Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Nội xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động kinh tế-xã hội thủ đô.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa lập kế hoạch và đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn và là trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Thành phố xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động kinh tế-xã hội thủ đô.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải đảm bảo đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là nhân tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị và đảm bảo an ninh quốc phòng của Thủ đô đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.
Trong thời gian tới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được thành phố phát triển một cách đồng bộ, rộng khắp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu.
Phát huy vai trò của nhà nước trong định hướng, điều phối, xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống, gắn kết cung cầu, phát triển nhanh thị trường khoa học công nghệ.
Thành phố Hà Nội đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, gồm: đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50% vào năm 2025 và mức trên 55% vào năm 2030. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7,0-7,5% vào năm 2025 và đạt từ 7,5-8,0% vào năm 2030.
Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025 và khoảng 35% GRDP vào năm 2030.
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 70% vào năm 2025 và đạt trên 85% vào năm 2030.
Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 70% vào năm 2025 và đạt tối thiểu 85% vào năm 2030.
Tỷ lệ sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ trên tổng số sản phẩm Chương trình OCOP đạt tối thiểu 40% vào năm 2025 và tối thiểu 60% vào năm 2030.
Thủ đô phấn đấu đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 12 người trên một vạn dân, năm 2030 đạt 14 người trên một vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.
Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng nêu trên, thành phố sẽ đầu tư cho khoa học công nghệ khoảng 1,2-1,5% GRDP, trong đó đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%.
Đến năm 2030, đầu tư đạt 1,5-2% GRDP, trong đó đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển khoa học công nghệ trong từng lĩnh vực như: đổi mới tư duy, tăng cường vai trò sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước và nhận thức của nhân dân và của doanh nghiệp đối với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước, cơ chế quản lý tài chính; phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo.
Thành phố phát triển thị trường khoa học công nghệ; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ Thủ đô; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cung-cầu về sản phẩm khoa học công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường khoa học công nghệ.

Sáng 23/12, Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm mới của Samsung tại trung tâm này. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sáng 23/12, Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm mới của Samsung tại trung tâm này. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hà Nội sẽ phát huy vai trò là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, làm nhiệm vụ định giá, đánh giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ đủ năng lực phục vụ thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Sàn giao dịch công nghệ sẽ được xây dựng hướng tới hình thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, xây dựng và kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thành phố sẽ thực hiện các sáng kiến khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và phát huy vai trò thành viên của mạng lưới, xây dựng thương hiệu “Hà Nội-Thành phố sáng tạo.”
Từng bước xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đấy hợp tác quốc tế trong hoạt động sáng tạo.
Thành phố nghiên cứu thiết lập “mạng lưới sáng kiến Hà Nội” dạng mở nhằm kết nối mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nêu các ý tưởng và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Thành phố Hà Nội sẽ triển khai 22 nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án để thực hiện chiến lược khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.