Xuyên đêm hái bông điên điển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhớ những mùa lũ năm trước, nước tràn đồng mang đầy ắp sản vật tôm cá, vùng “rốn lũ” cũng nhộn nhịp hẳn lên, bởi đâu đâu cũng tấp nập ghe xuồng đánh bắt. Tuy nhiên, với mùa lũ cạn hiện nay, nguồn thủy sản khan hiếm thì các loại thủy sinh, trong đó có cây điên điển đã trở thành “cứu cánh”, đem lại thu nhập chính cho bà con.
 
Ông Lê Thành Thăng dù đã U80 nhưng vẫn tham gia hái bông điên điển xuyên đêm Ảnh: Kim Hà
Xuyên đêm 
Khi gà chưa gọi sáng, hàng trăm bà con ở vùng lũ giáp biên giới Campuchia (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển.
Cứ vào nửa đêm vợ chồng ông Lê Thành Thăng (còn gọi là Bảy Thăng, 77 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu) bắt đầu đi thu hoạch loài hoa vàng này. Đeo chiếc đèn pin trên đầu, ông Bảy Thăng cùng vợ, mỗi người bơi một chiếc xuồng nhỏ vội vã băng đồng trong đêm tối đen như mực.
Chỉ về những chấm sáng rọi xa xa, thứ ánh sáng duy nhất làm cánh đồng lũ hoang vắng trở nên “rộn ràng”, ông Bảy nói: “Giờ này người ta đi bẻ bông điên điển rồi đó. Phải tranh thủ làm ban đêm mới kịp sáng sớm cân cho bạn hàng”.
Bơi thêm vài trăm mét nữa là đến nơi “làm việc” của đôi vợ chồng già. Tại đây, mỗi người tẽ ra 2 bên hàng điên điển và bắt đầu hái luôn tay giữa bao nhiêu là muỗi, bồ hong cứ sà tới tấp vào mặt, mũi.
Lấp ló dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn pin đội trên đầu là gương mặt đen nhẻm, hằn sâu những nếp nhăn, đôi mắt không còn tinh anh nhưng ông lão cố cựu vùng rốn lũ này vẫn nhanh nhảu oằn nhánh điên điển thật nhiều bông búp vừa hé vàng, tay thoăn thoắt bẻ từng cái rồi để vào bọc nilon to tướng để sẵn trên xuồng.
Ông Bảy cho biết, trước khi làm nghề này, mùa cạn vợ chồng ông làm ruộng, lũ về thì ra đồng đánh bắt. “Ở đây người dân sống theo mùa. Mùa nào làm nghề đó. Hồi trước, nước nổi tụi tôi đi đánh bắt là chủ yếu. Nghề bẻ điên điển này cũng có làm nhưng chỉ phụ thôi. Rồi khoảng 10 năm nay, tôm cá không còn nhiều, nên bông điên điển “lên ngôi”, vợ chồng tôi chuyển qua nghề này” - ông Bảy nói.
Do bông điên điển nhỏ, lại nhiều và nở rất nhanh, mà người mua chỉ chuộng những bông búp vừa hé, nếu không tranh thủ hái ban đêm bông sẽ tàn dần. Tuổi già, sức khỏe kém, phải mất 1 giờ vợ chồng ông Bảy mới có thể hái được 1kg. Từ nửa đêm đến 10h trưa hai cụ hái được tầm 12- 13kg bông điên điển.
 
Bà Nguyễn Thị Xiêm được ngày bội thu bông điên điển Ảnh: Kim Hà
Đó là những khi đẹp trời, còn lúc mưa giông thì cực khổ trăm bề. Kể về nỗi cơ cực trong cái nghề nhìn sơ qua ai cũng tưởng dễ dàng, ông Bảy nói: “Trời mưa nhỏ lâm râm cũng vẫn bẻ bình thường. Nếu giông gió thì cột xuồng vô cây điên điển, rồi trùm áo mưa lại, ráng chịu lạnh, chịu ướt, chờ tạnh mưa bẻ tiếp. Có khi về vợ chồng già đổ bệnh luôn”.
“Cứu cánh” mùa lũ cạn
Trong kí ức của 2 vợ chồng ông Bảy, hồi xưa bông điên điển với cá linh là món của “nhà nghèo”. Cây điên điển mọc hoang chứ không ai trồng như bây giờ. Lúc đó có hái bán cũng không ai mua hoặc có mua cũng rẻ bèo, trong khi đó công hái rất cực. Bông điên điển nở quanh năm, thường mọc ven sông hoặc người ta chặt nhánh, rồi cắm quanh bờ đê ruộng để tự nó sinh sôi nảy nở.
Nói về cái nghề mới, ông Bảy cho hay: “Bây giờ bông điên điển có giá. Cây mọc hoang hái không đủ bán nên mấy năm nay tụi tôi bắt đầu trồng điên điển. Lớp này vừa già xong thì trồng xen thêm cái mới để nó tơ lên thì có bông hái xoay vòng quanh năm vậy đó”.
Theo ông Bảy, cây điên điển giờ đây không còn là loài cây hoang dại, nó trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Trồng điên điển đơn giản, không mất nhiều vốn đầu tư như những loại cây trồng khác. Chỉ cần bầu cây, chờ nước rút là cắm xuống đất, rồi cứ thế chờ cây lớn, ra bông là thu hoạch.
Đang hái điên điển gần đó, bà Nguyễn Thị Xiêm (52 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu) góp chuyện. “Cái nghề này làm cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Chi tiêu chuyện này, chuyện kia cũng nhờ nó mới sống qua hết mùa nước. Ban đầu tui trồng có 1 công thôi (1.000m2). Sau này, thấy thu nhập cũng ổn nên chúng tôi trồng thêm 1 công nữa. Cái nào già thì mình chặt bỏ trồng cái khác, rồi bẻ nối đuôi nhau vậy đó” - bà Xiêm nói.
 
Thau bông điên điển vàng rực là thành quả cả đêm thức trắng của bà con vùng lũ  Ảnh: Kim Hà
Gia đình bà Xiêm trước đây cũng làm nghề giăng câu, giăng lưới nhưng mùa nước những năm gần đây đều thất thu nên vợ chồng con trai bà kéo nhau đi Bình Dương làm ăn. Riêng vợ chồng bà ráng trụ lại sống với nghề điên điển này nuôi đứa cháu nội đang học lớp 3.
Cái nghề những tưởng nhàn nhưng việc thức đêm kéo dài nhiều tháng ròng dễ gây nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, suy giảm trí nhớ,…
Mùa nước năm nay, cánh đồng lũ vùng biên này xuất hiện nhiều chuột. Chúng cắn phá hết đám điên điển mới trổ, khiến nhiều hộ dân khóc ròng vì không còn bông để hái. Vì thế, ai cũng tranh thủ thức thật sớm, một là để thu hoạch được nhiều bông điên điển hơn, hai là để đuổi chuột không để chúng phá hoại sinh kế của bà con.
So với trước đây khi chưa bị nạn chuột, với 2 công điên điển, hằng đêm vợ chồng bà Xiêm có thể hái được khoảng 20kg. Với giá bán 18 ngàn đồng/kg, mỗi ngày gia đình bà có thể thu nhập gần 400 ngàn đồng. Nhưng hiện nay, khoản thu nhập ấy giảm chỉ còn một nửa.
Khó khăn là thế, nhưng tại vùng rốn lũ này vẫn có hàng trăm người mưu sinh bằng nghề hái bông điên điển xuyên đêm như vậy. “Ở đây người ta bẻ điên điển nhiều lắm, không đếm xuể. Tính riêng ở xóm tôi thôi đã có chục người rồi” - bà Xiêm cho hay...

Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Tấn Hương - Trưởng ấp Phú Hiệp cho biết: “Nghề hái điên điển trong ấp hình thành gần chục năm nay. Hiện có 200 bà con tham gia làm công việc này để kiếm thu nhập trong mùa nước nổi. Vì hiện nay, sản lượng đánh bắt thủy sản giảm nhiều so với trước. Đa số họ là trung niên, ở nhà bám đồng, bám lũ, giữ cháu. Những người trong độ tuổi lao động không có việc gì làm đều rời quê đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… làm thuê”.

Kim Hà (TP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.