Y sĩ Đinh Rây của người Ca Dong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

42 mùa mưa nắng, người Ca Dong ở vùng rẻo cao xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn thấy y sĩ Đinh Văn Rây (62 tuổi) cần mẫn đến với người dân bất kể lúc nào.

Có ông, bản làng không còn sợ con ma rừng. Bác sĩ Đinh Hồng Nhía, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, có hơn 20 năm làm công tác y tế vùng cao và luôn giữ sự kính trọng với y sĩ Rây: “Ngày bác về hưu vẫn dặn dò chúng tôi theo nghề y vùng cao phải chấp nhận khổ cực, không để người dân tìm đến thầy mo, thầy cúng”.

Cuộc chiến 
với con ma rừng

Năm 1974, chàng trai tên Rây được điều về làm trưởng Trạm y tế xã Sơn Mùa. Cái trạm y tế hồi đó chỉ là những thân nứa ghép lại, bàn làm việc, giường bệnh đều do y sĩ Rây tự vào rừng đốn cây về làm.

Gọi là trạm cho oai, chứ thật ra đó là cái lều, là chỗ tá túc, còn thường ngày y sĩ Rây lội vào các bản làng với người dân.

 

Y sĩ Rây về hưu rồi nhưng mỗi ngày vẫn vào làng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Y sĩ Rây về hưu rồi nhưng mỗi ngày vẫn vào làng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hồi đó cái gì cũng thiếu, thuốc lại càng thiếu. Y sĩ Rây phải tìm thuốc nam, lá rừng để chữa bệnh cho dân. “Khổ nhất là cuộc chiến với ma rừng” - ông nói.

Ở vùng rẻo cao này, ngàn đời qua “con ma rừng” vẫn là nỗi ám ảnh với người Ca Dong.

Bất kỳ bệnh gì: từ sốt rét, tiêu chảy, thương hàn đến cảm cúm... người dân chỉ biết thầy cúng và Yàng (trời) quyết định sống chết. Người làm y tế lắm khi phải bất lực với hủ tục này. Nhưng y sĩ Rây đã chiến đấu tới cùng.

Ví dụ như để cứu được ông Đinh Văn Pha (năm nay 45 tuổi), y sĩ Rây bốn lần cược tính mạng mình. Hồi đó cậu bé Pha 6 tuổi bị sốt rét, 10 tuổi bị đậu mùa, 12 tuổi bị tiêu chảy và cũng trong năm đó bị sốt xuất huyết. Làng mời thầy mo, càng cúng thằng bé càng bệnh nặng.

“Bác Rây nghe tin vào cược mạng đưa tôi ra trạm chữa. Chữa không hết bịnh là phải đền mạng. Nếu không có bác Rây, chắc tôi chết mấy bận rồi” - ông Pha kể lại.

Còn y sĩ Rây đến bây giờ vẫn chưa dứt ra khỏi cuộc chiến chống lại ma rừng.

“Người dân tin thầy cúng hơn y tế. Muốn đuổi con ma rừng phải đánh cược mạng sống. Mình mà không chữa được bệnh là bị xử theo luật làng. May sao trời thương, dù bệnh nặng hay bệnh nhẹ mình chữa bớt hết nên bà con tin. Cái mạng vẫn còn đến giờ” - y sĩ Rây cười hiền.

42 năm làm thầy thuốc miền núi, dấu chân ông in hằn trên tất cả sườn đồi, bản làng Sơn Mùa. Từ khi nhận nhiệm vụ lập trạm y tế, y sĩ Rây ngoài việc chống lại con ma rừng còn kêu gọi mọi người ra trạm y tế sinh con cho bảo đảm sức khỏe.

Những người mẹ, những đứa trẻ chết trên tay bà mụ làng đỡ đẻ cứ thế nối dài trong nỗi khổ tâm của ông Rây.

Một ngày mưa phùn 35 năm về trước, có một bé gái chào đời được 3 tháng thì bị người làng bỏ trong bìa rừng vì thầy cúng cho rằng hai mẹ con bị Yàng phạt.

Cô bé đó bây giờ là chị Đinh Thị Thanh, năm nay 35 tuổi. Chị Thanh kể: “Hồi mẹ sinh tôi, bà mụ đỡ đẻ cắt dây rốn khiến tôi bị nhiễm trùng, mẹ tôi bị sót nhau. Thầy cúng bảo bị ma rừng ám nên mang hai mẹ con bỏ ở bìa rừng.

Bác Rây biết chuyện vào mang hai mẹ con tôi ra chữa, thế là hai mẹ con được sống. Sau này tôi sinh con đều mang ra nhờ bác Rây đỡ đẻ hết”.

Làm y sĩ, không làm 
phó chủ tịch xã

Mãi đến năm 2000, khi Trạm y tế xã Sơn Mùa có nữ y tá thì việc đỡ đẻ của ông Rây mới được san sẻ. Y sĩ Rây càng được cảm phục hơn khi từ chối chức phó chủ tịch xã để gắn bó với ngành y.

Đó là năm 1985, chàng trai Đinh Văn Rây, lúc ấy là trưởng Trạm y tế xã Sơn Mùa, được cấp trên tin tưởng, đề bạt vào vị trí phó chủ tịch UBND xã Sơn Mùa. Nghe tin này, ông từ chối.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để vẫn nhớ câu chuyện 32 năm về trước: “Anh Rây là vậy đó. Đời anh chỉ muốn cứu người chứ không muốn làm việc gì khác. Cấp trên hiểu nên không ép ông nữa”.

Ông Rây bảo: “Tôi từ chối vì bà con cần người chữa bệnh. Mình mà nghỉ thì để thầy cúng làm càn”.

Sau lần từ chối làm phó chủ tịch ấy, xã Sơn Mùa gặp một trận sốt rét lớn, mọi hi vọng lại dồn vào y sĩ Rây.

Và chính ông đã đi vào từng bản làng khám, cấp thuốc. Lần đó ông mất ba tháng ăn núi ngủ rừng để khống chế trận dịch ấy.

Cũng nhờ ông mà người Ca Dong bỏ suy nghĩ: “Con muỗi bé tí sao mạnh bằng người mà bảo nó gây bệnh sốt rét? Bệnh này do Yàng phạt, dân làng phải cúng trâu xin Yàng...”.

Bây giờ về hưu nhưng y sĩ Rây vẫn lặng lẽ đến với người dân, chỉ khác xưa là ông không còn khoác lên mình chiếc áo blouse.

Ông vẫn là chỗ dựa của người Ca Dong mỗi lần ốm đau. Hủ tục cúng tế chữa bệnh cũng dần được đẩy lùi, người dân đã ý thức khi ốm đau phải ra trạm y tế chữa bệnh.

Hôm chúng tôi đến, y sĩ Rây đang đi vào làng hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.

Ông Rây tâm tình: “Mình về hưu rồi, rảnh rỗi hơn nên giúp đỡ mấy đứa nhỏ ở trạm đỡ cực. Với lại người làng vẫn còn tin mình, lương hưu vẫn nhận thì vẫn còn làm”.

Cứ thế, mỗi ngày ông vẫn rong ruổi vào các bản làng nhắc người dân những việc nhỏ nhất như dọn vệ sinh, ngủ phải mắc màn hay dùng thuốc đúng cách. Những điều tưởng chừng rất đơn giản, nhưng để người Ca Dong học thuộc và làm được như vậy thì không hề đơn giản chút nào.

Ngay cả những thông điệp tuyên truyền đến người dân cũng được “mềm hóa” cho có vần có điệu thì bà con mới nhớ và làm theo.

Và 42 năm qua, y sĩ Rây đã sáng tác một bài hát tiếng Ca Dong mà khi dịch sang tiếng Kinh là: “Có bệnh ra trạm y tế, đi làm về nhớ dọn vệ sinh, ngủ phải móc mùng cho mình khỏi sốt…”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.