"Xanh" trên vùng đất chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhìn vườn tiêu 50 gốc, vừa hái bói cho thu nhập 300.000 đồng, lão nông Hồ Pả Thiệu mừng như rơi nước mắt: “Đất đã hồi sinh rồi bà con ơi”…
Lão nông Hồ Pả Thiệu vui mừng canh tác trên vườn tiêu đã được rà sạch bom mìn (ảnh: Tr.L)
Lão nông Hồ Pả Thiệu vui mừng canh tác trên vườn tiêu đã được rà sạch bom mìn (ảnh: Tr.L)
Tận cùng những nỗi đau
Là người đồng bào Pa Cô cố cựu ở thôn Cồn (xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), hơn ai hết, ông Thiệu hiểu về những khổ đau trên vùng đất một thời được xem là “chảo lửa”. Đó là thời quê hương không còn tiếng súng, lớp lớp trai gái thanh niên đi lên các bản, làng khai hoang mở đất. Nơi rừng sâu nước độc hay những cánh đồng khô cỏ cháy, với cây cuốc lưỡi cày, họ chung lòng “biến sỏi đá thành cơm”. 
“Không ai ngờ, dù hết chiến tranh nhưng ẩn sâu trong lòng đất bao nỗi tang thương gieo rắc suốt thời hậu chiến. Đó là những ngày mà cây cuốc lưỡi cày vừa chạm đất là tay run bần bật vì sợ bom mìn phát nổ. Những hôm ra đồng hay lên nương rẫy, cứ nghe tiếng nổ đùng là người ta hốt hoảng chạy lại xem có phải người thân của mình không? Rồi những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha theo bao nỗi tang thương mà tiếp diễn”, ông Thiệu nhớ lại.    
Ở thôn Cồn, cho tôi xem ngón tay bị cụt, anh Hồ Văn Hiên (41 tuổi) vẫn nhớ như in chuyện xảy ra vào 34 năm trước. Ngày đó, anh mới 7 tuổi, ra vườn chơi nhìn thấy một vật liệu bằng kim loại nhưng không biết là cái gì. Thấy ngộ nghĩnh, ông Thiệu nhặt mang về. “Lúc đó, gia đình đang ăn bữa cơm chiều, còn tôi chơi đùa dưới sàn nhà, bất ngờ một tiếng nổ chát chúa vang lên, tôi bị thổi tung rồi chẳng nhớ gì nữa. Lúc tỉnh lại thấy đang nằm viện, cả nhà đội ơn trời vì tôi còn sống. Hỏi ra mới biết, thứ mà tôi nhặt được là một quả đạn, rất may khi nó phát nổ đã bắn về phía trước, nhờ vậy tôi giữ được mạng”.
Ông Hồ A Bui (ở Thôn Cồn) kể, ông đến khai hoang lập nghiệp trên vùng đất này từ năm 1974. Trên những ruộng sắn, rẫy khoai, chuyện gặp bom mìn diễn ra như cơm bữa, nhiều nhất là bom chùm, mỗi lần phát hiện, ông đào hố chôn lấp lại. “Vào một ngày của 18 năm trước, khi đang ngồi ăn cơm, tôi bỗng nghe tiếng nổ kinh hoàng từ khoảng cách 2 cây số. Tôi và mọi người chạy đến xem mới biết là nổ bom, mấy người dưới đồng bằng lên đây mua phế liệu bom, rồi mang về cưa thì phát nổ. Cảnh tượng năm đó thật dễ sợ, có đến 5 người chết, không ai được toàn thây”. 
Anh Trần Văn Thành-Đội trưởng Đội ra phá bom mìn lưu động (thuộc tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam hoạt động ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: Sau chiến tranh, số lượng bom mìn còn sót lại ở Hướng Hóa là rất lớn, chỉ cần một lát cuốc bổ xuống đất là gặp bom, mìn, chuyện thương tật, chết chóc nhiều vô số kể. 
Lực lượng chức năng xử lý một quả bom còn sót lại sau thời chiến (ảnh: P.V)
Lực lượng chức năng xử lý một quả bom còn sót lại sau thời chiến (ảnh: P.V)
Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, hàng triệu tấn bom, đạn chưa nổ còn nằm rải rác khắp đất nước. Trong đó, Quảng Trị là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 84% diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ, gấp 4 lần mức bình quân cả nước. Một thời gian dài sau chiến sự, nghề thu gom phế liệu chiến tranh trở nên phổ biến ở Quảng Trị, có những địa phương coi đây là nghề chính. Làm nghề cưa bom, đạn, nhiều người chấp nhận đánh cược mạng sống của bản thân và những người xung quanh để mưu sinh.
Cả tỉnh Quảng Trị có hơn 480.000ha đất thì có gần 400.000ha (chiếm hơn 80%) đất bị ô nhiễm do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bom mìn và vật liệu nổ nằm rải rác trong khu dân cư, ở vườn nhà, thậm chí ở dưới nền nhà... và được ví là “tử thần chiến tranh".
Một thống kê khác kinh hoàng hơn: Từ năm 1975 đến cuối năm 2011, tỉnh Quảng Trị có hơn 7.000 nạn nhân do tai nạn bom mìn, trong đó 31% số nạn nhân là trẻ em. Thế mới biết, cuộc chiến đã đi qua nhưng những dư âm, hậu quả của nó vẫn kéo dài qua từng bấy năm.
Và, sự sống đã hồi sinh
Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm chương trình hợp tác quốc tế rà phá bom, mìn nhân đạo, với dự án của Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam - Hoa Kỳ. Sau đó, tỉnh tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức khác như: MAG, NPA, RENEW, CPI, SODI, APOPO... Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài luôn nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng, góp phần giảm tai nạn và thương vong gây ra bởi bom, mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Từ tháng 5.1998, các tổ chức phi chính phủ đến từ CHLB Đức, Hoa Kỳ như dự án SODI; Cây Hòa bình Việt Nam; CPI; Renew; MAG... đã giúp tỉnh rà phá được gần 5.600ha đất và phá hủy trên 370.000 bom mìn và vật liệu nổ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 25 triệu USD.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Tân Lập trò chuyện cùng nông dân đang trồng tiêu được hỗ trợ từ dự án thuộc PeaceTrees VietNam (ảnh: Tr.L)
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Tân Lập trò chuyện cùng nông dân đang trồng tiêu được hỗ trợ từ dự án thuộc PeaceTrees VietNam (ảnh: Tr.L)
Công cuộc chinh phục vùng đất chết không thể thiếu vắng những người trực tiếp tham gia rà phá bom mìn. Trong những năm qua, PeaceTrees VietNam (PTVN) đã thực hiện nhiều chương trình, dự án khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ phát triển cộng đồng tại 2 huyện Hướng Hóa và Đak Rông. Cụ thể, tại huyện Hướng Hóa, PTVN đã và đang thực hiện dự án rà phá và xử lý bom mìn lưu động (dự án EOD). Từ năm 2005 đến nay đã có 1.692.483m2 đất được rà sạch bom mìn với 45.294 vật liệu nổ các loại được thu gom và xử lý.
Không chỉ giải quyết hậu quả bom mìn, dự án còn hướng đến cải thiện sinh kế, hỗ trợ người dân làm kinh tế trên những vùng đất đang dần hồi sinh. Có 60 hộ gia đình được hỗ trợ tham gia dự án trồng tiêu tại bản Cồn thuộc xã Tân Lập và thôn Trằm thuộc xã Hướng Tân; 40 hộ gia đình được hỗ trợ tham gia dự án Vườn rau dinh dưỡng tại thôn Trằm thuộc xã Hướng Tân. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các chương trình, dự án của PTVN tại huyện Hướng Hóa đến cuối năm 2017 ước tính hơn 2,7 triệu đô la Mỹ.

Trước khi các chương trình rà phá bom mìn được triển khai, bà con Hướng Hóa khai hoang lập nghiệp rất khó khăn. Lão nông Hồ A Bui, chia sẻ: “Chúng tôi trồng đủ loại cây trên nương rẫy, nhưng không khá nổi, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt là lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hiểm họa từ những quả bom mìn ẩn dưới lòng đất. Sau mỗi tấc đất được rà phá bom mìn xong là những nhát cuốc bổ xuống để vỡ đất trồng ngô, sắn. Phải mất hàng chục năm trời sau đó, người dân huyện Hướng Hóa mới phủ xanh lại những vùng đất chết, yên tâm lao động sản xuất trên những thửa đất “sạch”. 

Lực lượng chức năng đang ngày đêm rà phá những quả bom mìn còn sót lại để giữ bình yên cho người dân (ảnh: P.V)
Lực lượng chức năng đang ngày đêm rà phá những quả bom mìn còn sót lại để giữ bình yên cho người dân (ảnh: P.V)
Tạm quên những ký ức năm nào về âm vọng của những quả bom, những giọt máu và nước mắt đã đổ cho những phận đời không may phải gửi mình vào lòng đất vì bom đạn ngay trong thời bình, những lão  nông như Hồ Pả Thiệu, Hồ Văn Hiên, Hồ A Bui lại tay cày tay cuốc trên những mảnh đất đã hồi sinh. Ông Hồ Pa Thiệu nói: "Tôi vừa hái bói bán được 300.000 đồng, số tiền không đáng là bao, nhưng là dấu hiệu cho thấy vùng đất này đã hồi sinh. Nhiều hộ dân trong thôn Cồn cũng bắt đầu thu hoạch tiêu. Từ nay bà con có thể an tâm canh tác, không còn sợ hiểm họa từ bom mìn như trước. Đặc biệt, đã có nhiều doanh nghiệp đến liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân”.
Khó mà kể hết những khó khăn của các lực lượng tham gia rà phá bom mìn ở Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng. Bởi địa bàn hoạt động hầu hết là đồi, núi, vùng sâu vùng xa, tiếp cận rất khó khăn. Chưa kể ở nhiều địa phương đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về mức độ nguy hiểm của bom mìn còn thấp, nên mức độ phối hợp với dự án trong các hoạt động còn thấp. Một số khu vực ô nhiễm không thể tiếp cận được do những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhu cầu rà phá bom mìn tại địa phương còn quá lớn, trong khi nguồn lực của dự án, tổ chức còn hạn chế. Dù khó khăn là vậy nhưng các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào các dự án rà phá bom mìn vẫn không lùi bước, vẫn ngày ngày chinh phục từng tấc đất trên vùng chảo lửa, đạn bom năm nào.
Và bên cạnh những vườn tiêu, rẫy ngô xanh mơn mởn, "tử thần” vẫn còn nhan nhản trên một diện tích lớn. "Theo ước tính - với tốc độ rà phá bom mìn như hiện nay, phải mất 300 năm nữa, Quảng Trị mới xử lý hết diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn... Nhưng dù phải mất thời gian bao lâu đi nữa, vẫn sẽ có những con người sẵn sàng đổ từng giọt mồ hôi để hồi sinh những vùng đất chết, những người tay cày tay cuốc để ươm những mầm xanh hy vọng về ngày mai ấm no, bình yên và hạnh phúc. 
“Rà phá bom mìn là nghề không có chuyện được rút kinh nghiệm”, anh Trần Văn Thành-Đội trưởng Đội ra phá bom mìn lưu động chia sẻ khi tôi hỏi về hoạt động của đội. Theo anh Thành, khi phát hiện có bom, mìn, điều phải làm ngay là phân loại để có hướng xử lý chính xác. Có những loại bom không thể di dời, đội phải thông báo chính quyền địa phương cho sơ tán người dân, rồi kích nổ tại chỗ. Đến khi đảm bảo an toàn tuyệt đối thì thông báo cho người dân trở về.
“Quá trình làm việc, chỉ cần một sơ suất nhỏ là bom đạn nổ tan xác, nhẹ thì cũng thương tật đầy mình, nên mọi thao tác của anh em đều phải chuẩn, chính xác đến mức tối đa. Cũng chính vì vậy, rà phá bom mìn là nghề không có chuyện được rút kinh nghiệm. Với anh em chúng tôi, mỗi lần xử lý một quả bom thành công là một lần hạnh phúc vì mang đến sự bình yên cho người dân”. 
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Nhóm cố vấn bom mìn Vương quốc Anh (MAG) để thực hiện dự án liên lạc cộng đồng, rà phá vật liệu chưa nổ giai đoạn 2018 – 2020. MAG sẽ trực tiếp triển khai thông qua nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhà tài trợ khác với nguồn viện trợ không hoàn lại hơn 12 triệu USD. Mục tiêu đặt ra là rà gần 50 triệu m2 đất, tháo gỡ và hủy bỏ hơn 42 nghìn các loại vật liệu chưa nổ, tổ chức hơn 350 buổi giáo dục nguy cơ bom mìn cho hơn bốn nghìn người dân...
Trần Lưu (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.