Xuân về trên quần đảo Trường Sa

Vượt qua muôn trùng sóng gió để mang Tết đến với Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt qua muôn trùng sóng gió, khi hơi Xuân đang ngập tràn trên khắp biển trời quê hương, chúng tôi đã được đón một mùa Xuân mới trọn vẹn nghĩa tình với cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân ở Trường Sa.
Bộ phận liên lạc trong cabin tàu 561. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ phận liên lạc trong cabin tàu 561. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Với những người làm báo, được đến và tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa luôn là niềm hạnh phúc và tự hào to lớn. Đây là một trải nghiệm ý nghĩa khi được sống, được làm nghề ở một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải nghiệm đó càng đặc biệt hơn khi trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên báo, đài khắp cả nước được tham gia Đoàn công tác chúc Tết tại Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức.

Vượt qua muôn trùng sóng gió, khi hơi Xuân đang ngập tràn trên khắp biển trời quê hương, chúng tôi đã được đón một mùa Xuân mới trọn vẹn nghĩa tình với cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân ở Trường Sa.

Chùm 4 bài về Xuân về ở Trường Sa góp thêm chút tình của hậu phương gửi đến nơi trái tim của cả nước đang hướng tới dịp Xuân Giáp Thìn 2024.

Bài 1: Vượt trùng khơi đến với Trường Sa

Trên boong tàu 561 của Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, lộng gió biển Đông, nhà báo Lưu Quang Phổ tâm sự: “Đêm 30 Tết cách đây gần 30 năm, cuộc gọi qua mạng VSAT (đầu số 099) chúc Tết đến bất ngờ đúng vào thời điểm giao thừa của anh Trần Đình Tạc, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, lúc bấy giờ, làm tôi bất ngờ đến nghẹn ngào. Nhiều năm sau cho đến khi anh Tạc qua đời vì bạo bệnh, năm nào anh Tạc cũng gọi cho tôi đúng dịp Tết....” Chắc hẳn đây là lý do để anh Phổ có mặt trên chuyến tàu này, cũng như đồng nghiệp từ cả nước, đến Trường Sa bằng tình cảm đong đầy…

“Duyên - nợ” với Trường Sa

Lần đầu tiên năm 1996, nhà báo Lưu Quang Phổ đi Trường Sa trên con tàu chở nước HQ-936, nay đã được bàn giao cho Học viện Hải quân. “Nắng, mưa, sóng, gió, khiến con tàu chao lắc dữ dội, chân vịt có lúc quay trong không khí. Tất cả đều say, nhưng cứ đúng giờ là chúng tôi có cơm nóng canh ngọt. Khách trên tàu đông nên cán bộ, chiến sỹ của tàu phải sơ tán ra boong để nhường chỗ,” anh Phổ nhớ lại.

Tàu 561 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) cập đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tàu 561 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) cập đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đến các đảo thuộc Trường Sa thời bấy giờ, hầu như chưa có cây. Để trồng rau, lính đảo phải trồng vào những chậu đất kê cao, bên dưới bôi mỡ lau súng để chuột khỏi trèo vì chuột ở đây rất nhiều. Nhưng ở đây, đoàn công tác vẫn được anh em mời rau xanh và họ nhường cho đoàn cả những ca nước ngọt hiếm hoi ở đảo. Trong chuyến công tác, anh Phổ đã chụp rất nhiều ảnh cho lính đảo. Về đến Nha Trang, anh in phóng và gửi ra đảo nhờ anh Tạc chuyển cho anh em…

Cái nghĩa tình “thuở ban đầu” ấy cùng với những cuộc gọi chúc Tết hàng năm của anh Tạc từ giữa trùng khơi sóng gió trong thời khắc thiêng liêng của đất trời đã là động lực thôi thúc nhà báo Lưu Quang Phổ đi thêm ba chuyến công tác Trường Sa nữa. Hôm nay, tôi mới có duyên được đi cùng anh, để dù mới ở trên tàu thôi, tôi đã “thấm” được cái tình của Trường Sa.

Cũng như tôi, nhà báo Trương Xuân Cảnh (Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk) có ước mơ, khát khao được đến Trường Sa. Điều đặc biệt, anh sống và làm việc ở Buôn Ma Thuột, xứ sở của càphê. “Thương hiệu càphê Buôn Mê đã đi khắp thế giới thì tại sao đặc sản càphê quê hương mình lại không phải là một trong những thức uống quen thuộc của cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Vừa thỏa được ước mơ của cuộc đời làm báo, chuyến đi này tôi còn mang theo 60kg càphê vận động từ các nhà hảo tâm để làm quà tặng cho những người lính đóng quân ở Trường Sa,” anh Cảnh chia sẻ. Ánh mắt của anh vẫn rạng ngời hạnh phúc, niềm vui của anh như được nhân đôi với chuyến đi lần này.

Từ lúc tiễn đoàn công tác ở quân cảng, rồi trên hành trình vượt sóng, tôi vẫn để ý một người “lính già” luôn lặng lẽ vác máy quay, tác nghiệp như một quay phim chuyên nghiệp. Khi hỏi mới biết đó là biên tập viên Tạ Ngọc Hải, công tác tại Đài Phát thanh truyền hình Bình Định.

“Mình làm báo cả đời, rất thích trải nghiệm nhưng vẫn chưa có duyên được đi Trường Sa. Năm 2009, mình từng có danh sách đi rồi mà bất ngờ bị bệnh nên phải ở lại. Sau đó, mình không đăng ký nữa vì để cơ hội đi Trường Sa cho anh em trong cơ quan. Tháng 1/2024 này là đúng tuổi nghỉ hưu, cứ nghĩ lỗi hẹn luôn với Trường Sa mà thời hạn nghỉ hưu của mình lại được lùi ba tháng theo lý lịch Đảng viên, nên mình được cơ quan tạo điều kiện cho đi Trường Sa luôn trong dịp này…,” anh Hải phấn khởi chia sẻ.

Tôi vui luôn với niềm vui của anh và chỉ mong đến tuổi nghỉ hưu, những người làm báo chúng tôi ai cũng có đủ sức khỏe và nhiệt huyết với nghề như anh Hải!

Quê hương nơi tuyến đầu

Những câu chuyện về “duyên-nợ” với Trường Sa đã giúp chúng tôi vượt qua những cơn say sóng tưởng chừng như bất tận. Sau 254 hải lý với hơn 30 tiếng trải qua sóng, gió mùa biển động cuối năm, đảo Trường Sa - trung tâm của Trường Sa đã hiện ra giữa trùng khơi làm vỡ òa cảm xúc của tất cả chúng tôi.

Thuyền chở cán bộ, chiến sĩ từ đảo lên tàu 561. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thuyền chở cán bộ, chiến sĩ từ đảo lên tàu 561. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa, Trung tá Trần Quang Phú dẫn đầu cán bộ, chiến sỹ, bà con nhân dân đã xếp thành từng hàng, vẫy tay chào đón chúng tôi tự bao giờ. Dù mới gặp lần đầu, nhưng đều là những người con đất Việt, đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, ai cũng tay bắt mặt mừng, đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, thân thương như ruột thịt.

Hoạt động đầu tiên khi đặt chân lên đảo là đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Trường Sa. Trong không khí trang nghiêm đầy xúc động với lòng tự hào dân tộc, Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2, dẫn chương trình buổi lễ với giọng trầm hùng: “Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi nhánh san hô, từng hạt cát, nhánh cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu, sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ người con đất Việt để giành lại sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của giang sơn gấm vóc Việt Nam thân yêu.”

Nhà báo Nguyễn Duy Tuấn, Báo Hà Giang, chia sẻ: “Từng tác nghiệp nhiều lần dưới chân Cột cờ Lũng Cú, địa đầu cực Bắc Tổ quốc, hôm nay tôi càng tự hào và xúc động khi đứng trước Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nơi trùng khơi của Tổ quốc. Dù ở vùng núi non trập trùng Hà Giang hay nơi sóng gió Trường Sa, chúng ta đều cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước luôn thấm đẫm trong tâm hồn. Ở đâu cũng là quê hương, được xây dựng, vun đắp từ xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước!.”

Đảo là nhà, biển là quê hương. Ở Trường Sa, những điểm đến gồm Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Trường Sa, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, các ngôi chùa đều là những “cột mốc” tâm linh, giúp đoàn công tác như được về với “nguồn cội” quê hương. Nhà báo Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam) xúc động: “Giữa trùng khơi, tôi vẫn được viếng thăm Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc, người con vĩ đại của quê hương xứ Nghệ. Cảm xúc thật nghẹn ngào, như đang được ở Làng Sen yêu dấu!.”

Tôi đang nghe sóng Trường Sa vỗ mạnh phía bờ kè, gió biển thổi rì rào qua từng rặng cây phong ba. Tiếng sóng, tiếng gió từ nghìn đời vẫn thế. Tôi chợt nhớ đến câu hát của cố nhạc sỹ Hồng Đăng: “Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương. Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời….”

Trong bản tình ca của biển, nhiều thành viên trong đoàn công tác đã tìm được đồng hương của mình là cán bộ, chiến sỹ, bà con nhân dân trên đảo. Họ đang nói với nhau bằng giọng nói quê hương, với tình yêu quê hương gắn trong tình yêu Tổ quốc, giữa vùng biển đảo thiêng liêng này.

-------------------------

Bài 2: Màu xanh giữa trùng khơi

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.