Không có gì rối rắm như điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua. Cả ba bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương đều có vai trò và có tiếng nói trong công việc này.
Chưa hết, qua được các bộ thì vẫn có thể không qua nổi hải quan. Vào phút chót tờ khai hải quan có thể không mở được hoặc bị thất lạc ở trên mạng.
Và thế là gạo bị tấp đống hàng trăm ngàn tấn ở ngoài các bến cảng. Lỗ lã cho các doanh nghiệp lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.
Tại sao hệ thống đăng ký tờ khai xuất khẩu chỉ được mở vào lúc nửa đêm?
Tại sao những doanh nghiệp đã ký được hợp đồng, đã có hàng chờ ở cảng lại không mở được tờ khai, mà những doanh nghiệp chưa có đủ hợp đồng lại làm được điều này?
Tại sao các doanh nghiệp trúng thầu chưa đủ gạo bán cho dự trữ nhà nước lại là các doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu?
Thì ra, nhiều thủ tục với nhiều minh bạch là hai chuyện khác nhau. Và chuyện sau mới thật sự là quan trọng, chứ không hẳn là chuyện trước.
Thành tựu được cả thế giới ghi nhận của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 có được nhờ vào một số nguyên nhân, nhưng trước tiên là nhờ vào sự minh bạch.
Có thể nói chưa bao giờ sự minh bạch được coi trọng như vậy. Chúng ta đã bảo đảm đến ba tầng của sự minh bạch: F0, F1, F2.
Tầng thứ nhất (F0) là bệnh nhân nguồn; tầng thứ 2 (F1) là những người tiếp xúc với bệnh nhân nguồn; tầng thứ 3 (F2) là những người tiếp xúc với những người tiếp xúc bệnh nhân nguồn.
Do bảo đảm được sự minh bạch như vậy nên chúng ta đã đề ra được các giải pháp điều trị, cách ly, giãn cách xã hội phù hợp và hiệu quả.
Kinh nghiệm của cuộc chiến chống đại dịch cho thấy chỉ cần thiếu minh bạch ở bất cứ một khâu nào, công lao của cả hệ thống sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển.
Minh bạch đã mang lại thành công cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thì cũng hoàn toàn có thể mang lại thành công cho việc điều hành xuất khẩu gạo.
Trước tiên, ở tầm chính sách, phải làm rõ được những vấn đề sau đây:
1. Việc hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng có thật sự cần thiết không?
2. Lượng gạo cần phải giữ lại trong nước là bao nhiêu?
3. Hạn chế xuất khẩu gạo như vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của những người trồng lúa như thế nào?
4. Cách thức để giảm thiểu và bù đắp thiệt hại cho những người trồng lúa là những cách thức gì?
5. Dự trữ nhà nước sẽ phải mua bao nhiêu gạo và giá cả như thế nào là hợp lý?
Hai là ở tầm kỹ thuật, những vấn đề sau phải được làm rõ:
1. Hạn chế xuất khẩu để giữ lại gạo trong nước bằng cách nào là tốt nhất?
2. Áp đặt quota xuất khẩu có phải là giải pháp hiệu quả nhất không?
3. Nếu chính sách quota xuất khẩu được lựa chọn thì lượng quota của hằng tháng là bao nhiêu, đến cuối năm là bao nhiêu?
4. Việc phân bổ quota được thực hiện theo nguyên tắc nào? Tại sao theo những nguyên tắc đó lại bảo đảm hiệu quả và công bằng?
5. Hải quan phải bảo đảm thủ tục như thế nào để những doanh nghiệp đã được cấp quota thì có thể xuất khẩu một cách nhanh chóng?
6. Vận hành phần mềm mở tờ khai xuất khẩu như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm về lỗi của phần mềm này?...
Sự minh bạch như trên chắc chắn sẽ làm giảm bớt quyền độc đoán của các quan chức, nhưng cũng chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả của công tác quản lý xuất khẩu gạo.
Áp lực phải minh bạch trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang là một lợi thế. Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội hiếm có này để chuyển áp lực đó sang cho tất cả mọi lĩnh vực của nền quản trị quốc gia.
Theo TS NGUYỄN SĨ DŨNG (TTO)