Xâu xé Vườn Quốc gia Yók Đôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với tài nguyên phong phú, nhiều loại gỗ quý hiếm, Vườn Quốc gia Yók Đôn luôn là "miếng mồi ngon" của lâm tặc. Từ khi hình thành đến nay, sự "tồn vong" của khu rừng này có dấu ấn rất lớn của từng thời lãnh đạo vườn.

Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn chủ yếu nằm trên địa phận huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. VQG này có hệ sinh thái rừng khộp điển hình, đa dạng sinh học, được xếp loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế. Nơi đây còn có hệ thực vật phong phú, nhất là hàng trăm loài gỗ quý hiếm.

Cán bộ kiểm lâm bắt tay lâm tặc

Dẫn chúng tôi tham quan phân khu dịch vụ hành chính trong VQG Yók Đôn, ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn - người gắn bó với VQG này hàng chục năm qua, cho biết ông nắm rõ những thăng trầm của rừng như nắm rõ cuộc đời mình.

 

 Gỗ quý trong Vườn Quốc gia Yók Đôn bị tàn phá từ nhiều năm qua.
Gỗ quý trong Vườn Quốc gia Yók Đôn bị tàn phá từ nhiều năm qua.



Theo ông Tạo, từ khoảng năm 2005-2006, gỗ quý ở vùng đệm xung quanh VQG Yók Đôn dần cạn kiệt. Cũng từ đó, lâm tặc bắt đầu tấn công mạnh vào vùng lõi của vườn. Thấy VQG bị tàn phá từng ngày nhưng lực lượng tại chỗ ít năng lực, không có những biện pháp ngăn chặn triệt để, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã cử cán bộ về lãnh đạo để giữ rừng.

"Lúc này, vườn bị tác động mạnh từ nhiều phía. Ông Trần Thế Liên được cử về làm giám đốc phải nhờ sự giúp đỡ của chính quyền để ngăn chặn. Tuy nhiên, lâm tặc vẫn manh động, tiếp tục tấn công vào rừng"-ông Tạo nhớ lại.

Theo ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc VQG Yók Đôn, tình trạng tàn phá, xâm hại rừng diễn ra qua nhiều năm, nhiều đời giám đốc. Tuy nhiên, khoảng thời gian lâm tặc tấn công, tàn phá dữ dội, để lại những hậu quả nặng nề nhất là vào những năm 2010-2012. Khi đó, hàng trăm cổ thụ quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ. Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cán bộ kiểm lâm của vườn bắt tay với lâm tặc. Thậm chí, con của lãnh đạo vườn còn tổ chức phá rừng.

Đầu năm 2011, tại nhiều khu vực trong VQG Yók Đôn, những cây giáng hương quý hiếm có đường kính cả mét liên tục bị đốn hạ. Do đó, giữa năm này, Bộ NN-PTNT phải vào cuộc, phối hợp với chính quyền địa phương chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng. Một lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn từng nói trước cuộc họp rằng lực lượng kiểm lâm đông đảo của VQG Yók Đôn trong thời gian qua đã gần như "tê liệt". Nhiều dấu hiệu cho thấy có sự thông đồng giữa lực lượng kiểm lâm của vườn với lâm tặc. Lãnh đạo bộ đã chỉ đạo khẩn trương thanh lọc, loại bỏ những kiểm lâm biến chất khỏi tổ chức.

Đầu tháng 8-2012, khi xâm nhập 2 tiểu khu 477 và 484 của VQG Yók Đôn, chúng tôi đếm được gần 70 cây căm xe, giáng hương bị lâm tặc đốn hạ. Thậm chí, có cây giáng hương đường kính khoảng 80 cm bị lâm tặc đốn hạ ngay trên con đường tuần tra của kiểm lâm. Khi báo chí phản ánh, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra và chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng ở VQG Yók Đôn. Sau đó, hàng loạt cán bộ kiểm lâm đã bị cách chức, kỷ luật.

Thủy điện lăm le

VQG Yók Đôn với hệ sinh thái động - thực vật phong phú không chỉ bị tấn công bởi lâm tặc mà còn đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi các dự án thủy điện. Nếu không có sự phản đối quyết liệt, đến giờ, có lẽ hàng ngàn loại cây quý đã chết tức tưởi, hàng trăm loài động vật phải nhường môi trường sống cho Thủy điện Đrang Phốk.

Năm 2007, Công ty CP Ðầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO, đóng tại TP HCM) đã có công văn xin khảo sát, lập dự án đầu tư Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk trên đoạn cuối sông Sêrêpốk, nằm trong vùng lõi của VQG Yók Đôn. Đến năm 2011, cơ quan chức năng đồng ý cho TECCO xây dựng nhà máy thủy điện với công suất 28 MW, tổng diện tích rừng phải chuyển đổi là 63 ha.

Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp cho biết trước đó, lãnh đạo VQG Yók Đôn đã đồng ý cho xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, năm 2012, khi được điều chuyển từ VQG Cát Tiên về thay thế, ông Trần Văn Thành đã kiên quyết phản đối. Khi mọi việc còn dùng dằng thì ông Thành chuyển công tác, ông Đỗ Quang Tùng (hiện là quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm) về thay.

Cũng như ông Thành, ông Tùng kiên quyết phản đối dự án này. Ông đã gửi nhiều văn bản đến cơ quan chức năng khẳng định không thể đánh đổi môi trường sinh thái vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. "Cuối cùng thì những phản đối quyết liệt của ông Tùng được ghi nhận, dự án thủy điện Đrang Phốk mới dừng hẳn"-ông Hiệp thở phào.

Ông Đỗ Quang Tùng cho rằng việc xây dựng nhà máy thủy điện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân sinh sống và canh tác dọc sông Sêrêpốk, cũng như trực tiếp tác động tới sinh cảnh tự nhiên của VQG Yók Đôn. Đặc biệt, nơi dự kiến xây nhà máy là một phần của môi trường sống và hành lang di chuyển của các đàn voi rừng - biểu tượng của Tây Nguyên.

"Để có cơ sở phản đối việc xây thủy điện, chúng tôi đã lấy ý kiến các chuyên gia, tham vấn với chính quyền và người dân; so sánh hiệu quả kinh tế của nhà máy với những mất mát về môi trường và kinh tế - xã hội của địa phương. Cuối cùng, dự án mới được chấm dứt dù doanh nghiệp đã bỏ ra không ít kinh phí" - ông Tùng cho biết.

Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất Việt Nam

VQG Yók Đôn được thành lập năm 1992 với diện tích 115.545 ha, là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam và là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ hai trên cả nước. VQG Yók Đôn có tính đa dạng sinh học cao với trên 922 loài thực vật, 89 loài thú và 305 loài chim, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Vườn được đánh giá là nơi có tiềm năng cung cấp các dịch vụ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch.

Hiện nay, VQG Yók Đôn có 221 biên chế. Lực lượng kiểm lâm của vườn được tổ chức thành 16 trạm và 1 đội cơ động trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Cao Nguyên-Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.