Xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức đặc thù đối với địa danh gắn với tên gọi sản phẩm nhằm khai thác, phát triển danh tiếng của sản phẩm là xu hướng tất yếu. Đây cũng là mục tiêu của nhiều chủ sở hữu bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
 


Bảo hộ thương hiệu dần được quan tâm

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, đến thời điểm này, ngoài vải thiều Lục Ngạn thì chỉ mới có thanh long Bình Thuận chính thức trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Còn tại châu Âu, hiện mới chỉ có 3 địa danh là nước nắm Phú Quốc, chè xanh Mộc Châu và cà phê Buôn Ma Thuột được công nhận có chỉ dẫn địa lý. Đây là số lượng quá ít so với thực tế sản phảm nông sản của Việt Nam. Do vậy, việc công nhận chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ góp phần bảo hộ sản phẩm đó trên thương trường. Hơn nữa, việc sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm.

Gia Lai có nhiều sản phẩm tiềm năng để quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Thụy
Gia Lai có nhiều sản phẩm tiềm năng để quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Thụy



Tại hội thảo “Kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản-Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết Việt Nam có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp; thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế còn hạn chế.

Cũng chính tại hội thảo này, bà Lê Thị Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cho một số liệu đáng quan tâm: Tính đến 1-8-2022, cả nước đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116/141 sản phẩm thuộc mặt hàng nông-lâm-thủy sản đăng ký. Những tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhất gồm: Yên Bái (8); Hà Giang (8); Thanh Hóa (6); Bến Tre (5). Cùng với đó, cả nước cũng đã có 1.682 chứng nhận tập thể đã được cấp. Địa phương có nhiều nhãn hiệu tập thể được bảo hộ gồm: Quảng Nam (91); Hải Phòng (75); Bắc Giang (67); An Giang (50).

Ông Đinh Hữu Phí-Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) góp ý: Các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các tỉnh này cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ; đồng thời, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Xúc tiến thương mại, quảng bá là cần thiết

Ngày nay, chủ thể sản xuất đã ngày càng thực sự quan tâm đến việc xây dựng các chứng nhận cho sản phẩm để nâng cao giá trị và thu nhập. Nhìn về tỉnh Gia Lai, có 2 sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý là hồ tiêu Chư Sê và gạo Ba Chăm. Gia Lai hiện đang có 4 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ gồm: khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, chôm chôm Ia Grai, chanh dây Gia Lai, mật ong hoa cà phê Gia Lai. 2 sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn gồm: chỉ dẫn địa lý Gia Lai cho sản phẩm cà phê, Nhãn hiệu chứng nhận thuốc lá Krông Pa.

Thương hiệu “Cà phê sạch Thảo Hiên” góp phần đưa tên tuổi HTX sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (huyện Ia Grai) vươn xa.
Thương hiệu “Cà phê sạch Thảo Hiên” góp phần đưa tên tuổi HTX sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (huyện Ia Grai) vươn xa.



Song song với công tác xây dựng sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, việc nâng cấp sản phẩm/bộ sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng là bước tiến đi đến xây dựng thương hiệu. Riêng năm 2022, Gia Lai đã công nhận 31 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (chủ yếu thuộc các nhóm chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm…). Các sản phẩm này đều mang nét đặc trưng, được các cơ sở khai thác dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của từng địa phương như: cà phê, mật ong, tiêu, mắc ca, hạt điều, chanh dây, gạo, thịt bò khô, thịt bò một nắng, chả cá thác lác, nhung hươu, các sản phẩm từ dược liệu… Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai-nhìn nhận: “Đây là cơ sở để các ngành chức năng có kế hoạch hỗ trợ, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển”.

Nhìn xa hơn, việc các sản vật Việt được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường "khó tính" có ý nghĩa rất lớn. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nông sản mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trong và nước ngoài, các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất-tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP… là vô cùng quan trọng.

Ông Phạm Anh Văn-chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh: “Ngoài vai trò bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị "đánh cắp" thương hiệu khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa như một giấy phép bảo chứng và giúp cho sản phẩm có giá bán cao hơn thông thường, được người dân tin tưởng, ưa chuộng. Hơn nữa, việc sử dụng địa danh, dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để đăng ký cho sản phẩm đặc sản của địa phương đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của một vùng, miền đó”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24-12-2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 về Chiến lược phát triển nông  nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.



Nhưng làm sao để có bước tiến dài trên con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, theo ông Nguyễn Văn Bảy-Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất các địa phương cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của "4 nhà" là nền tảng để xúc tiến, quảng bá sản phẩm: Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học.

Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách, vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản. Địa phương kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Nhà nông thì phải tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm. Người dân cũng có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển. Nhà khoa học cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì "thương hiệu" sản phẩm bền vững trên thị trường. Còn doanh nghiệp cần xây dựng thiết chế liên kết, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu đời trên thị trường quốc tế…

 


HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.