị Trung Quốc giam giữ, nói: “Nếu phía Trung Quốc cứ khăng khăng đòi “tiền phạt” thì các gia đình chúng tôi cũng chẳng lấy đâu ra tiền. Mong mỏi lớn nhất của các gia đình lúc này là nhà nước tiếp tục can thiệp để phía Trung Quốc sớm thả tàu và người”.
Theo báo cáo của UBND H.Lý Sơn, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện có 13 tàu cá với 191 ngư dân trong lúc khai thác hải sản xa bờ đã bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Chỉ trong vòng cuối tháng 2 đầu tháng 3-2012, 4 tàu cá của ngư dân Lý Sơn, gồm tàu QNg-96197 TS của ngư dân Phạm Mỹ, tàu QNg-96103 TS của ngư dân Lê Văn Phước, tàu QNg-66074 TS của ngư dân Trần Hiền và tàu QNg-66101 TS của ngư dân Lê Vinh (đều ở xã An Vĩnh) trong khi hành nghề lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc xua đuổi, đập phá tài sản, ngư cụ và bắt tàu, giam giữ ngư dân.
Theo Thanhnien